Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Đối thoại Vùng đô thị TP.HCM: có thể chiếm 1/4 dân số cả nước

Vùng đô thị TP.HCM: có thể chiếm 1/4 dân số cả nước

Viết email In

Tiến sĩ Võ Kim Cương, chủ nhiệm chương trình quản lý đô thị TP.HCM (thuộc Sở Khoa học - công nghệ TP), cho rằng không nên quá lo lắng về dự báo đến năm 2025 TP.HCM sẽ là một siêu đô thị. Ông nói:

- Siêu đô thị là cách phân loại của thế giới dựa vào số dân dự kiến khoảng 10 triệu người. Vấn đề cần quan tâm là sẽ phát triển theo hướng nào cho phù hợp với điều kiện của TP. Trên thế giới hiện nay có hai xu hướng: một là TP phát triển tự phát, bắt đầu từ khu trung tâm và từ từ phình ra các khu vực khác, hay còn gọi là căn bệnh “đầu to” trong quy hoạch.

Cách phát triển này có lợi về mặt kinh tế do chi phí đầu tư không lớn, hạ tầng khai thác tối đa, việc đi lại dễ dàng...nhưng cũng mang lại nhiều hệ quả: TP rất “ngộp”, hạ tầng quá tải, phát sinh nhiều khu ổ chuột. Chưa kể nếu quản lý không tốt sẽ phát sinh nhiều tệ nạn xã hội...

Mô hình thứ hai là phát triển theo hướng đa tâm, có nhiều đô thị vệ tinh. Đây là mô hình hiện đại được nhiều TP áp dụng vì môi trường tốt, chất lượng cuộc sống cao, nhưng ngược lại chi phí đầu tư khá tốn kém.

Nhiều năm qua TP có xu hướng phát triển theo hướng tự phát nhưng gần đây TP đã tìm cách “kìm” lại, phát triển vừa phải ở khu vực nội thành và tìm cách giãn ra ở các vùng phụ cận. Bước đầu đã có một số hiệu quả mà điển hình là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, các khu đô thị ở Nam Sài Gòn, quận 2, Bình Tân...

* Giờ mới tính chuyện quy hoạch cho năm 2020, 2025 liệu có chậm quá không, thưa ông?

- Từ năm 1993 TP đã tính đến việc phát triển theo hướng đa tâm, cần nhiều TP vệ tinh để giảm áp lực cho khu nội thành hiện hữu. Trong quy hoạch năm 1998 TP cũng đề cập chuyện này chứ không phải bây giờ mới tính. Trong thời gian qua TP đã có một số bước chuẩn bị và thực tế nhiều dự án đã và đang triển khai như đại lộ đông-tây, các tuyến đường cao tốc, tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên... Nhưng cũng phải nhìn nhận việc triển khai các TP vệ tinh theo bốn hướng đã xác định là đông bắc, nam - đông nam, bắc - tây bắc và tây nam còn chậm so với ý đồ ban đầu. Lẽ ra nếu xác định là phát triển theo hướng đa tâm thì ngoài khu trung tâm hiện hữu cần làm rõ đâu là các trung tâm “con”. Chuyện này gần đây mới làm.

  • Ảnh bên : Đô thị mới Nam Sài Gòn - TP.HCM ở Q.7 đã phát triển ra huyện Nhà Bè (ảnh chụp trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè) (Ảnh: N.C.T.)
* Nhưng với hơn 7 triệu dân như hiện nay đang là sức ép khá lớn đối với TP về nhà ở, hạ tầng giao thông, thêm 3 triệu dân nữa ông có hình dung được TP sẽ phát triển ra sao?

- Lo lắng về sự quá tải của nhiều người là đúng. Nhưng với xu thế phát triển, TP.HCM cũng như một số trung tâm lớn như Hà Nội, Đà Nẵng... sẽ không thoát khỏi kịch bản của các nước phát triển khác là dân số nông thôn sẽ đổ về thành thị. Khi đó cũng có thể TP.HCM sẽ chiếm đến 1/4 dân số cả nước, lên đến vài chục triệu dân. Điều này là tất yếu. Nhưng khi đã xác định là siêu đô thị, TP phải đầu tư cho hạ tầng, nhà ở và các dịch vụ liên quan để đáp ứng nhu cầu này.

Nếu chủ động trong quy hoạch, đầu tư hạ tầng thì chúng ta không phải lo ngại. Điển hình như Seoul (Hàn Quốc) diện tích chỉ hơn 600km2, chưa bằng 1/3 diện tích của TP.HCM hiện nay (hơn 2.000km2), nhưng dân số trên 10 triệu người mà giao thông, cơ sở hạ tầng của TP này vẫn rất tốt. Tuy nhiên có những dự án TP có thể chủ động làm nhưng một số dự án quy mô lớn, các đường cao tốc lớn qua nhiều địa phương cần sự hỗ trợ của Chính phủ, của các ngành liên quan.

Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng cho các khu đô thị vệ tinh, TP nên quan tâm đến việc cải tạo các khu nhà ổ chuột tại khu nội thành cũ, hạn chế tình trạng xây dựng tự phát ở các quận ven, huyện ngoại thành. Nếu không về lâu dài các khu vực này tiếp tục trở thành các khu ổ chuột mới.

Ông Nguyễn Trọng Hòa (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM): Bộ mặt giao thông sẽ thay đổi

Dù hiện nay mới hơn 7 triệu dân nhưng TP.HCM đã là một trong 15 TP lớn nhất thế giới. Dự báo đến năm 2025 với 10 triệu dân sống tại TP và khả năng đáp ứng khoảng 2,5 triệu khách vãng lai mỗi ngày, TP.HCM là một đô thị cực lớn (như cách phân loại của Bộ Xây dựng). Toàn bộ bài toán về nhà ở, giao thông và các dịch vụ liên quan để đáp ứng cho số dân lớn như vậy đã được TP đặt ra trong quy hoạch chung đến năm 2025 đã được Bộ Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt.

Trước nay có cái TP đã làm, có cái chưa làm. Do thiếu vốn nên chúng ta phải tính dự án nào cần đầu tư trước, dự án nào có thể chậm lại nên chưa thể thu hút người dân đến sinh sống. Hiện nay nhiều dự án đường cao tốc, metro... đang triển khai và vài năm nữa bộ mặt giao thông TP sẽ thay đổi. 

PHÚC HUY thực hiện

>> TP. Hồ Chí Minh sẽ là siêu đô thị 

>> TP.HCM: Đất cho giao thông sẽ tăng gấp đôi 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1529 khách Trực tuyến

Quảng cáo