Suốt mấy chục năm qua, việc quản lý quỹ nhà biệt thự cũ bộc lộ nhiều bất hợp lý, yếu kém. Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã ban hành đề án quản lý nhà biệt thự và đầu tháng 12-2009, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư hướng dẫn quản lý nhưng vẫn còn phải chờ hướng dẫn cụ thể hơn.
- Ảnh bên : Biệt thự số 12 Hai Bà Trưng bị cơi nới cho thuê tràn lan
UBND thành phố Hà Nội tiến hành phân ra 3 loại biệt thự để quản lý trên cơ sở xác định cấp độ và nguyên tắc bảo tồn.
Cấp độ 1 : Đối với biệt thự có giá trị về kiến trúc, bảo tồn nguyên trạng về không gian và hình dáng kiến trúc công trình, diện tích đất khuôn viên biệt thự, mật độ xây dựng, số hộ sử dụng.
Cấp độ 2 : Ngoài những biệt thự theo cấp độ 1, gồm những biệt thự nằm trên các tuyến phố chính như Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, Đường Thanh Niên, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Tràng Thi, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Hàng Bài, Nguyễn Du.
Với những biệt thự cấp độ 2 cho phép cải tạo, sửa chữa nhưng phải đảm bảo các điều kiện về quy hoạch, kiến trúc, mật độ xây dựng, số hộ sử dụng.
Cấp độ 3 : Không cần bảo tồn, tôn tạo đối với những biệt thự còn lại, thực hiện quản lý về sử dụng, cải tạo, sửa chữa theo quy định.
UBND thành phố cũng xác định diện nhà biệt thự không bán gồm: 42 biệt thự khu trung tâm chính trị Ba Đình (giới hạn bởi phía Nam đường Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, phía Tây đường Hoàng Diệu, phía Bắc phố Trần Phú, đường Hùng Vương, Lê Hồng Phong, phía Bắc phố Đội Cấn, phía Đông phố Ngọc Hà)...
Bối rối
Mặc dù đã đề ra được những nguyên tắc nhằm xốc lại tình hình nhưng hiện trạng quản lý nhà biệt thự đang gặp không ít khó khăn.
Việc phân phối nhà ở cho nhiều hộ ở trong cùng biệt thự dẫn đến công năng sử dụng ban đầu bị quá tải; quản lý lỏng lẻo nên để phát sinh tình trạng cơi nới, lấn chiếm diện tích đất trống trong khuôn viên biệt thự.
Nhiều biệt thự có sự đan xen sở hữu giữa nhà nước và tư nhân, giữa cơ quan và các hộ thuê nhà gây ra nhiều phức tạp.
Đại diện Xí nghiệp Kinh doanh nhà quận Ba Đình cho rằng, quản lý quỹ nhà biệt thự thiếu tầm nhìn ngay từ đầu. Với thực trạng hiện nay, nên giảm tải, giảm số hộ dân sống trong các biệt thự thì mới thuận lợi cho việc cải tạo chứ để như hiện nay thì vẫn cha chung không ai khóc.
Với những biệt thự dùng làm công sở, cho tổ chức, doanh nghiệp thuê thì phải sử dụng đúng mục đích. Đối với diện biệt thự lùi xa mặt đường và quá cũ nát thì nên cho chuyển đổi mục đích để xây dựng mới theo quy hoạch.
Kiến trúc sư Ngô Huy Giao, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, vấn đề quản lý biệt thự được các nhà khoa học cảnh báo cách đây hàng chục năm trước nhưng cơ quan chức năng chậm vào cuộc.
"Hà Nội đang rất cần những người làm gương trong quản lý, sử dụng nhà biệt thự. Muốn quản lý nghiêm thì những cơ quan nhà nước và cán bộ được giao hoặc được thuê nhà biệt thự phải gương mẫu đi đầu" - KTS Ngô Huy Giao nói.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố đang chỉ đạo xây dựng quy chế quản lý nhà biệt thự. Quy chế đang được đưa ra lấy ý kiến các ngành.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao soạn thảo quy chế bảo tồn tôn tạo và danh mục tôn tạo giữ nguyên hiện trạng nhà biệt thự cụ thể để làm căn cứ quản lý.
"Có nhiều chỉ đạo từ trung ương đến địa phương nhưng đang thiếu những hướng dẫn cụ thể để thực hiện sự chỉ đạo ấy. Bao nhiêu năm qua chúng ta cứ hô hào quản lý nhưng không có cơ chế cụ thể, thiếu kinh phí đầu tư nên quản lý vẫn nặng về... kêu gọi" - Đại diện UBND phường Hàng Bài nói.
Ngày 16-12-2009, Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội chỉ đạo dừng phá các biệt thự cũ và xây dựng các toà nhà cao tầng khu vực trung tâm. Các khu vực đô thị trung tâm phải được nghiên cứu phương án quy hoạch bảo tồn khu phố cổ và các nhà biệt thự trong khu phố cũ để bảo tồn, tôn tạo, duy trì phong cách kiến trúc, phát huy giá trị văn hoá... |
Minh Tuấn
>>
>>
Tin mới hơn:
- Đông Mai: Một làng nghề chưa được đặt tên
- TPHCM: Khó giải tỏa nhà ven kênh
- Nhà rông văn hoá?
- Quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội - Bài 3: Không thành cao ốc, giá biệt thự sẽ giảm
- Những góc nhìn về Phố hoa
Tin cũ hơn:
- Quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội - Bài 1: Cao ốc "nốc ao" biệt thự
- Năm 2010: “nóng” các vấn đề về nông thôn
- Hà Nội: Bãi đỗ xe thành cafe fastfood
- Muốn làm nhà, phải được hàng xóm “cấp phép”
- Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm vấn đề đô thị đang phải đối mặt