Câu chuyện của KT&ĐS (Tạp chí Kiến trúc & Đời sống) với KTS Nguyễn Văn Tất về kiến trúc xanh, xen giữa các khái niệm, giải thích lập luận là những hồi ức, những ví dụ từ thực tế. Đôi lúc kiến trúc sư ngồi trầm ngâm. Những khái niệm rất rộng được anh “kéo” về gần gũi qua những thí dụ cụ thể. Và dưới sự phân tích của anh, chuyện kiến trúc, suy cho cùng cũng là chuyện ứng xử.
Hiện nay, người ta đang dùng nhiều khái niệm khác nhau cho kiến trúc. Đầu tiên là kiến trúc tiết kiệm năng lượng. Xã hội chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Có một thời, người ta đánh giá của các công trình kiến trúc là sự tân kỳ, hoành tráng với nhiều máy móc thiết bị, công nghệ. Người ta phải tiêu hao rất nhiều năng lượng để tạo nên và duy trì đời sống cho các công trình đó. Nhưng rồi cuộc khủng hoảng năng lượng có quy mô toàn cầu xuất hiện. Năng lượng không thể tự thân nó sinh ra và cũng không phải là vô hạn trong thiên nhiên. Để đối phó, trước hết người ta nghĩ ngay tới cách tiết kiệm điện. Nhưng điện chưa phải là tất cả. Các tiêu chuẩn xây dựng được đặt ra để kiểm soát các yếu tố tích cực và tiêu cực trong sử dụng năng lượng. Khái niệm năng lượng ở đây xét tới cả nguồn gốc trong tổng thể. Ví dụ, để xây nhà, ta cần tới gạch, ximăng, sắt thép... Để có gạch, ximăng, sắt thép... ta cần khai thác quặng tự nhiên, rồi tiêu hao năng lượng như than, điện để sản xuất. Rồi chi phí năng lượng xăng dầu... vận chuyển chúng tới nhà mình. Tóm lại, để có một chỗ ở theo nhu cầu, người ta đã xài rất nhiều năng lượng. Đã có lúc người ta tưởng năng lượng là vô tận. Rồi khi nhận ra năng lượng không phải là vô tận thì phải thay đổi cách ứng xử với nó. Nếu không ứng xử nghiêm túc hơn với năng lượng thì đến một ngày nó sẽ cạn kiệt. Vâng, đúng là chuyện ứng xử. Đơn giản vậy thôi, tiết kiệm là từ ứng xử tới hành xử cụ thể.
Với khái niệm kiến trúc sinh thái, người ta dựa trên sự phù hợp của bản thân công trình kiến trúc với môi trường cụ thể. Công trình xây dựng không phải là sự áp đặt mà là một thành tố của môi trường. Môi trường sinh thái liên quan đến địa lý, khí hậu, nguồn nước, thảm thực vật... Trong môi trường đó, bất kỳ cái gì không cân bằng tương đối với nhau thì đều phải tự điều chỉnh đến chừng nào đạt được sự cân bằng tổng thể mới tồn tại được. Chẳng hạn như dòng chảy tự nhiên của một con sông có thể tạo ra ghềnh, thác. Cũng phải sau nhiều quá trình chuyển đổi, tới lúc đạt trạng thái cân bằng thì ghềnh, thác mới tồn tại được. Công trình kiến trúc của con người tạo ra mà không phù hợp với môi trường thì không thể tồn tại được. Ở thảo nguyên Mông Cổ, ở vùng tuyết Tây Tạng hay ở sa mạc Sahara... con người vẫn sống từ đời này qua đời khác một cách tốt đẹp là nhờ họ đã có các kiến trúc phù hợp điều kiện tự nhiên. Và sự phù hợp của bản thân công trình kiến trúc như là một cách ứng xử tối ưu với môi trường sinh thái cụ thể. Cũng lại là chuyện ứng xử.
Một khái niệm đang được nhắc đến nhiều là kiến trúc bền vững. Trong vật lý ta đã biết, muốn bền vững thì phải cân bằng. Có cả cân bằng tĩnh và cân bằng động. Xét trong môi trường đô thị ta đang sống, yếu tố bền vững bao gồm cả những khái niệm phù hợp với môi trường sống, với cộng đồng và thậm chí là cả sự cảm nhận của chính con người chúng ta nữa. Yếu tố bền vững có được hay không chính là thái độ ứng xử với môi trường xung quanh, bao gồm cả môi trường do chính con người tạo nên. Xin nếu ví dụ dễ quan sát là những con hẻm ở thành phố ta. Có con hẻm mà con người sống trong đó bằng sự đối phó. Hẻm bị bê tông hoá hoàn toàn, tường nhà cao bít bùng thêm hàng rào kẽm gai. Mỗi căn nhà đều cố lấn chiếm hết mọi khoảng không có thể lấn khiến giao thông khó khăn, khô cứng. Nhưng cũng có những con hẻm mà hàng rào vào nhà có khoảng trống, một vài cái sân nhỏ có khoảng xanh lòa xoà bóng mát, nơi khúc quanh có chỗ nghỉ chân, có chỗ cho một gánh hàng quà. Hẳn nhiên, không cần hỏi cũng biết là sống ở con hẻm nào thì thích hơn, sống được lâu hơn. Nếu người ta ứng xử với môi trường tốt hơn, với cộng đồng tốt hơn thì môi trường, cộng đồng cũng tạo ra môi trường, hình ảnh thân thiện nghĩa là cũng ứng xử tốt hơn con người sống trong đó. Bền vững ở đây suy cho cùng chính là chuyện ứng xử.
- Ảnh minh họa ở trên (của Zhivago): Vài góc nhà đơn giản nhưng hữu dụng của hoạ sĩ Nguyễn Minh Thành. Căn nhà kiểu “cấp 4” được xây mới với chi phí tối thiểu, sử dụng đa phần vật liệu ít tiền và phế liệu thu gom (gỗ thùng, gạch cũ), ngoài các cột chịu lực, căn nhà sử dụng tường gạch 20cm, áo ngoài chỉ dùng xicat cho một màu xanh xám đồng nhất, mái và xà gồ dùng cây tràm, ngói một lớp. Các không gian gần như liên thông không vách ngăn (kể cả khu vệ sinh), không gian tạo cảm giác tự do và cởi mở, gần gũi với vài mảnh vườn trồng rau quanh nhà. Khu xưởng vẽ được gắn kính để có nhiều ánh sáng tự nhiên nhất. Nước tự khoan, điện năng tiêu thụ rất ít, chủ nhà cho biết chỉ có 150.000đ/tháng. Tất cả toát lên không khí an nhàn và thư thái. Ngôi nhà yên bình này được hoạ sĩ tự thiết kế và xây trong hai năm trên một quả đồi ở Đà Lạt.
Cuối cùng tôi muốn nói đến khái niệm kiến trúc xanh. Với tôi, xanh không chỉ là cây. Xanh không chỉ là mát và dễ chịu. Xanh cũng không chỉ là thân thiện với môi trường. Ngày nay, xanh đã trở thành khái niệm mà nhiều nhà hoạt động xã hội hay đề cập là làm cho môi trường sống tốt hơn. Khái niệm xanh với người kiến trúc sư cũng như vậy. Môi trường sống tốt trước hết là tiện nghi, phù hợp. Nó có thể bao gồm các yếu tố thân thiện sinh thái, bền vững với môi trường. Và nó bao gồm cả các yếu tố phi vật chất nữa. Xã hội chúng ta đang trong giai đoạn phát triển đặc biệt. Hiện tượng toàn cầu hoá đặt ra nhiều vấn đề. Sự biến đổi khí hậu báo hiệu rằng thiên nhiên đã được khai thác đến mức giới hạn của nó. Đất nước ta cũng không nằm ngoài thực tế đó. Nhu cầu con người ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Với nhu cầu ăn, chúng ta đã qua quá trình từ lúc chỉ cần ăn đủ, ăn no rồi ăn ngon, cao hơn nữa ăn để không bệnh rồi ăn để khoẻ. Cái ăn bây giờ đã ở mức thưởng thức, hưởng thụ trong đó ngoài yếu tố ngon còn có cả yếu tố sang trọng, thẩm mỹ, văn hoá. Nhu cầu ở cũng có quá trình phát triển như vậy. Đơn giản nhất là người ta ước mơ “có chỗ chui ra chui vào”, rồi đến ước mơ sở hữu một căn nhà rồi đến một căn nhà đẹp, đủ tiện nghi. Ở mức cao hơn là một chỗ ở không những đủ tiện nghi mà còn phải có bản sắc, tương thích với văn hoá, đẳng cấp của người chủ. Tất nhiên, trong xã hội hiện đại, ngôi nhà chắc chắn phải là một không gian có môi trường sống tốt. Đó chính là đất dụng võ của kiến trúc xanh.
Nhiệm vụ của người kiến trúc sư thiết kế những ngôi nhà là làm sao cho chủ nhân cảm thấy sướng, thoả mãn nhu cầu có thực trong không gian của mình. Và với tôi, đó cũng chính là quá trình giải quyết các ứng xử mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với con người trong điều kiện tự nhiên, một hoàn cảnh xã hội cụ thể. Những ứng xử đúng quy luật sẽ được đáp trả bằng lợi ích bền vững lâu dài. Những ứng xử ngược với quy luật sớm muộn cũng sẽ không có chỗ tồn tại. Nếu chúng ta nhìn kỹ, mỗi công trình kiến trúc có giá trị từ xưa đến nay luôn là thể hiện thái độ ứng xử khoa học, nhiều trường hợp xứng đáng được gọi là nghệ thuật ứng xử với thiên nhiên và con người. Bởi vậy mới có thể nói, “chuyện kiến trúc, suy cho cùng là ứng xử”.
KTS Nguyễn Văn Tất (Hưng Long lược ghi)
>>
- Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh: Hướng tiếp cận "mềm"
- Khôi phục cảnh “trên bến dưới thuyền” Sài Gòn xưa
- Trường ra ngoại thành, đất vàng dành ai?
- Quy hoạch Hà Nội: Tìm lại không gian xanh
- Kiến trúc bền vững - hiểu một cách đơn giản
- Đừng quên phí môi trường
- Thành nhà Hồ - Hành trình đến với di sản văn hóa
- Dấu Chấm (.) hay Khoảng lặng đô thị
- Hợp khối công trình với thực tiễn ngăn ngừa nhà “siêu mỏng - siêu méo” ở Hà Nội
- Kiến trúc Sài Gòn - TP.HCM: Chuyện lớn và chuyện nhỏ