Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Công nghệ Xu hướng Công trình xanh: Vì sao ít?

Công trình xanh: Vì sao ít?

Viết email In

Với tình trạng biến đổi khí hậu, công trình xanh là một trong những loại hình được khuyến khích phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng cao ốc xanh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thiếu nhận thức về công trình xanh, đội ngũ chuyên gia có năng lực và các chính sách khuyến khích là những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư thiếu mặn mà với loại công trình này.

Xu thế của tương lai

Một trong những thủ phạm của biến đổi khí hậu là các công trình xây dựng. Hiện nay, các công trình này chiếm khoảng 40% năng lượng được tiêu thụ trên toàn cầu. Trong đó, cao ốc văn phòng là những cỗ máy khổng lồ tiêu tốn nhiều năng lượng. Đó là lý do các công trình xanh, đặc biệt là cao ốc xanh, được dự báo sẽ trở thành một xu hướng phổ biến trong tương lai.

  • Ảnh bên : Tòa nhà Centre Point tại TPHCM là cao ốc xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Loại hình cao ốc xanh đang phát triển mạnh tại nhiều nước và vùng lãnh thổ. Ở Đài Loan, từ năm 2000-2005, đã có 25 giải thưởng cho thiết kế công trình xanh và 26 giải thưởng cho những đóng góp vào công trình xanh. Tại Mỹ, từ năm 2000-2006, có trên 5.000 dự án được cấp chứng chỉ các loại. Trong khi đó, loại hình công trình xanh ở Việt Nam chỉ mới ở dạng sơ khai và so với các nước phát triển, đã lạc hậu đến 1-2 thập kỷ.

Tại Việt Nam, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), có trụ sở ở Hà Nội, cho biết đang tiến hành một số dự án xanh thí điểm. Trong đó, tòa nhà xanh của Liên hiệp Quốc tại Hà Nội sẽ là dự án đầu tiên đạt tiêu chuẩn LOTUS. Ngoài ra, còn có dự án tòa nhà Sở Khoa học và Công nghệ ở TP.HCM...

Bên cạnh đó, có một số dự án phát triển theo xu hướng xanh như tòa cao ốc văn phòng CentrePoint tại TP.HCM, được thiết kế theo tiêu chuẩn Green Star của Úc (dự án không được công nhận đạt tiêu chuẩn Green Star vì Hội đồng Xanh Úc không cấp chứng chỉ này cho các dự án bên ngoài nước Úc).

Dự án CentrePoint được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2009. Theo chủ đầu tư, CentrePoint được thiết kế theo tiêu chí tiết kiệm tối đa lượng điện năng tiêu thụ, ứng dụng giải pháp kiến trúc giảm thiểu các tác động ô nhiễm môi trường và giảm lượng khí thải CO2 khoảng 20% so với các tòa nhà có cùng diện tích. 80% diện tích tòa nhà tiếp nhận được ánh sáng tự nhiên.

Một cao ốc theo xu hướng xanh khác ở TP.HCM là Vincom Center, sẽ chính thức đi vào hoạt động vào ngày 30.4 này. Theo Công ty Cổ phần Vincom, chủ đầu tư dự án, Vincom Center được thiết kế để có thể tận dụng các không gian xanh trong và ngoài tòa nhà. Các công trình thuộc Vincom Center đều được sử dụng kính Low-E, giúp các văn phòng giảm được chi phí vận hành điều hòa nhiệt độ, chống lãng phí năng lượng và bảo đảm sức khỏe cho nhân viên trong những ngày nắng nóng.

Vì sao chưa phát triển?

Theo Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, thuộc Bộ Xây dựng, có 3 nguyên nhân chính khiến các công trình xanh chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Thứ nhất, giá nguyên vật liệu xây dựng cao. Thứ hai, thiếu khung pháp lý, các chính sách khuyến khích cụ thể dành cho các công trình xanh cũng như thiếu các hướng dẫn chi tiết và đồng bộ. Và cuối cùng, hiểu biết chung về kiến trúc xanh vẫn còn hạn chế.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nirmal Kishnani về thực hành công trình xanh tại Singapore và Malaysia, chi phí xây dựng ban đầu cho công trình xanh có tăng lên, nhưng lợi nhuận thu được sẽ gấp 3-4 lần tính theo tỉ lệ năng lượng tiết kiệm được. Theo đó, nếu chi phí tăng thêm cho công trình xanh dưới 5% thì lợi nhuận thu được tăng thêm 30%. Các con số tương ứng là 10% và 60%; 30% và 80%; 40% và 100%.

Mặc dù vậy, để xây dựng cao ốc xanh, nhà đầu tư phải bỏ ra một nguồn vốn lớn, chịu áp lực lãi vay ngân hàng, lại không có các chính sách khuyến khích cụ thể của Nhà nước. Trong khi đó, xây dựng các công trình khác đỡ tốn kém hơn, mà sức tiêu thụ vẫn tốt (xét trong điều kiện bình thường). Do đó, việc nhà đầu tư ít tự nguyện triển khai công trình xanh cũng là điều dễ hiểu.

Theo Phó Giáo sư Phạm Đức Nguyên, Tổng Thư ký Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, để phát triển loại công trình xanh ở Việt Nam, Chính phủ cần gấp rút “Xây dựng chương trình công trình xanh quốc gia” bao gồm nhiều lĩnh vực hoạt động trong xây dựng, từ công tác thiết kế kiến trúc, sản xuất vật liệu, đến thi công xây dựng, vận hành công trình. Các khâu này đều cần sự tham gia của các chuyên gia và đòi hỏi ngân sách lớn. Bên cạnh đó, còn phải có chính sách động viên, khen thưởng, khuyến khích nghiên cứu công nghệ xanh ứng dụng trong xây dựng.

Ông Nguyên cho rằng, chỉ một cơ quan cấp nhà nước đủ thẩm quyền, năng động, chuyên nghiệp mới có thể điều hành, kiểm tra, thống nhất hành động để chương trình có kết quả.

(*) 80% diện tích của tòa nhà CentrePoint tiếp nhận được ánh sáng tự nhiên. 

Nguyễn Hùng

>> Thời của cao ốc xanh? 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...