Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội - Bài 1: Cao ốc "nốc ao" biệt thự

Quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội - Bài 1: Cao ốc "nốc ao" biệt thự

Viết email In

Vẻ đẹp về kiến trúc Pháp cổ điển và những giá trị văn hoá, lịch sử của hệ thống biệt thự cũ xây dựng từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX đang là một phần đặc trưng di sản rất độc đáo của Hà Nội. Tiếc rằng, do buông lỏng quản lý, hàng trăm biệt thự đang từng ngày bị băm nát, biến dạng.

Nuối tiếc...

Người dân khi đi qua ngã tư phố Hàng Bài - Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) tỏ ra bất ngờ khi thấy chình ình một toà cao ốc như bức tường thành đen ngòm chắn cả một đoạn phố. Hai mặt của toà nhà chạy dọc theo hai tuyến phố Hàng Bài và Lý Thường Kiệt ngày đêm đang được tiếp tục chất thêm tầng và người ta không hề thấy biển thông báo về công trình.

  • Ảnh bên : Cao ốc đã thay thế biệt thự tại 32 Hàng Bài (37 Lý Thường Kiệt).

Nhiều người dân thắc mắc vì sao công trình lại được cấp phép xây dựng và thầm tiếc nuối cho vẻ đẹp của căn biệt thự cũ số 37 Lý Thường Kiệt (32 Hàng Bài) có kiến trúc khá đẹp từng là điểm nhấn cho cả góc phố cách Hồ Gươm chỉ vài trăm mét.

UBND phường Hàng Bài cho biết: Đây là dự án xây dựng Khách sạn Lan Viên của Cty TNHH Dịch vụ Thương mại Hà Nội. Theo giấy phép xây dựng, công trình có chiều cao 9 tầng, tổng diện tích sàn lên đến 4.296,65 m2. Cũng vì tòa cao ốc này mà cả tuyến phố Lý Thường Kiệt - Hàng Bài vốn đã nhỏ hẹp ách tắc nay lại càng như nghẹn lại bởi dòng người và xe cộ chật như nêm.

Ngay mặt phố Quán Thánh (quận Ba Đình), tại số nhà 69, căn nhà có kiến trúc kiểu Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX ngày nào đã biến mất thay vào đó lại là toà cao ốc 9 tầng đang được gấp rút hoàn thiện.

Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra thực trạng: Số biệt thự có từ 5 đến 10 hộ thuê chiếm tỷ lệ khoảng 50%. Biệt thự có từ 10 đến 15 hộ thuê chiếm đến 40%, cá biệt có biệt thự ở số 8 Tăng Bạt Hổ, 128C Đại La có từ 35 đến 50 hộ dân sinh sống. 

Thanh tra Xây dựng quận Ba Đình cho biết: Toà nhà được Sở Xây dựng cấp phép lần đầu vào ngày 26-1-2007 và được điều chỉnh giấy phép vào ngày 22-9-2008 theo hướng nâng diện tích sàn xây dựng. “Công trình đã có vi phạm về trật tự xây dựng, xây dựng sai phép nơi tầng mái, cột vượt quá chiều cao” - một cán bộ thanh tra cho biết.

Được biết, chủ đầu tư là Cty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Hà Nội. Khu đất này từng do Sở TNMT&NĐ Hà Nội ký hợp đồng cho doanh nghiệp này thuê. Diện tích sàn xây dựng theo giấy phép hiện lên đến 3.287,7 m2.

Trên một số tuyến phố khác, phóng viên cũng phát hiện nhiều trường hợp biến biệt thự hoặc nhà kiến trúc Pháp xây từ những năm đầu thế kỷ XX thành cao ốc...

  • Ảnh bên : Toàn bộ khuôn viên biệt thự góc phố Quang Trung - Ngô Văn Sở đã thành cửa hàng cho thuê (Ảnh: Tuấn Minh)

Nỗi lo mới của phố cũ

UBND TP Hà Nội cho biết, toàn thành phố có 970 biệt thự gồm: 42 biệt thự không bán, 228 biệt thự chưa bán, 164 biệt thự đã bán trọn biển, 536 biệt thự đã bán một phần.

Kết quả đợt kiểm tra rà soát biệt thự của Tổ công tác liên ngành cho thấy số lượng biệt thự còn nguyên trạng chiếm tỷ lệ 15%; số lượng biệt thự đã cải tạo, sửa chữa, bị biến dạng trong quá trình sử dụng, cơi nới, lấn chiếm diện tích 80%; số lượng biệt thự đã bị phá đi, xây dựng mới chiếm tỷ lệ 5%.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến phố, biệt thự bị băm nát để mở cửa hàng cho thuê, biến khuôn viên thành nhà ở, phá bỏ mái xây thêm tầng cao, cơi nới lấn chiếm tràn lan.

Bà Phan Thị Ngoan - Phó Chủ tịch UBND phường Quán Thánh phản ánh: Trong khoảng trên 20 biệt thự cũ kiến trúc Pháp trên địa bàn phường Quán Thánh, đa số bị biến dạng do công tác quản lý nhiều năm qua quá yếu kém. Sự biến dạng nhà biệt thự không chỉ ở hình dáng kiến trúc bên ngoài mà ngay từ mục đích và công năng sử dụng đã bị thay đổi.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN Nguyễn Tấn Vạn bày tỏ: Hà Nội có những tuyến phố Tây rất độc đáo cần giữ gìn. Các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng được xem là điển hình cho phố cũ ngăn cách với phố cổ bởi Hồ Gươm.

Nét đẹp đặc trưng ở đây là những căn biệt thự cũ kiến trúc Pháp, không gian hài hòa “Không dừng ở những dự án hiện có, khu vực phố cũ đang có thêm dự án cao ốc chuẩn bị triển khai. Phố cổ đang đau đầu với việc di dân thì nay lại thêm phố cũ quá tải trầm trọng về cả giao thông, điện, nước. Nếu cứ đà này không lâu nữa sẽ lại phải di dân phố cũ! ” - đại diện UBND phường Hàng Bài nói. 

Minh Tuấn

>> Quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội - Bài 2: Rối đến bao giờ? 

>> Quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội - Bài 3: Không thành cao ốc, giá biệt thự sẽ giảm 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo