Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Đối thoại Hội An: “Bán” sự yên tĩnh và thanh thản

Hội An: “Bán” sự yên tĩnh và thanh thản

Viết email In

Sức ép mạnh mẽ của cơn lốc đô thị hóa và sự phát triển ồ ạt của du lịch đang đặt việc giữ gìn và phát triển Hội An trước nhiều thách thức. Để Hội An phát triển nhưng không mất đi tài nguyên vốn có của một đô thị di sản văn hóa thế giới, hội thảo “Xây dựng Hội An - đô thị sinh thái” đã được chính quyền Hội An tổ chức vào hạ tuần tháng 8, nơi các nhà văn hóa, khoa học, quản lý góp tiếng nói của mình.

Với tư cách là một người con của Hội An tham gia hội thảo, nhà văn Nguyên Ngọc (ảnh bên) đã dành cho Tuổi Trẻ Cuối tuần cuộc trò chuyện thân tình.

- Tôi cho rằng ý tưởng xây dựng Hội An - thành phố sinh thái là một ý tưởng rất hay và việc làm cho ý tưởng này trở thành hiện thực là điều tất yếu. Việc lãnh đạo Hội An chịu ngồi nghe ý kiến các nhà khoa học chứng tỏ họ rất tâm huyết với việc giữ gìn và xây dựng Hội An trong tương lai.

Với tôi, Hội An là một thành phố độc đáo cả về vị trí địa lý tự nhiên, môi trường văn hóa và đời sống của cư dân. Ý thức gìn giữ để phát triển và vừa phát triển vừa gìn giữ, lấy sự gìn giữ làm động lực cho phát triển là tư duy của cả lãnh đạo lẫn cư dân Hội An. Mất ý thức đó Hội An không thể phát triển được. Trong xây dựng đô thị sinh thái Hội An cần đi thêm một bước một cách có ý thức (đề án, kế hoạch, lộ trình) và rất cần suy nghĩ vì sao Hội An có được ý thức đó. Theo tôi, đó là bí quyết, bí mật và là điều bí ẩn của Hội An.

Cấp quota du lịch cho du khách

* Ông có thể phân tích rõ hơn cái mà ông gọi là “bí quyết, bí mật và bí ẩn” của Hội An trong việc xây dựng và gìn giữ một đô thị cổ nguyên vẹn và phát triển như hiện nay? 

Nhà văn Nguyên Ngọc ôm ấp ước mơ biến Hội An thành một thành phố chỉ đi xe đạp như một số đô thị ở Nhật. Theo ông, xe đạp sẽ giữ cho môi trường Hội An trong lành và yên bình. Trong năm học này (2009-2010), ông đang vận động nguồn kinh phí khoảng 300 triệu đồng để mua xe đạp cho sinh viên Trường ĐH Phan Chu Trinh, Hội An.

Theo đó, sinh viên Trường ĐH Phan Chu Trinh sẽ chỉ đạp xe đi học chứ không đi xe máy. Nếu từ một trường lan dần đến các cơ quan rồi đến toàn dân thì thật tuyệt. Ông nói: “Tôi mong có thể trong năm năm, mười năm tới, cư dân và du khách đến Hội An sẽ có thói quen chỉ đi lại bằng xe đạp. Tất nhiên để ý tưởng này trở thành hiện thực, chính quyền địa phương cần phải giải quyết tốt hơn mặt bằng để cất giữ ôtô, xe máy và trang sắm đủ xe đạp cho nhu cầu đi lại được thuận tiện hơn. 

- Quá trình đô thị hóa của Việt Nam khác với các nước phương Tây. Phương Tây hình thành sau La Mã cổ đại, do những tên cướp biển cần một nơi tiêu thụ hàng hóa mà thành. Hà Nội hình thành từ các làng nghề và cư dân buôn bán trao đổi hàng hóa tạo nên 36 phố phường nên còn có tên gọi là Kẻ Chợ.

Còn quá trình đô thị hóa ở Hội An do điều kiện địa lý mà hình thành. Hội An là trung lộ của con đường giao thương từ Đông sang Tây, Nam ra Bắc, việc hình thành thương cảng quốc tế Hội An từ thời Champa cách đây nhiều thế kỷ đã cho thấy Hội An đã giao thương với cả châu Á, châu Âu và Trung Cận Đông. Vào thời mà chủ nghĩa tư bản châu Âu đi tìm thị trường phương Đông, các chúa Nguyễn thời bấy giờ đã biết tận dụng thời cơ mở rộng giao thương và Hội An là đô thị toàn cầu hóa sớm nhất ở Việt Nam thời bấy giờ và ngay cả bây giờ.

Hội An là đô thị tiêu biểu của sự hội tụ các chủng tộc người ở các châu lục, chính vì vậy mà Hội An sống chủ yếu bằng các dịch vụ, chính dịch vụ mới làm Hội An giàu có, phát triển và tạo ra văn hóa của Hội An.

