Ở nhiều nơi trên thế giới, từ Mỹ, Tây Ban Nha cho đến Trung Quốc, Hàn Quốc, nhiều khu công nghệ mới đang mọc lên ngay trong các trung tâm thành phố đông đúc nhằm thu hút nhân tài và mở ra những ngành công nghiệp mới của tương lai…
Nhà máy cũ biến thành khu công nghệ cao
Cách đây mấy chục năm, Olivetti sử dụng 3.000 công nhân ở một khu vực trung tâm có hạ tầng tương đối đầy đủ ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, để sản xuất máy đánh chữ.
Nay, khi bước vào nhà máy trước đây của Olivetti, người ta có thể dễ dàng nhận ra những chuyên gia trẻ đang ngồi làm việc trên những chiếc ghế khá thoải mái trong những căn phòng được sơn phết sáng sủa. Họ trao đổi chuyện kinh doanh bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cũng bên trong nhà máy này, nay còn có những phòng hội nghị được ngăn cách bằng kính.
Được mở lại cách đây ba năm như là một cơ sở kinh doanh công nghệ cao, tòa nhà bốn tầng có cấu trúc bằng kính nói trên đang là trụ sở của 55 công ty mới thành lập. Những công ty này đang nghiên cứu chế tạo mọi thứ: từ mũ bảo hiểm cho người đi xe đạp có túi khí bên trong đến dịch vụ dò tìm âm thanh trên mạng mà các nhà phân tích gọi là “Google của âm nhạc”.
Nhà máy mới được chuyển đổi này còn là nơi làm việc của 22@Barcelona, cơ quan quản lý một công viên khoa học bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm của các công ty với hy vọng biến Barcelona thành một trong những trung tâm phát minh sáng chế hàng đầu của thế giới.
Công viên khoa học trong lòng phố
Ở Mỹ, khi nói đến “công viên khoa học” người ra nghĩ ngay đến những công viên rộng lớn có khung cảnh xung quanh rất đẹp với những dãy nhà thấp nằm ở ngoại ô thành phố. Mỗi ngày, các nhà nghiên cứu đi đến đó bằng các phương tiện giao thông công cộng và họ làm việc cho đến tối mịt mới trở về nhà. Trong suốt 50 năm qua, Research Triangle Park, một công viên rộng 11 dặm vuông nằm sát ngọn đồi ở ngoại ô Durham, bang Bắc Carolina, được xem là một công viên khoa học điển hình với sự có mặt của nhiều công ty đa quốc gia như IBM và GlaxoSmithKline.
Nhưng những hình ảnh như trên nay không còn nữa. Ngày nay, các trung tâm công nghệ cao đang được xây dựng ngay trong lòng những thành phố lớn. Michael Joroff, một chuyên gia quy hoạch đô thị ở Viện Công nghệ Massachusetts Institute of Technology, gọi những nơi này là “những thành phố của thế kỷ mới”. “Mục tiêu của những trung tâm này là sáng lập ra những ngành công nghiệp ưu tiên cao với những không gian mới, nơi mà các công ty và các trường đại học có thể làm việc với nhau để đào tạo ra một thế hệ công nhân mới”, Joroff, hiện đang làm tư vấn cho các dự án ở Hàn Quốc, Anh, Thụy Điển và Abu Dhabi, cho biết.
Quy mô của những dự án công viên khoa học như trên hiện đang phát triển rất nhanh. Chẳng hạn, dự án 22@Barcelona của Tây Ban Nha sẽ chuyển 115 khu nhà trong thành phố thành trụ sở của hơn 1.000 công ty trong các lĩnh vực truyền thông quốc tế, công nghệ tin học và công nghệ y khoa. Các công ty này dự kiến sẽ sử dụng 150.000 lao động trong vòng 15 năm tới.
Singapore hiện cũng đang bỏ ra khoảng 10 tỉ đô la Mỹ để xây dựng khu phức hợp siêu phát triển mang tên One North. Nơi đây sẽ tập trung các trung tâm nghiên cứu và phát triển, các “phòng thí nghiệm sống” phục vụ cho các lĩnh vực công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến và dịch vụ y khoa. Trong khi đó, Hàn Quốc hy vọng rằng Digital Media City (Thành phố Truyền thông kỹ thuật số) nằm ở thủ đô Seoul của nước này sẽ là nơi tập trung 2.000 công ty, sử dụng 120.000 lao động vào năm 2015.
Digital Media City (Thành phố Truyền thông kỹ thuật số) - thủ đô Seoul
Một số trung tâm công nghệ cũ ở Mỹ cũng đang cố gắng thích nghi với xu hướng trên. Tại những khu công nghiệp được xây dựng ở ngoại ô thành phố San Jose bang California vào những năm 1960 để phát triển ngành công nghiệp điện tử vào thời đó nay đang mọc lên nhiều nhà ở, cửa hàng, những con phố dành cho người đi bộ và đi xe đạp… giống như những cộng đồng với đầy đủ sinh hoạt thường nhật. Research Triangle Park (Công viên Tam giác nghiên cứu) cũng đang chuyển mình theo hướng tương tự. “Mục đích là làm cho những nơi này có sức hấp dẫn nhân tài trên thế giới hơn”, Rick L. Weddle, Tổng giám đốc Research Triangle Foundation, tổ chức sở hữu công viên nói trên, chia sẻ.
Những thành phố công nghiệp có quy mô vừa thì xem những công viên ở khu trung tâm là những công cụ để tái phát triển. Chẳng hạn, khi các ngành công nghiệp như thuốc lá, dệt, đồ gỗ bị sa sút, thành phố Winston-Salem thuộc bang Bắc Carolina đã chuyển một tòa nhà từng thuộc sở hữu của R.J. Reynolds, một công ty sản xuất thuốc lá, thành hội sở của một công viên nghiên cứu chuyên về lĩnh vực y sinh. Trong khi đó, thành phố Sheffield của Anh, chiếc nôi của cuộc Cách mạng Công nghiệp, hiện đang có một kế hoạch tái phát triển đầy tham vọng nhằm biến nơi này thành một trung tâm sản xuất công nghiệp tiên tiến, thiết kế và truyền thông mới.
- Ảnh bên : Công viên khoa học 22@Barcelona nhìn từ trên cao.
Một xu hướng tất yếu?
Một số nhà phân tích cho rằng xu hướng trên đang phát triển quá mức và nhiều công viên khoa học sẽ gặp thất bại trong tương lai. “Thành phố và bang nào có trường đại học cũng đều muốn nhảy vào trào lưu này. Nhưng không phải ai cũng có nhận thức rõ ràng về mục đích và triển vọng của những công viên khoa học như vậy”, Peter B. Calkins, Giám đốc kinh doanh phụ trách mảng khoa học và công nghệ của Forest City Enterprises, một công ty phát triển khu công nghệ, nhận xét.
Forest City đã từng xây dựng và quản lý Công viên Đại học (University Park) ở Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ). Công ty này cũng đang xây dựng một khu phức hợp lớn ở gần Đại học Johns Hopkins, Baltimore. Theo Calkins, thời gian hoàn vốn của những dự án này rất dài. Chẳng hạn, mặc dù rất gần Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhưng Công viên Đại học phải mất hơn mười năm mới thu hút được các công ty đến thuê mặt bằng.
Trong khi đó, Anthony Townsend, hiện đang quản lý các công viên khoa học cho Viện Nghiên cứu tương lai (Institute for the Future), một tổ chức tư vấn có trụ sở đặt tại Palo Alto, bang California, cho rằng nhiều công viên khoa học mới đang mọc lên ở Trung Quốc, vùng Vịnh Ba Tư và một số vùng ở Mỹ “chỉ là những dự án đầu tư bất động sản chứ chưa phải là những công trình đầu tư cho con người hay những phát minh mới”.
Một số nhà phân tích khác lại thắc mắc rằng liệu các dự án lớn như vậy có thật sự cần thiết hay không khi mà nhiều nhà nghiên cứu nay có thể phối hợp với nhau qua mạng Internet để thực hiện một dự án. Những kỹ thuật tiến bộ hơn và tiết kiệm hơn trong việc tổ chức hội nghị qua video (videoconferencing) và các công cụ Web 2.0 đang tạo điều kiện để các nhà phát minh có thể làm việc từ xa dễ dàng hơn. Ví dụ, IBM cho biết hiện có khoảng 40% nhân viên của hãng này không cần làm việc trong văn phòng. Ngoài ra, nhiều công ty cũng đang chuyển giao bớt các công việc thiết kế và kỹ thuật sang các nước như Ấn Độ, Nga.
Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ chuyện làm việc trên môi trường “ảo” cũng cho rằng việc tập trung những “cái đầu sáng tạo” về cùng một địa điểm ngoại tuyến (off-line) cũng có những lợi thế lớn. Theo quan điểm của Don Tapscott, một nhà chiến lược kinh doanh, đồng tác giả của cuốn “Wikinomics: How Mass Collaboration Changes Everything” (tạm dịch: “Sức mạnh của sự hợp tác tập thể”) , “khả năng sáng tạo khi cùng làm việc với nhau ở một căn tin tự phục vụ vẫn lớn hơn nhiều so với khi làm việc qua Internet”.
Nhất Nguyên (theo BusinessWeek)
>>
- London: Phố riêng trong lòng thành phố
- PHÁP: Cải tạo kè sông thành không gian công cộng
- Cảnh báo hội chứng “siêu đô thị”
- Nhật Bản: Mô hình cải tạo khu Shinonome Canal Court (Tokyo)
- Pécs - Thủ đô Văn hóa châu Âu 2010
- Canada: Cải tạo khu nhà ở Regent Park (Toronto)
- Seoul - thành phố của những buổi sáng không yên bình
- Cải tạo chung cư cũ ở các nước phát triển
- Những tòa nhà xấu nhất thế giới
- “Lễ tang thành phố” - Phản ứng của người Venice