Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Dự án Trung tâm Thương mại 19-12 chỉ là sự tiếp nối quy hoạch manh mún

Dự án Trung tâm Thương mại 19-12 chỉ là sự tiếp nối quy hoạch manh mún

Viết email In

"Thiết tha mong mỗi người chúng ta, dù ở vị trí xã hội nào thì vẫn biết trân trọng, yêu thương nơi mình đang sống, bởi mỗi góc phố, con đường của thành phố này đều thấm đẫm văn hoá, tâm linh của một Thăng Long- Hà Nội nghìn năm văn hiến và cả máu xương của biết bao thế hệ". - KTS Phạm Thanh Tùng.

Mấy ngày nay, dư luận Hà Nội xôn xao chung quanh Dự án Trung tâm Thương mại (TTTM) cao 17 tầng đang tiến hành giải phóng mặt bằng để xây dựng trên vị trí chợ tạm 19-12, còn gọi là chợ Âm phủ.

Nơi đây vốn là một con đường kề bên Toà án Nhân dân tối cao, một công trình kiến trúc đặc biệt theo phong cách cổ điển châu Âu, được xây dựng vào năm 1904-1905 của thế kỷ trước, nối phố Lý Thường Kiệt với phố Hai Bà Trưng, hai con đường lớn và đẹp cũng có từ thời Pháp thuộc.

  • Ảnh bên : Chợ cũ 19-12 đã được giải phóng mặt bằng. (Ảnh chụp ngày 11/12/2008, nguồn: VietNamNet)


Sự việc này được bắt đầu từ lá thư tâm huyết, đầy trách nhiệm công dân của nhà sử học Dương Trung Quốc gửi Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, KTS Nguyễn Thế Thảo. 

Là người lớn lên và sống ở Hà Nội, tôi không khỏi thảng thốt, giật mình, khi được biết sự kiện này. Từ trước đến nay trong quận Hoàn Kiếm, mà đặc biệt là khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận đã xảy ra khá nhiều vụ việc tương tự làm buồn lòng người dân Thủ đô và những ai yêu Hà Nội, như xây dựng công trình Hàm cá mập đầu phố Đinh Tiên Hoàng, trông ra quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, hay Khách sạn Hà Nội vàng ven Hồ Hoàn Kiếm (nay là toà nhà Tập đoàn Bảo Việt)… Rồi cách đây chưa lâu là dự án trụ sở Tập đoàn Điện lực EVN suýt được xây dựng ở vị trí Sở Điện lực xưa, nơi Bác Hồ đã từng đến thăm!

Nhắc lại như vậy, để thấy dự án xây dựng TTTM 19-12 này chỉ là sự tiếp nối của một cách làm quy hoạch manh mún, cách quản lý đô thị với tầm nhìn hạn hẹp (nếu không muốn nói là tư duy tiểu nông) của chính quyền thành phố trong thời kỳ nước ta đang hội nhập kinh tế, CNH-HĐH.

Tôi đã đọc rất kỹ bức thư của ông Dương Trung Quốc, cùng nhiều ý kiến phản đối qua những phân tích sâu sắc của nhóm KTS Phùng Trung Hậu, Nguyễn Lê Minh, Nguyễn Quân từ nước ngoài gửi về trên VNN, của TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thanh phố Hà Nội trên báo Tiền Phong (số 351, ngày 16-12), hay của TS Phạm Gia Minh theo góc độ phong thuỷ… và hoàn toàn nhất trí với kiến nghị của các ông là không xây dựng TTTM ở đây, đồng thời phục hồi lại nguyên trạng con đường như vốn có của nó từ đầu thế kỷ XX. Trong bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến mấy vấn đề sau:

1. Tính minh bạch của Dự án

Theo ông Nguyễn Anh Cường, Giám đốc Cty TNHH Thủ Đô II, thì dự án này được triển khai trong suốt 4 năm qua, đã hoàn tất hàng chục thủ tục pháp lý, từ các cơ quan của Thành phố như: Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch (KT-QH), các sở KT-QH, Xây dựng, Kế hoạch đầu tư… cho đến Bộ Xây dựng. Và trong quá trình thẩm định này, cũng theo ông Cường, không một ai, một cơ quan nào nói không được làm vì đây là một… con đường!

Một dự án nhiều tỷ đồng, với khối tích xây dựng lớn, cao đến 17 tầng, lại nằm ngay trung tâm Thủ đô, cạnh trụ sở một cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước mà suốt 4 năm trời người dân Thủ đô không ai biết?! Thật là khó hiểu!

  • Ảnh bên : Theo đúng quy hoach đã được phê duyệt, chợ tạm 19-12 vẫn là một con đường.


2. Vai trò của các cơ quan chức năng tham mưu cho lãnh đạo Thành phố

Dự án TTTM 19-12 do Cty TNHH Thủ Đô II làm chủ đầu tư, tư vấn trong nước và nước ngoài thiết kế. Được các cơ quan chuyên môn về xây dựng, kiến trúc, quy hoạch thẩm định, đặc biệt là vai trò của Hội đồng KT- QH và Sở KT-QH Thành phố.

Thứ nhất, tôi không rõ, dựa vào cơ sở nào mà Sở KT-QH lại cấp thoả thuận quy hoạch cho dự án này? Đây là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng để thực hiện một dự án kiến trúc.

Lẽ nào, người ta có thể phớt lờ bản quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm giai đoạn 2001-2020 do chính UBND TP Hà Nội ký duyệt, trong đó khu chợ 19 - 12 chính là một đường phố? Và cho đến khi dự án được phê duyệt, được cấp giấy chứng nhận đầu tư, vẫn chưa hề có văn bản nào thay đổi quy hoạch của Thành phố”.

Thứ hai, tôi cũng không hiểu, khi ngồi duyệt phương án kiến trúc TTTM 19- 12, các vị trong Hội đồng KT-QH đáng kính có quan tâm đến các yếu tố văn hoá lịch sử, cảnh quan, kể cả phong thuỷ vị trí xây dựng công trình này không? Các vị có thấy việc xen cấy thêm một toà nhà thương mại cao 17 tầng bên cạnh khách sạn Melia 25 tầng sẽ càng làm phá vỡ cấu trúc cũng như tính uy nghiêm của Toà án Nhân dân tối cao và gây thêm ách tắc giao thông khi công trình đi vào sử dụng hay không?

Rồi nữa, các vị có xúc động khi cho phép xây dựng ở nơi, mà cách đây chưa lâu, chỉ khoảng 30 năm thôi, còn là một nấm mồ khổng lồ, nơi chôn cất thi hài của hàng nghìn người dân, chiến sỹ, tự vệ thành Hà Nội đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vào những ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946 ở Thủ đô hay không?

Tôi thực sự buồn lòng khi biết rằng, thành viên của hội đồng, cũng như những người có trách nhiệm của Sở KT-QH hầu hết là các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư có danh vị, học hàm và ít nhiều tên tuổi!

Trả lời báo chí, ông Giám đốc Công ty TNHH Thủ Đô II bức xúc, rằng ông đã phải chi tới hơn 11 tỷ đồng để lo cho các khâu ban đầu như hỗ trợ tiền đền bù cho các hộ kinh doanh ở chợ tạm Âm phủ, tiền thuê tư vấn thiết kế… mà trong đó, riêng tiền thẩm định dự án đã lên tới 1,6 tỷ đồng?!

Nói thực lòng, tôi vốn là người hay nghi ngờ về tính thật thà của các nhà kinh doanh. Nhưng trong trường hợp này, tôi tin là ông giám đốc Công ty nói thật. Tôi chia sẻ với bức xúc của ông, và khuyên ông nên yêu cầu Thành phố cấp cho ông mảnh đất khác (Hà Nội không thiếu đất, vì bây giờ Thủ đô thân yêu của chúng ta đã mở ra phía Tây, rộng đến hơn 3000 km2) đủ bù đắp cho ông những thiệt hại. 

Trước khi khép lại bài viết nhỏ này, với tình cảm sâu nặng đối với mảnh đất rồng bay, nơi tôi đã gắn bó suốt cuộc đời, chỉ thiết tha mong mỗi người chúng ta, dù ở vị trí xã hội nào thì vẫn biết trân trọng, yêu thương nơi mình đang sống, bởi mỗi góc phố, con đường của thành phố này đều thấm đẫm văn hoá, tâm linh của một Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và cả máu xương của biết bao thế hệ…!

>> Mong Chủ tịch tránh cho Hà Nội sai lầm kiến trúc đô thị

>> Hãy giữ những khoảng không quý giá còn lại của Hà Nội 

>> Hà Nội cần "hy sinh" một số lợi ích! - Dương Trung Quốc 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo