Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Đối thoại Mở rộng Hà Nội: Tầm nhìn cho trăm năm

Mở rộng Hà Nội: Tầm nhìn cho trăm năm

Viết email In

Vừa tròn một năm Hà Nội mở rộng. Trong những ngày đầu tháng 10 này, Hà Nội đang náo nức chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 55 năm ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2009). Sau nhiều lần hẹn vẫn chưa thu xếp được, 6 giờ chiều thứ bảy (3/10), ngày nghỉ, trời đã sâm sẩm tối, song tại cơ quan Thành uỷ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị vẫn ưu ái dành cho Tuần Việt Nam cuộc trò chuyện thẳng thắn, cởi mở.

  • Ảnh bên : Bí thư Phạm Quang Nghị và nhà báo Nguyễn Quang Thiều (Ảnh: Phong Doanh)

- Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thưa Bí thư, đến tháng bảy vừa rồi là tròn một năm của Hà Nội mở rộng. Trong cách nghĩ của nhiều người dân thủ đô và nhiều người dân ở nơi khác thì một năm vừa rồi là thời gian chúng ta dọn dẹp mặt bằng, cho một công trình lớn - một đại công trình về Thăng Long, về Hà Nội. Bí thư có những suy ngẫm về con đường lớn của đất nước, của Thủ đô trong tương lai như thế nào?

- Bí thư Phạm Quang Nghị: Quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là công việc cho hàng trăm năm chứ không phải chỉ cho vài ba năm hay vài chục năm cho nên thời gian một năm cũng mới đo được giá trị của quyết định ấy ở mức độ nhất định.

Điều rất đáng mừng là thời gian trôi qua thì sự cảm nhận của mọi người theo chiều hướng là ngày càng đồng tình hơn, thấy lý lẽ mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là cần thiết và đúng đắn.

Tôi cho rằng điều đó là tự nhiên vì đây là một quyết định lớn, có thể dẫn tới những sự đảo lộn rất lớn về mặt tổ chức bộ máy, về mặt hành chính, về tình cảm, tâm lý con người.

Cá nhân tôi không bất ngờ, tôi cũng dự liệu được thuận lợi và đặc biệt coi trọng những mặt khó khăn. Rất nhiều người nói rằng, giữa hai quyết định, một là chia tách các đơn vị hành chính và một là hợp nhất thì bao giờ cái quyết định chia tách cũng thuận lợi hơn nhiều vì cán bộ phấn khởi, bộ máy được nở ra, biên chế được tăng lên, cơ sở vật chất được đổi mới, chức danh chức phận đều được cơi nới hơn rất nhiều.

Với sáp nhập thì không phải thế, đặc biệt hợp nhất Thủ đô lần này là hợp nhất ở quy mô lớn, mở thêm nhiều đơn vị hành chính mới. Cái độ khó, cái độ phức tạp là ở chỗ này. Nhưng sau một năm mở rộng, do đã lượng định được tất cả những thuận lợi và khó khăn, Hà Nội đã phát huy thuận lợi, khắc phục những hạn chế nên về đại thể, theo nhìn nhận của mọi người, công việc một năm qua là tốt.

- Trong những khó khăn hiện nay có một vài khó khăn phát sinh từ Hà Nội mới nhưng có không ít khó khăn để lại từ Hà Tây cũ, ví dụ chuyện giải tỏa, đền bù đất cho người nông dân, chuyện sân golf lấn đất nông nghiệp, chuyện nhiều công trình, dự án quy hoạch treo…Vậy thì với những người nông dân không còn đất canh tác, tới đây, chủ trương của Thành uỷ Hà Nội sẽ như thế nào?

- Những vấn đề anh vừa nêu không chỉ là thực tế đặt ra với riêng Hà Nội khi mở rộng địa giới hành chính. Đây là những khó khăn có tính phổ biến đối với tất cả những nơi cần phải giải phóng mặt bằng hay cần phải thay đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có việc phải di dân, phải yêu cầu người dân bàn giao đất cho nhà nước để xây dựng các công trình, các dự án. Trong những vấn đề này, Hà Nội có khó khăn nhiều hơn do quy mô, số lượng dự án đặt ra cùng một lúc rất nhiều.

Tiếp đến là giải quyết những vấn đề về tâm lý, về tư tưởng, về việc làm cho người dân cả khu vực đô thị lẫn không đô thị cũng khó hơn những nơi khác rất nhiều.

Nhưng tôi nghĩ đứng trước khó khăn thì thái độ của mình không nên than vãn mà nên nghĩ cách giải quyết. Đi đôi với vận động, thuyết phục phải có chính sách tối đa đi kèm. Khi chính sách tối đa có thể đã đủ rồi, cuối cùng là tranh thủ những người đồng thuận để vận động những người khác. Giải pháp cuối cùng mới là các biện pháp hành chính, cưỡng chế, như Hà Nội đã làm với dự án vành đai 3 vừa rồi.

Sắp xếp bộ máy: cái khó nhất đã xong


- Trong tất cả khó khăn sau khi hợp nhất thì những khó khăn nào theo Bí thư cho đến bây giờ là vấn đề nan giải nhất, thách thức nhất cho đến nay vẫn chưa giải quyết được?

- Cái khó khăn nhất là việc hợp nhất tổ chức bộ máy và cán bộ. Đây là công việc có ý nghĩa rất quyết định, làm tốt việc này thì những việc khác cũng thuận lợi lên rất nhiều còn nếu làm không tốt thì cũng phát sinh thêm những khó khăn mới.

Riêng vấn đề đó thì việc hợp nhất Hà Nội đã giải quyết rất thành công. Tôi không muốn dùng từ tốt mà tôi nói là giải quyết thành công, tức là mình sắp xếp hợp lý nhất. Vừa phù hợp với chủ trương chính sách và phù hợp với thực tế.

- Ông đã sử dụng cái gì để đo lường mức độ thành công này?

- Là việc người ta cảm thấy không có một giải pháp nào có thể tốt hơn thế và điều đó được thể hiện không chỉ đối với những cán bộ được hưởng lợi hơn do việc sắp xếp mới, mà cả những người bị thiệt đều cảm thấy đây là một phương án tốt nhất có thể lựa chọn được, ngoài ra không có một phương án nào tốt hơn.

Đó là cái làm thông tư tưởng cán bộ. Bởi vừa qua đã làm rất dân chủ, công khai, minh bạch, rất hợp tình hợp lý và đặc biệt là không có tiêu cực trong công tác cán bộ.

- Có một số ý kiến cho rằng có sự chênh lệch khá khác biệt giữa chuyên môn của công chức Hà Tây cũ và Hà Nội? Cá nhân Bí thư có thấy như vậy không? Và Thành ủy sẽ giải quyết cách biệt này trong thời gian như thế nào vì khi nếu không giải quyết được tính chuyên môn của công chức giữa hai vùng khi sáp nhập lại thì tự nhiên sẽ nảy sinh ra những vấn đề trong nội bộ của các cơ quan, của Thành ủy hay Ủy ban ?

- Sự cách biệt hay sự khác biệt là có, nếu không có mới là lạ. Vì hai địa bàn có đặc điểm kinh tế, xã hội, hành chính rất khác nhau, phong cách, thói quen cũng khác. Hai cái khác nhau có sự cách biệt là điều tất nhiên.

Tôi có thể so sánh như hai cỗ máy có kích cỡ khác nhau đang chạy với hai tốc độ khác nhau trong môi trường, nhiệt độ, ánh sáng khác nhau. Giờ mình nhập lại nhưng cái được là vừa rồi mình đã lắp ráp được hai cỗ máy lại với nhau mà nó chạy một cách ổn định, hay nói nó chạy tốt cũng được.

Để khắc phục sự khác nhau ấy đòi hỏi phải có tinh thần cộng đồng trách nhiệm, là sự biết đặt lợi ích chung lên trên mà hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Chính Hà Nội hơn một năm qua đã làm được việc như vậy và chính điều đó giúp cán bộ nhanh chóng vươn lên, trưởng thành. Có cách biệt, có khác biệt nhưng không gây ra sự đố kỵ, không gây ra những tình huống quay lưng lại với nhau mà hợp tác với nhau để khắc phục sự cách biệt đó.

  • Ảnh bên : Hà Nội hôm nay  

Hợp lưu văn hoá Thăng Long – văn hoá xứ Đoài

- Có một vấn đề mà giới trí thức đang dõi theo, đó là vấn đề văn hóa của Hà Nội - văn hóa Tràng An và văn hóa của Hà Tây - văn hóa xứ Đoài. Làm thế nào để chúng ta giữ bản sắc của hai nền văn hóa này khi hòa nhập trong cùng một đô thị. Trong chiến lược của Thành ủy, làm sao để vừa giữ được đặc trưng của hai nền văn hóa mà vẫn tạo ra được một văn hóa chung của Hà Nội mới?

-  Tôi khá lạc quan về việc bảo tồn cũng như phát huy các giá trị văn hóa của Hà Nội nói riêng và của dân tộc nói chung. Bây giờ, việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, về văn hóa thì tôi nghĩ là cái giao lưu, hợp tác, bổ sung cho nhau, cái đó là dòng chính, là cái cơ bản chứ không phải hợp nhất thì cái này nó át cái kia đi, cái này nó bài trừ cái khác.

Văn hóa Thăng Long – Hà Nội cũng có bản sắc của kinh kì, của kinh thành, kinh đô, đồng thời cũng thu hút, đại diện cho cả nước. Trong đó, từ xưa đến nay Hà Nội đã có cái gì đó của xứ Đoài rồi chứ không phải đến ngày hôm nay mới có. Nhưng bây giờ có thể nói bộ phận ấy, tỷ lệ ấy nhiều hơn lên.

Văn hóa vốn dĩ có sức lan tỏa, ngay cả khi chưa hợp nhất, những giá trị văn hóa, những bản sắc, những cái riêng đặc sắc của Thủ đô cũng từng ngày từng giờ lan tỏa ra xung quanh, trong đó có Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh v.v…

Do đó, tôi thấy mở rộng Thủ đô Hà Nội đối với văn hóa cũng không gây ra một cú sốc gì cả, mà đây là một sự kết hợp, bổ sung cho nhau, một sự bổ sung mới có thể tốc độ và mức độ lớn hơn trước, nhưng tôi không nghĩ nhiều về khía cạnh bài trừ nhau.

- Hà Tây, là mảnh đất văn hóa đặc trưng có rất nhiều làng nghề nhưng ở đó cũng có thể nó sẽ là một thứ rất khó khăn cho một thủ đô hiện đại, đó là tỷ lệ nông dân của Hà Tây rất cao. Vậy thì chúng ta có những chính sách gì để đối với những người nông dân ở Hà Tây còn lại, chúng ta sẽ đưa họ trở thành những công dân của Thủ đô, trở thành công dân của nền công nghiệp hay vẫn giữ họ trong cách thức là giữ họ như những người nông dân thuần túy?

- Trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thì Hà Nội cũng có khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Có Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng nhưng đồng thời cũng có Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm cho nên Hà Nội mở rộng có tỷ lệ nông thôn lớn hơn trước chứ không phải Hà Nội chưa có nông thôn. Trước kia, quy mô, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa đã diễn ra trên địa bàn Thành phố Hà Nội cũ thì bây giờ triển khai ra cả địa bàn của Hà Tây, của Mê Linh.

Nhưng ngược lại, tại Hà Tây, Mê Linh cũng sẽ hình thành những khu đô thị mới theo quy hoạch chúng ta đang xây dựng. Chiến lược tổng thể phát triển Thủ đô Hà Nội không chỉ là ngày một ngày hai, tất cả đều trở thành đô thị mà trong chủ trương, trong sự hoạch định, quy hoạch về mặt chiến lược thì Hà Nội vừa có đô thị, vừa có nông thôn, vừa có công nghiệp, vừa có nông nghiệp.

Vấn đề là nông nghiệp sẽ là nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp gắn liền với khoa học, công nghệ, sinh thái, nó là một nền nông nghiệp ở trình độ cao hơn và như thế, nông thôn từng ngày từng giờ tiến lên chứ không phải là nông thôn bảo thủ, cũ kỹ như nghìn đời nay. Ngược lại, đô thị của Hà Nội cũng được cải tạo, mang bộ mặt của đô thị văn minh hiện đại trong đó không gian, cây xanh, môi trường không quá chật chội, bụi bặm, không quá lộn xộn như bây giờ.

Các đô thị tương lai sẽ có tỷ lệ cây xanh, mặt nước lớn hơn bây giờ. Nên việc mở rộng là sự bổ sung hết sức kịp thời và tốt chứ tôi không nghĩ đó là sự cản trở, cái này kéo thụt lùi cái kia lại.

