Cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ chuyên ngành Xây dựng sẽ sử dụng mô hình thông tin công trình để hỗ trợ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng…
(Ảnh minh họa)
Sử dụng BIM hỗ trợ công tác quản lý nhà nước
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; và dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng về ban hành định mức xây dựng.
Một trong những điểm đáng chú ý tại 2 dự thảo VBQPPL này là những nội dung mới được cập nhật, bổ sung liên quan đến mô hình thông tin công trình (BIM) nhằm tháo gỡ vướng mắc và thống nhất trong triển khai áp dụng BIM trong thực tiễn hiện nay.
Theo đó, tại Điều 6 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định áp dụng đối với (1) Công trình xây dựng quy mô từ cấp 2 trở lên thuộc dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP; (2) Công trình xây dựng có quy mô cấp đặc biệt, cấp 1 sử dụng vốn khác.
Đối với các công trình này, ngoài các hồ sơ trình thẩm định, cấp phép xây dựng theo quy định của Nghị định, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp bổ sung tệp tin BIM ở định dạng gốc và định dạng IFC, dung lượng của mỗi tệp tin không quá 500 MB.
Tệp tin BIM phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hồ sơ, bản vẽ thiết kế; thể hiện được vị trí, kiến trúc công trình, các kích thước chủ yếu; hình dạng không gian ba chiều các kết cấu chính của công trình.
Dự thảo Nghị định đồng thời quy định cụ thể về sử dụng mô hình BIM để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về công trình xây dựng.
Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước được sử dụng mô hình BIM để hỗ trợ trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu.
Đối với công trình xây dựng có quy mô cấp đặc biệt, cấp 1 thuộc quy định tại khoản 6 Điều 82 Luật Xây dựng, tại kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở trong trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 15 Nghị định, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở cần có đánh giá của đơn vị tư vấn thẩm tra về sự phù hợp, thống nhất và đồng bộ của mô hình BIM với các kết quả tính toán, thiết kế thể hiện tại hồ sơ nộp thực hiện thủ tục hành chính để đảm bảo mô hình BIM đáp ứng các yêu cầu về an toàn xây dựng, sự tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Sau khi hoàn thành việc thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc cấp Giấy phép xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm cập nhật tệp tin BIM trong hồ sơ thiết kế vào cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
Dự thảo Nghị định khuyến khích chủ đầu tư chủ động áp dụng BIM trong đầu tư xây dựng và cung cấp tập tin BIM theo quy định, đối với các công trình không thuộc đối tượng là: (1) Công trình xây dựng quy mô từ cấp 2 trở lên thuộc dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP; (2) Công trình xây dựng có quy mô cấp đặc biệt, cấp 1 sử dụng vốn khác.
Chi phí áp dụng BIM không vượt quá 50% tổng chi phí thiết kế
Bên cạnh đó, liên quan đến việc áp dụng BIM, dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng về ban hành định mức xây dựng quy định trường hợp dự án, công trình, gói thầu có yêu cầu áp dụng BIM trong quá trình quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, thi công xây dựng, thì chi phí áp dụng BIM xác định bằng dự toán chi phí nhưng không vượt quá 50% tổng chi phí thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được tính tương ứng cho dự án, công trình, gói thầu xác định theo hướng dẫn tại Thông tư.
Trong đó, chi phí bổ sung áp dụng BIM của một số công việc tư vấn như: Chi phí bổ sung áp dụng BIM khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi xác định bằng dự toán chi phí nhưng không vượt quá 15% chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi xác định theo hướng dẫn tại Thông tư;
Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng. Theo đó, giai đoạn 1, kể từ ngày ban hành Quyết định, bắt buộc áp dụng BIM đối với các công trình cấp 1, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư PPP bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án; Giai đoạn 2, từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp 2 trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư PPP bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Nội dung áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư dự án quyết định. Đáng chú ý, Quyết định số 258/QĐ-TTg quy định, từ năm 2023, đối với công trình áp dụng BIM, cơ quan quản lý nhà nước sử dụng mô hình BIM để hỗ trợ trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu… |
Chi phí bổ sung áp dụng BIM khi lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xác định bằng dự toán chi phí nhưng không vượt quá 15% chi phí lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xác định theo hướng dẫn tại Thông tư;
Chi phí bổ sung áp dụng BIM khi thiết kế FEED được xác định bằng dự toán chi phí nhưng không vượt quá 15% chi phí thiết kế FEED;
Chi phí bổ sung áp dụng BIM khi thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình có yêu cầu thiết kế 3 bước được xác định bằng dự toán chi phí cho bước thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công nhưng không vượt quá 20% tổng chi phí thiết kế kỹ thuật và chi phí thiết kế bản vẽ thi công của công trình có yêu cầu thiết kế 3 bước xác định theo hướng dẫn tại Thông tư;
Chi phí bổ sung áp dụng BIM khi thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình có yêu cầu thiết kế 2 bước được xác định bằng dự toán nhưng không vượt quá 20% chi phí thiết kế bản vẽ thi công của công trình có yêu cầu thiết kế 2 bước xác định theo hướng dẫn tại Thông tư.
