Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Tương tác Đối thoại Nhớ Ba Đình, mơ về Thủ Thiêm

Nhớ Ba Đình, mơ về Thủ Thiêm

Viết email In

Tháng chín hàng năm là thời điểm mà mọi người Việt Nam đều nhớ tới quảng trường Ba Đình lịch sử. Một quảng trường đã gắn liền với Hà Nội, đã là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của đất nước. Quảng trường đối với đô thị là một không gian đặc biệt. TP.HCM với tư cách là một đô thị lớn vẫn thiếu một khoảng không gian như vậy. KT&ĐS đã trao đổi với KTS Khương Văn Mười, chủ tịch Hội kiến trúc sư TP.HCM xung quanh đề tài này.

  • Ảnh bên : Quảng trường Ba Đình lịch sử (Ảnh: Đ.A)

Với một đô thị lớn, quảng trường cần thiết như thế nào?

Đô thị lớn rất cần một khoảng không gian trống, mật độ thoáng để “thở”. Đô thị lớn cũng cần một không gian đủ để tổ chức sinh hoạt cộng đồng, là nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của đô thị, của vùng. Quảng trường chính là một không gian đáp ứng điều đó.

Nhưng một đô thị lớn như TP.HCM lại không có quảng trường?

Xét cho đến cùng, đó là một cái thiếu gây khó khăn cho chính quyền và cho xã hội. Ta hãy nhớ lại mà xem, năm 1998, dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP.HCM, cả thành phố đổ về khu trung tâm và gây nên một cảnh tượng kẹt xe kinh hoàng. Một sự kiện như vậy mà thiếu một không gian tổ chức thì bị hạn chế rất nhiều về ý nghĩa, quy mô. Không chỉ các sự kiện có ý nghĩa chính trị, lịch sử lớn không có chỗ tổ chức cho xứng tầm mà những sự kiện lễ hội – văn hoá – du lịch trong đời sống cũng bị hạn chế rất nhiều. Thí dụ, chợ hoa Nguyễn Huệ sau biến thành đường hoa Nguyễn Huệ là sự kiện lễ hội địa phương rất đặc sắc của Việt Nam, của vùng đô thị phía Nam. Nhưng vì bị hạn chế không gian nên nó không thể làm khác về quy mô, về sức hút với khách du lịch. Có thể nói tính phong phú của hoạt động đã bị đóng khung giới hạn vì không gian tổ chức chỉ có vậy!

  • Ảnh bên : Người dân xem phương án thiết kế quảng trường trung tâm Thủ Thiêm của Deso Defrain-Souquet Architectes (Ảnh: Tuổi Trẻ) 

Còn đối với đời sống người dân?

Đối với đời sống người dân TP.HCM, thiếu một quảng trường là một thiệt thòi cho họ. Tôi đã có dịp tham quan nhiều thành phố lớn trên thế giới và thật khó tưởng tượng một thành phố lại thiếu quảng trường. Tôi thấy người ta tổ chức hoạt động trên quảng trường rất phong phú. Có đủ các loại hình nghệ thuật, các hoạt động cộng đồng về văn hoá. Vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, người dân đổ về các quảng trường để giải trí, nghỉ ngơi, đi dạo, xem ca nhạc hoặc các hình thức nghệ thuật đường phố, tham gia trò chơi tập thể. Xung quanh quảng trường, các hình thức dịch vụ được tổ chức chu đáo, đầy đủ. Có thể nói, quảng trường là một không gian sống thú vị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Và đó là cái mà hiện nay người thành phố chúng ta chưa được hưởng thụ.

Câu hỏi không hề mới nếu như không nói là rất cũ ở thành phố này: bao giờ thì TP.HCM có một quảng trường xứng tầm với một đô thị mới?

Câu trả lời cũng không mới: điều đó phụ thuộc vào tiến độ triển khai khu đô thị mới Thủ Thiêm. Năm 2008, thành phố đã tổ chức cuộc thi thiết kế quảng trường trung tâm và đã chọn ra được giải pháp đoạt giải của công ty Deso Defrain-Souquet Architectes (Pháp). Theo tôi, đồ án này giải quyết tốt sự kết nối gắn với dòng sông Sài Gòn và công viên bờ sông. Nó chính là điểm nhấn đặc sắc của diện mạo thành phố trong tương lai, cộng hưởng được cả giá trị cũ và mới. Tôi rất tin tưởng và cũng mong chờ đến ngày quảng trường trung tâm – khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành hiện thực. Khi đó ta sẽ có một quảng trường hiện đại, mang đúng bản sắc của một đô thị sông nước phương Nam. Một không gian tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn, đúng tầm thành phố; một nơi giải trí nghỉ ngơi thú vị cho người dân và là một điểm đến hấp dẫn, có sức thu hút đối với khách du lịch.

Hy Hiếu (thực hiện)

>> Quy hoạch khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2048 khách Trực tuyến

Quảng cáo