Di sản: chỗ dựa để tiến lên

- Trên thế giới, thường thì với những thủ đô lớn, ví dụ Canberra (Úc), khi xây dựng, người ta thường có một bản thiết kế chi tiết cho toàn bộ thủ đô đó. Bản thiết kế này có ý nghĩa như một bản đồ, như một sa bàn cho thủ đô. Vậy không rõ Hà Nội của chúng ta đã có một sa bàn như vậy chưa, đã có một bản thiết kế kỹ lưỡng chưa?

- Chúng ta đang phấn đấu làm điều đó. So với các nước, Hà Nội làm điều đó khó hơn vì các nước họ không có quá khứ một nghìn năm tuổi như Thăng Long – Hà Nội.

Có biết bao là di sản dưới mặt đất, trên mặt đất, làm cái gì mới, xây sửa cái gì không phải chỉ hướng tới tương lai mà nó đụng chạm vào cả quá khứ ngàn năm. Với Hà Nội, bài toán giữa bảo tồn và phát triển vô cùng khó, cái gì đáng bảo tồn, cái gì không cần bảo tồn, cái gì cần phát triển, cái gì không đáng phát triển đều nan giản hơn các thủ đô khác rất nhiều lần.

- Ai sẽ là người thực hiện tư tưởng của Thành ủy, của Nhà nước trong việc đó. Chúng ta sẽ thuê chuyên gia nước ngoài hay đặt hàng chính những kiến trúc sư trong nước?

- Có thể nói một cách ngắn gọn thế này, phải huy động trí tuệ của cả dân tộc, của cả đất nước đóng góp cho cái quy hoạch này. Nhưng đương nhiên, thông qua những cơ quan chức năng là Bộ Xây dựng, các Bộ ngành Trung ương, là Ủy ban nhân dân Thành phố và các hội, các giới trí thức của Việt Nam, cùng với tư vấn, chuyên gia nước ngoài để mình có được cái quy hoạch tốt nhất về Hà Nội cho hôm nay và mai sau.

- Như Bí thư vừa nói, Hà Nội hoàn toàn khác so với các thủ đô khác, chúng ta có quá nhiều di sản để lại, có những điều chúng ta phải giữ lấy, phải nâng niu, nhưng bên cạnh những di sản ấy cũng có quá nhiều lề thói cản trở cho việc phát triển một thủ đô hiện đại và văn minh. Vậy có lúc nào Bí thư cảm thấy đó là một gánh nặng quá không?

- Rất nặng. Nhưng bao giờ cũng có hai chiều. Cái di sản ấy về nghĩa nào đó thì như dân gian vẫn nói là “người chết nắm chân người sống”. Nhưng không thể phủ nhận, đó cũng là cái chỗ dựa vững chắc cho chúng ta tiến lên.

- Trong hình dung của Bí thư thì hơn mười năm nữa Hà Nội của chúng ta sẽ mang diện mạo như thế nào (tính từ sau khi chúng ta kỷ niệm 1000 năm Thăng Long)?

- Tôi cho rằng tốc độ phát triển của đất nước ta như những năm vừa qua và dự kiến những năm tới, cứ lấy GDP để nói thì cứ sau 5 năm, nguồn lực của đất nước được tăng lên gấp đôi. Sau mười, hai mươi năm nữa thì khả năng phát triển của đất nước mình cũng giữ được tốc độ như thế. Có nghĩa là hai mươi năm bằng bốn mươi năm, mười năm bằng hai mươi năm và tôi nghĩ có khi còn hơn thế nữa.

Nhìn lại, với hai mươi năm đổi mới bằng bao nhiêu năm trước kia mình gộp lại: đường sá, công trình, nhà cửa ... mình làm được rất nhiều. Với tốc độ này nếu chúng ta làm tốt được như vừa qua, thậm chí còn làm tốt hơn thì mười hay hai mươi năm sau có thể nói là một bộ mặt của Thủ đô cũng khá là khang trang, mới mẻ.

* Tại kỳ hai cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Quang Thiều, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị sẽ nói kỹ lưỡng về câu chuyện nhân sự của Hà Nội- đội ngũ đóng vai trò quan trọng để vận hành, đưa thủ đô phát triến bền vững. Mời quý vị theo dõi tiếp. 

[ Chuyên đề : Quy hoạch Hà Nội mở rộng ]
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3204 khách Trực tuyến

Quảng cáo