Những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu thường nhắc đến là phá rừng, nước ngầm cạn kiệt, biển lở…, còn sa mạc hóa ít bị cảnh báo. Tuy nhiên thì vấn đề này đã và đang là mối nguy hại đến đời sống bà con Bình Thuận.
Nhận định này một lần nữa được được Tổ chức Công ước Liên Hợp quốc chống sa mạc hóa (UNCCD) đề cập tại hội thảo chống sa mạc hóa tổ chức tại Bình Thuận đầu tháng 11 này. Chống lại quá trình suy thoái đất đang trở nên vấn đề ưu tiên.
Bão cát ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp
Theo nhóm các nhà khoa học Viện Khoa học và phát triển môi trường Vesdec cho biết, gió mạnh liên tục ập tới những vùng đất đã bị hoang mạc ở Bình Thuận làm nên những cơn bão cát dữ dội. Mùa khô, tình trạng cát bay xuất hiện tạo thành những đồi cát di động làm tốc độ hoang mạc hóa nhanh hơn. Những đồi cát được hình thành do tác động từ gió có thể đạt đến hàng nghìn ha và cao đến 40-50m. Lượng cát này sau đó dể dàng sụt xuống phía sườn dốc chuyển dịch dần từ vị trí bờ biển vào trong nội địa.
Khu vực có hiện tượng cát tràn từ ven biển vào làm ảnh hưởng nghiêm trọng dến ruồng đồng, làng mạc, đời sống người dân, có thể phủ lấp quốc lộ 1A trên phạm vi lớn. Đe dọa tiềm năng sản xuất, nhất là cây công nghiêp, cây ăn quả giá trị như bông vải, nho, mía đường…Nhất là khu vực khô hạn trọng điểm Chí Công, Liên Hương, Bình Thạnh…
Phân tích của các nhà khoa học cho thấy thoái hóa đất và hoang mạc hóa đã, đang và tiếp tục xảy ra khá nghiêm trọng ở vùng duyên hải Nam Trung bộ. Quá trình hoang mạc hóa và thoái hóa đất ở khu vực này là kết quả của xói mòn đất, đá ong hóa, hạn hán, cát bay. Vấn đề sống còn hiện nay là tính đa dạng hóa của đất không còn.
Người dân khu vực Liên Hương, Bình Thạnh cho biết: Trước đây khu Lê (Bắc Bình) đất tốt, hoa màu phong phú đa dạng, động vật còn rừng trú ẩn, sau mấy chục năm sự thay đổi khá rõ. Chất lượng nguồn nước, đặc biệt là nước ngầm cũng suy thoái rõ rệt trong 30 năm qua. Hệ sinh thái không còn phong phú như những năm trước… Không còn cây rừng, nguồn nước không có, liệu động thực vật nào sinh sống được. Việc chăn nuôi dê, bò kiểu thả tự do cũng làm suy giảm đồng cỏ và tăng nhanh quá trình xói mòn trong vùng. Và hậu quả thoái hóa đất làm đất rừng bị rửa trôi, khó khôi phục được rừng, thậm chí có nhiều vùng không thể khôi phục được.
Cần bảo ngăn chặn trước sự phát triển của sa mạc hóa
Các nhà khoa học, nông nghiệp học nhấn mạnh rằng, kết quả nghiên cứu sa mạc hóa cho thấy những nỗ lực hồi sinh "đất chết” phải được tiến hành từ những đề tài chống sa mạc hóa đã thử nghiệm thành công. UNCCD đánh giá cao các đề tài nghiên cứu tại Bình Thuận, từ thu trữ nước mưa trên cát; Trồng rừng chống cát bay, tăng độ che phủ; Tăng cường phát triển hệ thống thủy lợi, đến các chương trình sản xuất nông nghiệp bền vững; Chuyển giao các biện pháp canh tác hợp lý...
Dải rừng phòng hộ ven biển chạy dài từ Tuy Phong đến Hàm Tân giờ đã tươi xanh rộng hơn 8.000 ha, chủ yếu trồng phi lao, xoan chịu hạn, keo lá liềm… Những loại cây đang phát triển tốt trên đất cát di động và bán di động ven biển. Có vốn Trung ương và địa phương, Bình Thuận đã nỗ lực để những dải rừng này bước đầu mang lại tác dụng lớn: phòng hộ chắn gió, cải thiện môi trường khu vực, phát triển và ổn định được mùa màng, đảm bảo cuộc sống cho người dân ven biển.Bình Thuận có gần 200 km bờ biển. Trong khi gió mùa khô rất mạnh từ tháng 10 hàng năm đến tháng 4 năm sau. Việc xanh hóa toàn diện ở Bình Thuận cũng như mọi miền trên cả nước là thành công bước đầu của các dự án Xanh hóa chống sa mạc hóa mở ra những hướng chế ngự sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Những khu rừng sinh thái phục vụ du lịch, sản xuất sẽ lấn dần đất chết… Nước được xem là yếu tố sống còn trong việc đối đầu với sa mạc hóa, có nước sẽ giải quyết được nhiều việc, nên phá rừng ở vùng đất đầy nguy cơ sa mạc hóa này phải được ngăn chặn một cách triệt để chống xói mòn và bảo vệ nguồn tài nguyên đất.
Thanh Huyền
- Tương lai cho Nghị định thư Kyoto vẫn rất "mù mịt"
- Phát triển thủy điện thiếu bền vững
- Giảm thải để có kinh tế xanh
- Ngắc ngoải điện gió
- Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Lợi bất cập hại
- Đánh giá thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Cần khách quan
- Thuỷ điện và bài toán biến đổi khí hậu ở Việt Nam
- Hà Nội tập trung giải quyết ô nhiễm sông Nhuệ, Đáy
- Ô nhiễm không khí - chuyện không nhỏ ở đô thị
- Diện tích vùng ngập nước toàn cầu bị thu hẹp 50%