Người Hội An bặt thiệp, chân thành và năng động. Hội An là vùng đất quốc tế hóa ngay từ đầu và điểm đặc sắc của Hội An là đồng hóa, bản địa hóa nhanh chóng các cư dân quốc tế và biến họ thành người Hội An. Có thể thấy rõ điều này, người Hoa làm ăn ở Chợ Lớn từ bao đời nay nhưng đến giờ họ vẫn giữ nguyên bản sắc của người Hoa. Còn cộng đồng người Hoa ở Hội An hiện nay đã trở thành người Hội An hoàn toàn.

* Thưa ông, tại hội thảo nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng Hội An trở thành đô thị sinh thái nhằm phát triển du lịch nhưng trước đây ông đã từng nói cần phải hạn chế và cấp quota cho du khách đến Hội An?

- Trong điều kiện mới, so với Đà Nẵng, về địa hình, địa lý Hội An không thuận lợi cho việc phát triển, song Hội An biết tận dụng cái cũ, cái đặc sắc của mình để phát triển. Sự phát triển du lịch của Hội An đầy thách thức và lúc nào cũng có nguy cơ bị tổn thương. Tôi đề xuất phải cấp quota khách du lịch cho Hội An là vì vậy.

  • Ảnh bên : Chùa Cầu, một biểu tượng của Hội An (Ảnh: Dennis Archer)

* Nhưng nếu hạn chế du khách đến Hội An liệu có mâu thuẫn với việc làm ăn của cư dân địa phương? Theo ông, nên làm gì để hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển?

- Hội An phát triển bằng sự tinh tế của con người Hội An. Đây là đỉnh cao phát triển ở Hội An, nhưng những đặc điểm này lại rất mong manh và dễ tổn thương. Việc các cửa hàng may mặc để manơcanh tràn ra cả mặt phố, các cửa hàng ăn uống, hàng lưu niệm mở ra nhan nhản biến phố cổ thành một trung tâm mua bán nhộn nhịp là điều đáng lo. Giữ cho Hội An yên tĩnh, thanh bình, lịch sự thì người ta mới đến Hội An, chứ phát triển du lịch xô bồ thì nguy cơ mất Hội An là điều khó tránh khỏi. Mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế với việc giữ gìn Hội An là điều cần được giải quyết và phải là nhận thức của từng người dân Hội An.

Theo tôi biết, hiện nay nhiều người kinh doanh dịch vụ du lịch ở Hội An không mặn mà với du khách Nhật và Trung Quốc, bởi lẽ những du khách người châu Á này có văn hóa tương đồng với Hội An nên họ ít mua sắm các mặt hàng lưu niệm của Hội An. Vì lẽ đó họ ít được đón tiếp trọng thị. Đây là điều nguy hiểm đối với tính cách người Hội An. Việc này kéo dài sẽ làm thay đổi sự thân thiện, hồn hậu, mến khách của người dân Hội An - mà theo tôi đây mới chính là tài nguyên độc đáo của Hội An.

Đừng “sân khấu hóa” Hội An

* Vậy nếu muốn phát triển nhưng vẫn nguyên vẹn là một di sản văn hóa thế giới, Hội An nên đi theo hướng nào?

- Mới đây Cù Lao Chàm được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, và khi đã nổi tiếng như thế ắt du lịch sẽ phát triển và du khách sẽ đến Cù Lao Chàm đông hơn. Theo tôi, đây là một thách thức cho việc bảo tồn cù lao này. Khách đến đông thì chuyện ăn ở, rác thải sinh hoạt phải được giải quyết thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và giữ nguyên vẻ đẹp của hòn đảo này.

Việc xây dựng các cơ sở lưu trú khách trên đảo phải được cân nhắc. Cái quan trọng là làm sao để môi sinh và đời sống cư dân Cù Lao Chàm không bị ảnh hưởng bởi áp lực của làn sóng khách du lịch ngày càng đông. Và điều mong muốn nhất của tôi là không chỉ có Cù Lao Chàm nói không với túi nilông mà cả cư dân đô thị Hội An cũng nên nói không với túi nilông.

* Nhiều nhà khoa học đưa ra các hình mẫu đô thị sinh thái ở các nước, theo ông, Hội An cần áp dụng hình mẫu nào để phát triển đô thị sinh thái?

- Để bảo tồn và phát triển Hội An, không nên lặp lại hình mẫu của bất cứ đô thị nào trên thế giới mà làm mất đi vẻ hồn nhiên vốn có của nó. Đừng biến Hội An thành một sân khấu nhiều màu sắc chỉ có tác dụng làm vui mắt người xem, mà không giữ lại được cái hồn của một vùng đất được xem là di sản văn hóa của nhân loại.

