Ashui.com

Saturday
Nov 02nd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Thủy điện phá nát sông ngòi

Thủy điện phá nát sông ngòi

Viết email In

Các con sông lớn, nhỏ của Việt Nam đã, đang và sẽ có thủy điện. Điều này khiến cho các dòng sông lâm vào tình trạng bị phá nát, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như sinh kế của người dân. 

Quá nhiều thủy điện

Tại hội thảo thường niên của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) 2012 diễn ra ngày 16/12, các đại biểu đã dành riêng một chuyên đề để nói về lưu vực sông Đồng Nai và tác động của Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Nhưng đây chỉ là trường hợp điển hình về việc phát triển thủy điện của Việt Nam. Bởi trên thực tế hệ thống thủy điện trên các sông ngòi Việt Nam nhiều vô kể. 

  • Ảnh bên: Một góc rừng Nam Cát Tiên, nơi được quy hoạch xây dựng Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. 

Ông Đào Trọng Tứ- chuyên gia thủy lợi, thủy điện - thành viên Ban tư vấn VRN cho rằng, quy hoạch thủy điện của nước ta đang phát triển mạnh. Trên 13 tuyến sông ngòi lớn đều có thủy điện, bên cạnh đó các tuyến sông ngòi nhỏ cũng có các thủy điện. “Chỉ tính riêng trên lưu vực sông Đồng Nai đã có hệ thống thủy điện dày đặc, khiến các dòng sông bị tan vỡ. Nếu thực hiện thêm 2 Dự án Thủy điện 6 và 6A tại đây thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực”- ông Tứ nói.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn- chuyên gia biến đổi khí hậu và tài nguyên nước cũng cho rằng, việc có quá nhiều thủy điện đã biến hệ thống sông ngòi bị chia cắt thành các hồ chứa nhân tạo. Do đó các yếu tố liên quan đến đặc điểm thủy văn của hệ thống sông ngòi, sự biến động theo mùa và dự trữ nước theo quy luật của dòng sông bị phá vỡ. Tính dòng chảy tự nhiên của hệ thống sông sẽ trở thành sự chuyển nước nhân tạo do đó chắc chắn việc tính toán thủy văn dựa vào chuỗi đo đạc mực nước và lưu lượng nhiều năm không còn đúng.

Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng cần xem xét lại việc phát triển các dự án thủy điện trên hệ thống sông ngòi Việt Nam. Bởi vì hiện nay các dự án phát triển một cách rầm rộ, chỉ tính riêng trên hệ thống sông Đồng Nai đã có trên 20 dự án thủy điện, hồ chứa. Nếu thêm 2 Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực như mất rừng, phá vỡ sự đa dạng sinh học,… đặc biệt ảnh hưởng nặng đến việc cung cấp nước cho các vùng hạ lưu thuộc Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. 

5.000 chữ ký phản đối Dự án Thủy điện 6 và 6A 

Ngày 16/12, tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, nguyên là chuyên viên của Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (người đã có thư gửi Chủ tịch nước xin hủy 2 Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A -PV) cho biết, qua vận động người dân và các tổ chức tham gia bảo vệ rừng Nam Cát Tiên do CLB Yêu rừng Nam Cát Tiên phát động, nhiều người trong và ngoài nước rất quan tâm. Hiện đã có hơn 5.000 chữ ký phản đối xây dựng Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. 

Mất nhiều hơn được

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển thủy điện có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nhất là đối với quá trình đô thị hóa. Nhưng hiện trên thế giới đang có xu hướng không phát triển thủy điện mà thay bằng các dự án như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Thậm chí tại Mỹ người ta còn đập bỏ thủy điện. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, nếu phá rừng làm thủy điện như nước ta thì sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. 

Thực tế, nhiều nhà máy thủy điện nước ta khi thực hiện đã phá hủy nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, không bao giờ cải tạo lại được. Hàng ngàn hecta rừng của cả nước bị phá do thủy điện hiện không thể cải tạo được.

TS Lê Tự Trình, chuyên gia về môi trường dẫn chứng, Thủy điện hồ Trị An theo quy hoạch phạm vi ảnh hưởng chỉ 210km2 nhưng đến nay đã có hàng ngàn km2 bị phá vỡ. 

“Nếu Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thực hiện thì không phải 300ha bị ảnh hưởng như báo cáo mà con số này sẽ lớn hơn rất nhiều. Kéo theo dự án này, các dự án thủy điện tại rừng quốc gia Ba Bể, thủy điện trên sông Sêrêpốk cũng sẽ thực hiện theo, khi đó một diện tích lớn về rừng, và nhiều giá trị vật thể sẽ bị mất ” - ông Trình cho biết. 

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết thêm, hiện Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý tài trợ kinh phí cho Việt Nam, Lào, Campuchia thực hiện Dự án thập niên Mekong xanh. Nếu chúng ta cứ chăm chú phá rừng làm thủy điện như thực hiện Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì khả năng sẽ không nhận được các khoản tài trợ trên. Bên cạnh đó, việc xây dựng thủy điện ngoài việc mất rừng, mất sinh kế người dân, còn mất nhiều khoản tài trợ khác từ chính phủ các nước, mà các lợi nhuận từ các thủy điện mang lại chưa chắc đã bằng các khoản tài trợ đó. 

Hữu Ký 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo