Mới đây, trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng tại địa chỉ http://tietkiemnangluong.xaydung.gov.vn đã công bố cơ sở dữ liệu (CSDL) về sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) và thiết bị công trình hiệu quả năng lượng. Đây là sản phẩm từ một trong những hoạt động của Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” (EECB) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) hỗ trợ Bộ Xây dựng.
Tuân thủ QCVN 09:2017/BXD có thể tiết kiệm được 10% - 30% năng lượng sử dụng trong công trình
Tiết kiệm năng lượng (TKNL) là quốc sách của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hàng năm, ngành Xây dựng sử dụng 30% - 40% tổng năng lượng quốc gia. Do đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành Xây dựng có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ về kinh tế, xã hội mà có cả ý nghĩa về mặt môi trường khi chúng góp phần giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính – một trong những mục tiêu quan trọng trong cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Giao diện của trang CSDL sản phẩm VLXD có tính cách nhiệt
Với công trình xây dựng, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng sử dụng nhiều năng lượng, việc thiết kế và xây dựng công trình TKNL được Bộ Xây dựng quan tâm từ nhiều năm qua. Từ năm 2005, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Sau hai lần soát xét, sửa đổi, bổ sung, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD về Các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả đã phát huy hiệu quả trong thực tế thiết kế, thẩm định, cấp phép xây dựng, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng nói chung và công trình cao tầng nói riêng. Thực tế cho thấy, nếu tuân thủ các quy định của Quy chuẩn, có thể tiết kiệm được 10% - 30% năng lượng sử dụng cho công trình so với các giải pháp thiết kế và xây dựng thông thường. Điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với các giải pháp TKNL của ngành Xây dựng, nhất là khi công trình xây dựng cao tầng được vận hành trong suốt vòng đời của chúng, từ 50 – 100 năm.
Để đảm bao tuân thủ các yêu cầu của quy chuẩn, người thiết kế và xây dựng công trình phải đưa ra các giải pháp kiến trúc, vật liệu, thiết bị sử dụng năng lượng trong công trình một cách hiệu quả và hợp lý. Do đó, các thông tin về sản phẩm VLXD và thiết bị công trình hiệu quả năng lượng rất cần thiết cho các kỹ sư, kiến trúc sư trong quá trình thiết kế và xây dựng công trình, nhất là trong bối cảnh có quá nhiều loại sản phẩm VLXD và thiết bị công trình được cung ứng trên thị trường hiện nay.
Số hóa các sản phẩm, thiết bị tiết kiệm năng luợng
PGS.TS Nguyễn Đức Lượng - Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật môi trường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, chuyên gia của dự án EECB chủ trì nhóm nghiên cứu, xây dựng Bộ CSDL cho biết: “QCVN 09:2017/BXD quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình có tổng diện tích sàn từ 2.500 m2 trở lên, liên quan trực tiếp đến các bộ phận chính của công trình, bao gồm lớp vỏ bao che công trình, hệ thống thông gió và điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng và các thiết bị điện khác (động cơ điện, hệ thống cấp nước nóng). Vì vậy, CSDL bao gồm 02 nhóm đối tượng chính là các sản phẩm VLXD có tính cách nhiệt liên quan đến lớp vỏ bao che công trình và thiết bị tiêu thụ điện được lắp đặt cho công trình.
Thông qua các hoạt động thu thập và tổng hợp, phân tích số liệu, tài liệu, khảo sát thị trường, tham vấn chuyên gia... nhóm nghiên cứu đã xây dựng Bộ CSDL gồm 8 nhóm sản phẩm VLXD có tính cách nhiệt và 8 nhóm thiết bị tiêu thụ điện có hiệu quả năng lượng sử dụng trong trong các công trình xây dựng dân dụng.
CSDL các loại sản phẩm VLXD có tính cách nhiệt cung cấp các thông tin cơ bản về định danh sản phẩm (bao gồm chủng loại sản phẩm, nhà sản xuất/nhà phân phối sản phẩm), đặc tính kỹ thuật chung và đặc tính nhiệt của các loại sản phẩm VLXD…
CSDL các loại thiết bị tiêu thụ điện cung cấp các thông tin cơ bản về định danh sản phẩm (chủng loại sản phẩm, nhà sản xuất), đặc tính kỹ thuật (nguồn cấp điện, công suất làm lạnh, công suất sưởi, sử dụng các thiết bị biến tần, thu hồi nhiệt…), đặc tính tiêu thụ năng lượng (công suất tiêu thụ điện, hiệu suất năng lượng…) của các loại thiết bị tiêu thụ điện TKNL.
Mỗi nhóm sản phẩm VLXD và thiết bị tiêu thụ điện nói trên lại gồm nhiều loại sản phẩm. Ước tính, có hàng nghìn sản phẩm VLXD và thiết bị tiêu thụ điện được cập nhật trong Bộ CSDL.
Sau khi CSDL được công bố, ở giai đoạn tiếp theo, dự án EECB và Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích các đối tượng liên quan tiếp cận với CSDL. Bộ CSDL cũng sẽ được cập nhật định kỳ thường xuyên các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế.
Chủ đầu tư và người sử dụng công trình được hưởng lợi
Tổng Cty Viglacera đã sản xuất được kính TKNL và nhiều vật liệu TKNL khác phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu
Nhận định về tầm quan trọng của Bộ CSDL, TS Nguyễn Trung Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, cố vấn Giám đốc Ban quản lý dự án EECB, cho rằng: “Thông tin về đặc tính của các sản phẩm VLXD và thiết bị công trình TKNL rất quan trọng trong quá trình thiết kế và xây dựng công trình. Các thông tin trong CSDL sẽ giúp chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu dễ dàng tra cứu, thuận lợi hơn trong việc lựa chọn, quyết định sử dụng VLXD và thiết bị phù hợp với công trình, đáp ứng yêu cầu TKNL”.
Bộ CSDL có thể được ứng dụng ở tất cả các giai đoạn của dự án, từ khâu thiết kế lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng, mua sắm trang thiết bị, thi công lắp đặt đến giai đoạn nghiệm thu, vận hành và bảo trì công trình, sửa chữa và thay thế… bảo đảm công trình tuân thủ QCVN 09:2017/BXD, đạt hiệu quả về TKNL.
Là một KTS trẻ đam mê theo đuổi thiết kế các công trình xanh, công trình TKNL, KTS Trần Ngọc Linh - Giám đốc IDEE Architects luôn quan tâm, chủ động tìm hiểu, đưa vào sử dụng các vật liệu, thiết bị TKNL nhằm hiện thực hóa ước mơ kiến tạo công trình xanh, thông minh, tự cân bằng năng lượng.
KTS Linh chia sẻ: “CSDL các sản phẩm VLXD và thiết bị sử dụng điện trên trang website của Bộ Xây dựng rất hữu ích cho công việc của các KTS. Việc phân nhóm và cập nhật thông số kỹ thuật của sản phẩm, thiết bị thuận tiện tra cứu, áp dụng dễ dàng trong thiết kế, tính toán năng lượng và xử lý vi khí hậu trong công trình. Tôi mong CSDL tiếp tục được duy trì và cập nhật, cũng như chia sẻ rộng rãi hơn cho nhiều người sử dụng”.
Ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc R/D, phụ trách mảng công trình xanh, TKNL của Capital House Group, cho biết: “Đối với nhà đầu tư, để quyết định lựa chọn một loại vật liệu hay thiết bị còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như yêu cầu tiết kiệm, tổng mức đầu tư, nguồn cung của thị trường, kinh nghiệm thực tế, thương hiệu của sản phẩm... Song về cơ bản, CSDL sản phẩm VLXD có tính cách nhiệt và thiết bị sử dụng điện TKNL do Bộ Xây dựng công bố đã đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu ban đầu của các bên liên quan về công trình xanh. Chúng tôi không phải “mò mẫm” các thông tin không được kiểm chứng đầy rẫy trên mạng”.
Ông Bách bày tỏ mong muốn CSDL ngày càng sâu sắc hơn về các yếu tố xanh – TKNL, để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ở Việt Nam.
Đánh giá cao sự hữu ích của Bộ CSDL, đại diện một nhà đầu tư chú trọng phát triển công trình xanh khác là HUDLAND, ông Trần Anh Tuấn - phòng Đầu tư nhận định: “Bộ CSDL do Bộ Xây dựng công bố rất hữu ích trong việc định hướng các đơn vị ứng dụng các vật liệu, thiết bị, công nghệ mới đưa vào công trình, góp phần dần thay đổi nhận thức của chủ đầu tư về vấn đề TKNL, áp dụng công nghệ mới nhằm xây dựng và vận hành những công trình bền vững và thông minh. Các công trình thực hiện đổi mới công nghệ ngay từ khi xây dựng, về lâu dài sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho chủ đầu tư và xã hội”.
Theo ông Anh Tuấn: “Ngoài việc ứng dụng các VLXD và các thiết bị TKNL, cần ứng dụng công nghệ mới trong điều khiển, quản lý để tiết kiệm tối đa năng lượng”.
Là một người trực tiếp thanh toán các hóa đơn tiền điện, tiền nước của gia đình, chị Phan Thanh Huyền - quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Sắp tới, khi xây dựng mới ngôi nhà, gia đình chị ưu tiên lựa chọn các vật liệu, thiết bị giúp tiết kiệm chi phí vận hành nhất, như tấm cách nhiệt cho mái, tường, bồn cầu và vòi nước tiết kiệm nước, các thiết bị điện tử TKNL”.
Khi được giới thiệu về Bộ CSDL, chị Huyền cảm kích: “Thay vì phải kỳ công đến từng showroom tìm hiểu sản phẩm, vợ chồng tôi và KTS tư vấn sẽ xem xét, cân nhắc, lựa chọn các sản phẩm đã được Bộ CSDL tập hợp để đưa vào công trình. Gia đình chấp nhận số tiền đầu tư ban đầu có thể cao hơn công trình bình thương một chút nhưng về lâu về dài, khi sinh sống trong ngôi nhà ứng dụng các sản phẩm, thiết bị TKNL, gia đình tôi sẽ hài lòng hơn vì được hưởng tiện nghi tốt và quan trọng nhất là hóa đơn tiền điện, nước mỗi tháng giảm đi”.
(Báo Xây dựng)
- Top 5 ứng dụng của gạch xương màu VIGLACERA PLATINUM 20mm cho công trình ngoài trời
- Autodesk hợp tác với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiên phong triển khai Mô hình Thông tin Công trình (BIM) tại Việt Nam
- Ứng dụng công nghệ MEMS và hệ thống cảm biến xây dựng đô thị thông minh
- 9 công nghệ thực tế tăng cường ứng dụng cho Kiến trúc và Xây dựng
- Trung Quốc dùng công nghệ để phân loại rác thải như thế nào
- Vẻ đẹp của sàn ô cờ và ứng dụng trong công trình
- Xu hướng sử dụng công cụ xây dựng công trình xanh
- HOUSE3D - Nền tảng thiết kế trải nghiệm 3D/VR đầu tiên tại Đông Nam Á
- BIM & Computational Design
- BIM trở thành yếu tố quan trọng trong thiết kế xây dựng hiện nay