Trường hợp phải điều chỉnh thiết kế, thì chi phí áp dụng BIM điều chỉnh xác định theo dự toán nhưng không vượt quá 20% chi phí thiết kế phần điều chỉnh.
Thúc đẩy cộng đồng BIM cho khối nhà nước
Từ những quy định bổ sung về lộ trình áp dụng, sơ bộ các yêu cầu về tệp tin BIM, đặt ra vấn đề cần thiết trang bị các kiến thức bổ sung, kiến thức nâng cao nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng có liên quan để thực hiện áp dụng BIM trong các dự án đầu tư xây dựng, phù hợp với hiện trạng phát triển BIM tại thời điểm hiện nay.
Trước đó, tại thời điểm Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016, về phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình; Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1056/QĐ-BXD, ngày 11/10/2017 công bố Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng áp dụng BIM trong giai đoạn thí điểm, nhằm trang bị các kiến thức chung, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng có liên quan.
Chương trình đã giúp người học hiểu về BIM, lợi ích, xu hướng phát triển và quy trình làm việc theo BIM; Hiểu rõ vai trò, vị trí của các chủ thể khi thực hiện triển khai BIM trong dự án đầu tư xây dựng công trình; các bước để tổ chức triển khai BIM trong một doanh nghiệp xây dựng; Phát triển kỹ năng tư duy trong việc ứng dụng BIM đối với các chủ thể tham gia dự án đầu tư xây dựng công trình (chủ đầu tư/ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công xây dựng)…
Ban chỉ đạo BIM Bộ Xây dựng tại thời điểm đó cũng đã thành lập trang tin điện tử (tại địa chỉ www.bim.gov.vn) phục vụ việc cho việc tuyên truyền, tổ chức đào tạo trực tuyến, giải đáp các vấn đề khó khăn, vướng mắc và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai BIM.
Thông qua các hoạt động của Ban chỉ đạo BIM Bộ Xây dựng, nhận thức về BIM, kinh nghiệm ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng từng bước được tăng cường, càng khẳng định công tác đào tạo, phổ biến các kiến thức áp dụng BIM có tầm quan trọng đối với thành công của việc triển khai áp dụng BIM.
Công tác này liên quan trực tiếp đến việc phát triển nguồn nhân lực thực hiện BIM và giúp định hướng cho việc áp dụng một cách phù hợp, có hiệu quả.
Tại thời điểm hiện nay, theo TS Tạ Ngọc Bình - Viện Kinh tế xây dựng, để xây dựng năng lực cho các bên liên quan đến áp dụng BIM, cần triển khai đào tạo sử dụng BIM cho cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ các dự án áp dụng BIM, các trường đại học, trung tâm đào tạo thực hiện đào tạo rộng rãi về BIM, để có thể xây dựng nguồn lực BIM, nghiên cứu những nội dung về áp dụng BIM trong quản lý vận hành, bảo trì công trình…
Đáng chú ý, TS Tạ Ngọc Bình cho rằng, cần thúc đẩy cộng đồng BIM cho khối cơ quan quản lý nhà nước vì hiện tại trong Quyết định số 258/QĐ-TTg và sắp tới đây là Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định, cơ quan quản lý nhà nước sẽ sử dụng mô hình BIM hỗ trợ cho công tác thẩm định. Và về lâu dài, việc sử dụng BIM cần được thực hiện là chủ yếu, không xem theo hình thức truyền thống bằng bản vẽ giấy.
Nguyễn Văn Đức - Cao Thị Thanh Nga
(Tạp chí Xây dựng)
- Xu hướng công nghệ xây dựng thông minh 2024
- Công nghệ UAV LiDAR mới từ YellowScan giúp thu thập dữ liệu địa hình chuyên sâu cho ngành Xây dựng
- Phát triển đô thị thông minh: Cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và cách tiếp cận tổng thể
- Chuyển đổi số trong ngành Xây dựng - Nhìn từ Nhật Bản
- 5 thành phố thông minh hàng đầu Đông Nam Á