Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Công nghệ Ứng dụng Đề xuất bắt buộc áp dụng BIM đối với công trình cấp I từ 2023

Đề xuất bắt buộc áp dụng BIM đối với công trình cấp I từ 2023

Viết email In

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng, trong đó đề xuất lộ trình áp dụng BIM đối với công trình cấp I và cấp đặc biệt sử dụng vốn đầu tư công từ năm 2023.  

Áp dụng BIM cho các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp


(Ảnh minh họa)

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, lộ trình áp dụng BIM bao gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án hoặc dự án chuyển tiếp việc chuẩn bị dự án sang năm 2023.

Giai đoạn 2 từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án ĐTXD mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.

Trong đó, đối với các công trình cấp III, cấp IV của các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ được quy định áp dụng trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc áp dụng BIM của các công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II.


Nhà quốc hội Lào là một trong số nhiều dự án thực hiện thí điểm áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

Đối với các dự án, công trình xây dựng bắt buộc áp dụng BIM, tệp tin BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình. Chủ đầu tư hoặc đơn vị chuẩn bị đầu tư có trách nhiệm cung cấp tệp tin BIM cùng với loại hồ sơ khác theo quy định khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình.

Đối với các công trình thuộc dự án ĐTXD mới sử dụng vốn khác, chủ đầu tư cung cấp mô hình BIM khi thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng, nghiệm thu công trình theo lộ trình: Công trình cấp I, cấp đặc biệt từ năm 2024; Từ năm 2026, bổ sung công trình cấp II.

Nội dung áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư dự án quyết định.

Từ năm 2023, đối với công trình áp dụng BIM, cơ quan quản lý nhà nước sử dụng mô hình BIM để hỗ trợ trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu.

Chủ đầu tư các dự án áp dụng BIM theo lộ trình quy định có trách nhiệm tổ chức cập nhật mô hình BIM để phục vụ quá trình quản lý, vận hành và bảo trì công trình.

Tối ưu hóa thiết kế, kiểm soát chặt hồ sơ thi công...

Theo Bộ Xây dựng, việc áp dụng BIM đã góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng của công tác thiết kế, thi công xây dựng và quản lý dự án đầu tư xây dựng như: giảm thiểu việc sửa chữa, điều chỉnh thiết kế kéo theo tiết kiệm đáng kể chi phí vật tư, vật liệu, nhân công lao động, xe máy thi công và góp phần giảm chi phí của dự án, mức tiết kiệm chi phí của dự án - chi phí quy đổi đến 12% chi phí xây dựng của dự án; Rút ngắn thời gian lập báo cáo nghiên cứu khả thi mức độ giảm khoảng từ 17 - 22% thời gian lập báo cáo nghiên cứu khả thi; Rút ngắn thời gian thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở mức độ giảm từ 15 - 35% thời gian thiết kế; Giảm yêu cầu sửa đổi do sự không phù hợp của thiết kế; Rút ngắn thời gian thi công xây dựng từ 12 - 15% so với tiến độ được duyệt…


Áp dụng BIM giúp Công ty CP ĐTXD Xuân Mai cập nhập trạng thái sản xuất, thi công cấu kiện thông qua ứng dụng QR Code tại dự án.

Đã có nhiều dự án, công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước ngoài đầu tư công đã áp dụng BIM đem lại hiệu quả rất rõ rệt. BIM áp dụng tại Dự án ĐTXD trụ sở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội giúp rút ngắn thời gian thi công 4/12 tháng, ước tính giảm 10% số yêu cầu sửa đổi.

Áp dụng BIM trong Dự án cầu Cửa Đại, tỉnh Quảng Ngãi tiết kiệm khoảng 20% thời gian xác định, kiểm tra khối lượng, 30% thời gian xem xét, hiểu thiết kế, 30% tiến độ xử lý các thay đổi.

Áp dụng BIM trong Dự án ĐTXD Nhà quốc hội Lào góp phần nâng cao hiệu quả công việc rõ rệt: Thời gian thiết kế và phối hợp rút ngắn đáng kể, chất lượng, độ chính xác của thiết kế được nâng cao, các vấn đề vướng mắc phát sinh được xử lý nhanh chóng, các khối lượng được trích xuất trực tiếp từ các mô hình đảm bảo tính chính xác so với thiết kế, các thông số kỹ thuật của vật liệu, thiết bị được tích hợp trong mô hình, đảm bảo cho công tác nghiệm thu và bảo hành bảo trì trong quá trình sử dụng được diễn ra một cách tự động và thuận tiện nhất...

Ở khu vực kinh tế tư nhân, nhiều chủ đầu tư đã chủ động tiếp cận, tổ chức áp dụng BIM trong quá trình quản lý các dự án ĐTXD và đã khẳng định ưu điểm của mô hình thông tin công trình. Áp dụng BIM tại các dự án đầu tư bất động sản của Tập đoàn Vingroup, Masterise Homes, Tập đoàn Novaland, Tổng Công ty Becamex IDC... góp phần tối ưu hóa thiết kế, cải thiện công tác bóc tách, kiểm soát khối lượng, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ thi công của nhà thầu và hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn đội ngũ nhân sự vận hành công trình...

Bộ Xây dựng, tổng kết kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng BIM tương đối thành công như: Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Anh, Đức, Brazil… cho thấy, việc triển khai áp dụng BIM được ban hành dưới hình thức văn bản của Chính phủ (Nghị định, Quyết định hoặc Thông tư) và theo một lộ trình nhất định, gắn quy định bắt buộc áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, mức độ áp dụng BIM từng bước từ dự án, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp đến dự án, công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản tương ứng với các khoảng thời gian.

Ví dụ tại Singapore, lộ trình áp dụng BIM bắt đầu từ năm 2013, trong đó giai đoạn đầu bắt buộc áp dụng BIM đối với các công trình có quy mô từ 20.000m2 sàn trở lên, tương đương với công trình cấp II theo quy định của Việt Nam. Đến năm 2015 bắt buộc áp dụng BIM đối với các công trình có quy mô từ 5.000m2 sàn trở lên, tương đương với công trình cấp III theo quy định của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, từ kinh nghiệm của một số nước và đối chiếu với điều kiện thực tế của nước ta cho thấy, quy định áp dụng BIM từ năm 2023 đối với các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp là phù hợp do các chủ thể cơ bản đã có đủ năng lực áp dụng BIM.

Thanh Nga

(Tạp chí Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo