Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Phản biện TPHCM: Quy hoạch sử dụng đất phải chú ý đến đất chứa lũ

TPHCM: Quy hoạch sử dụng đất phải chú ý đến đất chứa lũ

Viết email In

Theo các chuyên gia môi trường, TPHCM cần phải lồng ghép các yếu tố ảnh hưởng do biến đổi khí hậu vào quy hoạch sử dụng đất của thành phố giai đoạn 2010-2020 và định hướng đến năm 2030, nếu không sẽ khó chống ngập được một cách căn cơ, lâu dài.

Phát biểu tại hội thảo “Quy hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị ở TPHCM – Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu” diễn ra sáng 18/3/2010, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trưởng phòng Kế hoạch thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết hiện tại thành phố đang lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, dự kiến quy hoạch sẽ được Chính phủ phê duyệt cuối năm nay.

Theo bà Vân, thành phố hiện có 121.000 héc ta đất nông nghiệp, chiếm khoảng 58% tổng diện tích đất tự nhiên có khả năng tự thấm, thoát nước rất tốt. Tuy nhiên, đến năm 2020, đất nông nghiệp của thành phố dự kiến sẽ giảm còn 83.000 héc ta, 38.000 héc ta sẽ nhường chỗ cho các công trình xây dựng, làm giảm khả năng hấp thụ úng ngập và gây khó khăn chống ngập khi có lụt lớn, ngập úng bất thường do biến đổi khí hậu.

Do vậy, trong quy hoạch sử dụng đất, phải nghiên cứu bố trí quỹ đất phù hợp, nhất thiết phải quy hoạch các vùng đất dành riêng để chứa lũ, thúc đẩy sử dụng đất ở những vùng không bị ngập”, bà Vân nói.

Theo Trung tâm điều hành các chương trình chống ngập nước TPHCM, hiện tại thành phố còn 96 điểm ngập thường xuyên do mưa và 67 điểm ngập do triều cường. Muốn chống được ngập, thành phố phải xây dựng ít nhất 6.000 km cống thoát nước, trong khi đó, hiện tại thành phố chỉ mới xây dựng được khoảng 1.040 km cống. 

Tại hội thảo, ông Volker Martin, Giám đốc Dự án nghiên cứu thành phố lớn (Megacity), cho biết những khu vực tại thành phố sẽ chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trong những năm tới gồm: khu vực phía nam quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 9, phía đông huyện Củ Chi và quận 12 theo hướng đông của sông Sài Gòn.

Ông Volker cho hay, sau gần 5 năm nghiên cứu những tác động của biến đổi khí hậu đến việc phát triển TPHCM thành một Megacity, ông nhận ra rằng những dự án xây đê bao lớn chống nước biển dâng sẽ không thể ngăn nổi tình trạng ngập lụt đô thị.

Trước mắt, thành phố nên tập trung tạo thêm vùng đệm cây xanh, có nghĩa là đừng chạy theo việc bê tông hóa đô thị, nạo vét và làm thông thoáng dòng chảy hệ thống kênh rạch hiện tại; đặc biệt, chính quyền phải có định hướng mạnh mẽ trong bảo vệ mảng xanh, không làm suy giảm khả năng thấm nước của đất.

Theo ông Volker, tiêu chí để TPHCM phát triển thành một Megacity với dân số lên đến 10 triệu dân phải hội đủ các điều kiện như nâng cấp hạ tầng, tiết kiệm năng lượng, cung cấp nước và xử lý nước thải, cải thiện phương tiện vận tải công cộng, giảm phát thải khí CO2 và bảo vệ môi trường bền vững.

Trong khi nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với vấn đề ngập lụt đô thị và bàn chiến lược ứng phó, tuần trước, UBND TPHCM vừa kiến nghị Chính phủ chấp thuận bố trí vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ khoảng 1.365 tỉ đồng để xây dựng 2 cống kiểm soát triều Tân Thuận và sông Kinh.

Ngoài ra, UBND thành phố còn kiến nghị Chính phủ bố trí vốn ngân sách trung ương khoảng 1.360 tỉ đồng để xây dựng 3 cống kiểm soát triều Rạch Tra, Bến Nghé và Phú Xuân để chống ngập úng cho thành phố. 

Văn Nam

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo