Tại TPHCM, Công ty TNHH Công nghệ mới Việt - Nga vừa giới thiệu công nghệ điện gió “2 lớp cánh đồng trục” (YnS-W) do Nga chế tạo. Công nghệ được cho là phù hợp với sức gió tại Việt Nam, có giá thành thấp, công suất tạo điện cao hơn gấp 2,5 lần so với công nghệ tuabin gió hiện tại.
Nhiều ưu điểm
Công nghệ điện gió “2 lớp cánh đồng trục” được phát triển từ ý tưởng cánh quạt hai lớp trong máy bay quân sự tại Nga. Cha đẻ của công nghệ này là Giáo sư Bakanov Anatoly G., Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Vào tháng 4/2011, công nghệ điện gió YnS-W được đăng ký bằng độc quyền sáng chế tại Nga. Chỉ 2 tháng sau, Việt Nam đã tiếp cận loại công nghệ này, đồng thời ký kết với đối tác Nga theo dạng dự án tiếp cận công nghệ.
- Ảnh bên: Mô hình tuabin gió “2 lớp cánh đồng trục” được giới thiệu tại TPHCM mới đây.
Bà Elena Tokhonova, Phó Giám đốc Công ty YnS - OCBM (đơn vị cung cấp công nghệ) khẳng định, công nghệ YnS-W có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với công nghệ điện gió ba cánh hiện nay. Điểm đặc biệt đầu tiên nằm ở thiết kế. Với hai lớp cánh (5 cánh/lớp), tuabin sẽ lấy được nhiều gió hơn. Theo tính toán, hệ số sử dụng năng lượng gió đạt từ 0,6 - 0,8 (hệ số này của tuabin thông thường đạt từ 0,2 - 0,3), từ đó có thể tính toán được, với tuabin công suất 1MW, sản lượng điện trung bình hàng năm cao gấp 2,5 lần so với các công nghệ điện gió còn lại. Hơn nữa, tuabin YnS-W có thể hoạt động hết công suất với sức gió trung bình chỉ đạt từ 7-8m/giây (phổ biến tại Việt Nam). Mặt khác, tần số âm thanh của tuabin YnS-W khi hoạt động phát ra đạt từ 20-40Hz (tương tự tiếng xào xạc của lá cây), không gây tổn hại đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh (công nghệ tuabin gió 3 cánh có tần số âm thanh từ 2-8Hz, gây tác động đến thần kinh và tâm ký con người).
Trước mắt, phía đối tác Nga sẽ chế tạo thử 3 tuabin với công suất 1MW cho Việt Nam. Sau khi thử nghiệm thành công, Công ty TNHH Công nghệ mới Việt - Nga được phép làm chủ công nghệ này. Dự kiến, công ty sẽ thành lập nhà máy tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) để sản xuất đại trà các thiết bị điện gió như tuabin, trụ, cánh quạt... cung cấp cho các dự án điện gió khác.
Những khuyến nghị
Theo Vụ Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), để cung cấp đủ nhu cầu điện tiêu dùng trong nước những năm tới, Việt Nam ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% năm 2020 và 6,0% vào năm 2030. |
Theo thống kê, đến tháng 10/2012, Việt Nam đã có gần 50 dự án điện gió được Nhà nước cấp phép đầu tư, xây dựng, tập trung nhiều ở các tỉnh Nam Trung bộ và ĐBSCL. Điều này tiếp tục minh chứng tiềm năng điện gió ở nước ta vô cùng lớn. Tuy nhiên, tại Hội thảo “Giải pháp giảm giá thành sản xuất điện gió tại Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng dự án Lưới điện, thuộc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3, nhìn nhận, để cụ thể hóa tiềm năng lý thuyết thành tiềm năng kinh tế là không dễ dàng. Khi đặc điểm chung của các dự án điện gió là quy mô nhỏ, mức đầu tư lớn, trong khi giá mua điện gió rất thấp (khoảng 7,8 cent/kWh). Từ đó nhà đầu tư khó đảm bảo được bài toán kinh tế. Theo ông Dũng tính toán, giá tuabin gió chiếm 60% chi phí đầu tư toàn bộ hệ thống. Nếu mua tuabin châu Âu hoặc châu Mỹ, giá khoảng 2,2 triệu USD/1MW. Sử dụng tuabin Trung Quốc thì rẻ hơn (khoảng 1,6 triệu USD/1MW) nhưng đây là giải pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Giải pháp tuabin “2 lớp cánh đồng trục” được giới thiệu đủ sức cạnh tranh về vấn đề hiệu quả kinh tế. Theo đó, một tuabin gió công suất 1MW hoạt động với sức gió 4,8m/giây (phổ biến tại TPHCM), giá thành chỉ nằm khoảng 1,6 triệu USD, có thời gian sử dụng lên đến 25 năm. Hơn nữa, mức sản xuất năng lượng hàng năm đạt hơn 4,8 triệu kWh (gấp đôi tuabin 3 cánh quạt). Tính ra chỉ khoảng 1,5 ngàn đồng/kWh. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ mới trong khi chưa có sự kiểm chứng thực tế khiến nhiều chuyên gia không khỏi lo lắng. Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng) nhận định, công nghệ này hiện chỉ mới dừng ở việc được công nhận chứng chỉ của Nga, chưa có công trình nào trình diễn thương mại, nên cần thiết có thêm một đơn vị tư vấn độc lập trong hoặc ngoài nước, để phản biện thêm, bớt đi yếu tố rủi ro trong quá trình thực nghiệm.
“Dù vậy, nếu thực nghiệm công nghệ này thành công, nó không chỉ là một triển vọng lớn cho năng lượng điện gió của Việt Nam mà còn là “đòn bẩy” cho ngành điện gió hiện nay nói chung. Đủ sức thay thế than, dầu và tốt hơn về môi trường nước ta”, ông Cường cho biết thêm.
Tường Hân
- Autodesk ra mắt Bộ sản phẩm Thiết kế và Sáng tạo 2014
- Autodesk: Ellis Furniture là "Nhà Sáng chế của năm 2012"
- Hệ thống giám sát PMS: Tối ưu hóa sử dụng năng lượng cho các công trình
- Tôn Đông Á vận hành dự án ERP
- Ứng dụng phần mềm E-Inspector bảo vệ môi trường
- Autodesk Simulation 360 phá vỡ các rào cản đối với mô hình mô phỏng
- Công nghệ mới - chiếc cầu nối nhằm hỗ trợ tối ưu hóa các xí nghiệp cũ
- Những tiêu chí khi chọn kính xây dựng
- Autodesk giới thiệu Phần mềm Xây dựng Cơ sở Hạ tầng dân dụng 2013
- Autodesk ® BIM: Thiết kế bền vững, chất lượng cao
Lời bình
Turbine gió loại 2 lớp cánh có ưu điểm theo tôi hiểu là loại có rootor do một lớp cánh quay và còn lại stator lớp cánh còn lại quay đồng trục. Ư điểm là với tốc độ gió thấp vẫn cung cấp được năng lượng và tất nhiên là giảm kích thước máy phát điện khi tốc độ cùng một tốc độ gió mà chỉ một lớp cánh. Tất nhiên cùng công suất thì đường kính cánh sẽ nhỏ hơn và dĩ nhiên là tốc độ quay của turbine sẽ nhanh hơn.
tin bình luận RSS của chủ đề này