Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Tương tác Đối thoại Quy định trùng tu khuyến khích "lách luật"

Quy định trùng tu khuyến khích "lách luật"

Viết email In

Hiện tượng "trùng tu, tu bổ, tôn tạo" các di tích văn hoá mà không dựa trên các tiêu chí, nguyên tắc nào cả đang diễn ra khắp nơi. Từ việc chọn nguyên vật liệu, chọn kiểu dáng các chi tiết như đầu đao, con đội đến việc sáng tạo thêm những chi tiết mới sao cho "hoành tráng" hơn "làng bên cạnh" đã khiến cho công việc mang tính khoa học nghiêm cẩn này trở thành việc "mạnh ai nấy làm". Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã gặp KTS Lê Thành Vinh (ảnh), Viện trưởng Viện bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL).

Nhiều di tích đền chùa nổi tiếng dù được trùng tu đúng quy trình, nhưng vẫn lộ rõ những "lỗi" mà không cần phải là người có nghề mới nhận ra. Vì sao lại có "mâu thuẫn" này?

- Để việc trùng tu đúng theo Luật Di sản văn hóa và Luật Xây dựng, cần có đủ các thành phần: chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị giám sát... Nhưng các đơn vị đó có đủ năng lực chuyên môn về trùng tu di tích để thực hiện tốt các chức năng ấy không thì các văn bản pháp lý hiện nay không đưa ra yêu cầu cụ thể, và cũng không ai kiểm tra. Có những đơn vị không có một cán bộ nào có chuyên môn về trùng tu di tích vẫn đảm nhận thi công trùng tu di tích xếp hạng quốc gia một cách “đúng luật”.

Luật yêu cầu phải có thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng trên thực tế sự thỏa thuận đó chỉ là văn bản trên dưới 1 trang giấy, thể hiện những chủ trương lớn, chứ không thể đi vào từng vấn đề kỹ thuật cụ thể. Nhưng sau khi có văn bản thỏa thuận thì việc trùng tu coi như đã được cơ quan quản lý cao nhất về văn hóa "bật đèn xanh" rồi. Rất nhiều chi tiết bị trùng tu sai mà người thực hiện không hề sai luật.

Trùng tu di tích là một chuyên ngành đặc biệt, đối tượng là những di sản quý giá của dân tộc, đòi hỏi cách ứng xử rất khoa học nhưng cũng rất tinh tế, hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực cũng như cái tâm của các đơn vị trực tiếp tham gia. Rất nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết tại chỗ trong quá trình thi công không thể lường trước.

Chẳng hạn khi hạ giải một cây cột xuống, thấy trong ruột mục nát, thì sẽ xử lý thế nào? Cố gắng bằng mọi giá giữ lại phần gỗ còn tốt để lưu giữ "màu thời gian" của vỏ ngoài, chỉ thay phần ruột đã hỏng một cách cẩn trọng, hay bỏ toàn bộ cây cột đi để thay mới hoàn toàn cho nhanh, gọn? Hoặc khi dỡ mái của một ngôi đền thấy vài chục loại ngói khác nhau thì sẽ ứng xử ra sao? Hay ta đơn giản bỏ hết đi, thuê làm mới toàn bộ ngói cho tiện? 

Một khúc mắc lớn là việc thay thế những chi tiết được làm bằng vật liệu truyền thống bằng những thứ "từa tựa" nhưng rất thô kệch vì được sản xuất theo kiểu công nghiệp, bằng những vật liệu thô cứng như đầu đao con giống làm bằng xi măng chẳng hạn?

- Đang có hiện tượng sử dụng tràn lan những vật liệu xây dựng mới trong việc trùng tu di tích. Đầu đao con giống làm bằng xi măng thì không thể mềm mại như làm bằng vôi giấy, chưa nói đến chuyện tay nghề kém có phản ánh được tinh thần của người xưa không? Hay khi thay ngói mới thì họ chỉ đặt làm theo mẫu cũ là tốt lắm rồi, mấy ai để ý đến quy trình nung ngói truyền thống? Hoàn toàn chưa có yêu cầu phải phục chế vật liệu theo đúng công nghệ truyền thống.

Viện Bảo tồn di tích đã nghiên cứu có kết quả công nghệ sản xuất ngói cổ truyền, quy trình sơn thếp truyền thống, rồi cách đắp đầu đao con giống bằng vật liệu vữa truyền thống, quy trình tu bổ gắn chắp cấu kiện gỗ... kể cả nghiên cứu tìm ra những hóa chất phù hợp làm tăng độ bền của gỗ, nhưng không ảnh hưởng đến đặc điểm, màu sắc vốn có. Tiếc rằng, những kết quả nghiên cứu đó hầu như chẳng được các đơn vị tham gia trùng tu di tích dùng đến vì thời gian làm tốn kém hơn, cách làm khó hơn... Cũng do chẳng ai bắt họ phải sử dụng vật liệu truyền thống cả. Nói thế mới thấy, nghề trùng tu chưa được đặt đúng vị trí quan trọng, người làm trùng tu vẫn khá "tự do", luật dù có đủ nhưng chỉ tạo ra hành lang pháp lý về văn bản hành chính thôi.

Có những mâu thuẫn này, phải chăng do việc trùng tu di tích vẫn đang thực hiện theo Luật Xây dựng cơ bản? Hay do "lỗi" của những người làm nghề, thưa anh?

- Ta đang áp dụng các quy định về đầu tư xây dựng một cách rất cứng nhắc cho trùng tu di tích, cứ phải phê duyệt thiết kế rồi mới tổ chức thi công. Trong khi đó, khối lượng việc luôn thay đổi, giải pháp tu bổ luôn được điều chỉnh phù hợp trong quá trình thi công. Mà để thực hiện được việc này phải vượt qua một “rừng” thủ tục phức tạp và khó khăn. Kết quả là đang có xu hướng thay mới nhiều cấu kiện vì làm như vậy khá thuận tiện và không phải xin phép “phát sinh, điều chỉnh”.

Còn về “lỗi” của những người làm nghề, có lẽ phải nói chính xác hơn là “lỗi” của việc để cho những người không có nghề được can thiệp vào di tích. Họ hăng hái, tích cực làm trùng tu, hồn nhiên làm giảm giá trị của di tích bằng cách thay thế hay làm mới các thành phần của di tích cho “đẹp” và “sạch” hơn.

  • Ảnh bên : Đình Chu Quyến

Viện Bảo tồn di tích từ lâu đã đề xuất việc cấp bách phải đào tạo nguồn nhân lực để làm công việc trùng tu (đến nay đã được đồng ý, sẽ triển khai từ năm 2010). Lâu nay ta trống hẳn mảng này. Những người đã làm nhiều năm, là thế hệ đầu tiên hoặc thế hệ thứ hai tham gia trùng tu di tích, có kinh nghiệm thực tế hiện còn rất ít.

Thế hệ đầu tiên hoặc thế hệ thứ hai giờ đang ở đâu?

- Lịch sử nghề trùng tu di tích ở Việt Nam có thể coi là bắt đầu từ khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước, với cơ quan duy nhất là Xưởng phục chế (tiền thân của Viện Bảo tồn di tích). Một loạt các cán bộ đã tốt nghiệp kiến trúc, xây dựng, có người được đi học ngắn hạn nước ngoài, có người trau dồi bằng công việc thực tế, đã hình thành đội ngũ làm trung tu di tích bài bản ở VN trong hoàn cảnh bấy giờ.

Cái hay của thời bao cấp là không bị tác động của thị trường, tất cả đều hết sức tâm huyết, tận tâm với nghề. Thế hệ đầu tiên đó có những nghệ nhân từ nông thôn ra, họ đã lăn lộn nhiều với nghề làm đình chùa cổ nên rất có nghề, cũng rất có tâm. Nhưng giờ hầu như họ đã quá lớn tuổi nên không còn làm nữa, những thợ tốt hiếm hoi còn lại là thế hệ thứ hai, trong đó có những người con, cháu của thế hệ thứ nhất.

Nhưng rồi đội ngũ đó tản dần đi, có người ra lập công ty riêng và lên thành quản lý. Rồi với cơ chế thị trường, những cán bộ kỹ thuật làm kỹ lưỡng hơn thì thu nhập lại không bằng những người chạy theo thị trường, nên tâm lý bị tác động. Nhiều người chuyển nghề, những người giỏi còn lại cũng phân tán khắp nơi, không tập hợp thành đội ngũ chuyên nghiệp nữa.

May mắn cho công trình trùng tu nào có được người chỉ huy công trình tốt, lại thuê được một thợ cả tốt, rồi thợ cả "thu gom" thợ ở các vùng miền cũng tốt nữa. Chuyện đó hiếm hoi lắm, bởi số thợ làm vững tay giờ không nhiều, mà công trình trùng tu lại nhan nhản khắp nơi.

Tới đây, Viện Bảo tồn di tích sẽ tập hợp những người thợ ấy lại để chính họ sẽ làm công tác truyền nghề cho các thế hệ tiếp theo.

Vậy thì, chất lượng trùng tu thấp, nhiều sai sót là do cái sai từ hệ thống khi người không có tay nghề vẫn được làm nghề, vật liệu cho trùng tu không cần là vật liệu truyền thống, quy trình trùng tu nặng về thủ tục hành chính...?

- Quy định như hiện nay một mặt đang “khuyến khích” những người "lách luật" để dễ làm, thu nhiều lợi nhuận từ việc trùng tu di tích, mặt khác chưa tạo điều kiện cho việc đảm bảo chất lượng khoa học cho những hoạt động trùng tu. Trong khi, di tích hay những thành phần của di tích đã bị mất mát thì không bao giờ lấy lại được. 

Kỳ sau: Câu chuyện trùng tu đình Chu Quyến, dự án thực nghiệm với mục tiêu thông qua việc tu bổ, tôn tạo di tích này để xây dựng những chuẩn mực, quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn định mức trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích.

Khánh Linh
(thực hiện)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2040 khách Trực tuyến

Quảng cáo