Điều làm tôi lo lắng nữa là sự mất dần các ngôi nhà cổ. Cư dân sinh sống trong các ngôi nhà cổ, để chia tài sản cho con cái trưởng thành đã bán nhà cho những người giàu có ở xa có nhu cầu mua nhà cổ Hội An để làm nơi nghỉ ngơi hoặc kinh doanh. Mà cái quý của những ngôi nhà cổ ở Hội An không chỉ vì nó cổ, mà còn vì, thậm chí chủ yếu vì tính cách đặc biệt của những con người sống trong đó, chân chất, hồn hậu, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Vì thế rất đáng lo là cái hồn của các ngôi nhà cổ Hội An đang mất dần. Và như vậy Hội An sẽ không còn là Hội An. Hoặc việc du nhập ồ ạt văn hóa nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ cũng sẽ là nguy cơ đánh mất vẻ đẹp truyền thống của văn hóa Hội An.

  • Ảnh bên : Phố cổ bên sông Hoài (Ảnh: Dennis Archer)

* Một trong những cách thu hút du khách, được ngành du lịch thường xuyên tổ chức, là các lễ hội văn hóa. Vì sao tại hội thảo, ông cho rằng với Hội An không nên tổ chức thường xuyên các lễ hội?

- Tất nhiên việc tổ chức các lễ hội sẽ thu hút khách du lịch, song đừng sân khấu hóa Hội An bởi sân khấu thì giả nhiều hơn thật. Với tôi, cái giả trong lễ hội, trong văn hóa là điều tệ hại nhất. Tự thân Hội An với những gì đã có từ hàng trăm năm trước với nhân tình thuần hậu đã có một hấp lực lớn với du khách phương xa rồi.

Hãy biết cách giữ cho Hội An còn nguyên vẻ đẹp hồn nhiên như nó vốn có, đó là tài sản quý hiếm mà không phải ai muốn cũng sở hữu được. Nên nhớ người ta đến Hội An và yêu mến nó là vì sự yên tĩnh, thanh thản tìm thấy được ở đó ngày nay rất hiếm trên đời, chứ không phải vì sự rộn rịp, ồn ào, lòe loẹt. Cũng có thể nói người Hội An “bán” sự yên tĩnh, thanh thản cho du khách để làm giàu! Đó chính là điểm độc đáo của du lịch Hội An.

Việc phát triển đô thị sinh thái ở Hội An là một nghệ thuật chứ không đơn thuần là một kế hoạch. Theo đó, quy hoạch Hội An phải giải quyết vấn đề về không gian, thời gian và cuộc sống cho cư dân địa phương. Nhiều ý kiến nói về việc phát triển đô thị sinh thái ở Hội An đã nhấn mạnh đến các vấn đề về kỹ thuật như cần giải quyết các vấn đề về giao thông, rác thải, nước thải sinh hoạt. Đó là những việc cần thiết nhưng tôi cho là cái lõi của việc phát triển Hội An chính là văn hóa.

* Xin cảm ơn ông.

KIM EM (thực hiện)

Nghiên cứu sinh người Nhật Sawako Utsumi đã chuẩn bị luận án tiến sĩ của mình bằng cách định kỳ một năm hai lần đến Hội An để chụp ảnh những mặt tiền, biển hiệu, tìm hiểu cách buôn bán sinh hoạt hằng ngày của cư dân ở các ngôi nhà cổ, qua đó khẳng định cuộc sống của cư dân phố cổ đang đổi thay khá phức tạp và vận động không ngừng.

Về vấn đề làm sao để phố cổ Hội An bây giờ vẫn luôn là một phố - cổ - đương - sống, một Faifo sôi - động - trong - tĩnh - lặng, đúng hơn là tĩnh - lặng - trong - sôi - động, chứ không phải một phế phố, tôi nghĩ khả năng phố cổ Hội An trở thành phế phố khó xảy ra. Mà thành phế phố cũng không thật đáng ngại, đáng ngại là phố cổ Hội An vẫn cứ là một phố đương sống nhưng không còn cổ nữa, nghĩa là sẽ được hiện đại hóa theo hình mẫu thế kỷ 21 và dĩ nhiên sẽ mất đi cái sôi - động - trong - tĩnh - lặng, cái tĩnh - lặng - trong - sôi - động vừa nêu.

Tất nhiên không thể hình dung phố - cổ - đương - sống Hội An thời hiện đại giống hệt Hội An phố - cổ - đương - sống thời cận đại. Hình ảnh những đêm phố cổ không ánh sáng điện, chỉ có lồng đèn đỏ treo cao mấy năm nay, suy đến cùng vẫn là đời sống ảo chứ không phải đời sống thực. Phố - cổ - đương - sống phải được quan niệm là đương sống thực, đương sống tự nhiên, sống không tách rời hiện đại mà vẫn cổ, khó là ở chỗ đó. Cũng cần nhớ rằng trước khi trở thành cổ thì phố Hội An từng hiện đại so với đương thời.  

(Trích tham luận “Hội An giữa bảo tồn và phát triển” của thạc sĩ Bùi Văn Tiếng tại hội thảo “Xây dựng Hội An - đô thị sinh thái”) 
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 4625 khách Trực tuyến

Quảng cáo