Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện "Phá công viên nên quy định là tội!"

"Phá công viên nên quy định là tội!"

Viết email In

Đúng 20 tháng sau hội thảo "Hệ thống không gian xanh công cộng của Thủ đô Hà Nội", hôm qua (17/3), Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN (QHPTĐT) lại tổ chức hội thảo với đề tài tương tự: "Khai thác hiệu quả công viên - vườn hoa TP Hà Nội".

Các vấn đề đưa ra bàn không mới, nhưng đang ngày càng gây bức xúc và nan giải.


So sánh bản đồ Quận Hai Bà Trưng, quận Đống Đa những năm 1960 và bản đồ vệ tinh chụp sau gần 50 năm


Dứt điểm hướng bảo vệ công viên

Không có đại diện nào của chính quyền Thành phố Hà Nội tham gia Hội thảo

Ngay từ lúc bắt đầu, GS Nguyễn Thế Bá đã thông báo với Hội thảo: Sẽ có đại diện của Thành phố tới dự, có thể là Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo hoặc người mà ông Thảo cử đi thay.

Tuy nhiên, cho đến tận khi kết thúc vẫn không có một vị lãnh đạo đương nhiệm nào của Hà Nội tới dự.

"Tôi rất lấy tiếc và buồn vì điều này. Tôi nghĩ, muốn quản lý tốt cần phải biết lắng nghe ý kiến của cộng đồng" - GS Nguyễn Thế Bá nói. 
Với quyết tâm giải quyết dứt điểm về vụ việc dự án khách sạn Novotel on the park tại Công viên Thống Nhất, PGS. Huỳnh Đăng Hy - Tổng Thư ký Hội QHPTĐT quả quyết: "Bố trí xây dựng khách sạn Novotel on the park trong công viên Thống Nhất là một sai lầm".

"Nếu xem việc trộm cắp, buôn bán ma túy là một tội phải trừng phạt ngay lập tức, thì tôi nghĩ việc phá hoạt không gian công cộng cũng phải quy định là một tội" - KTS Lê Văn Lân - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội góp lời.

Tất cả các đại biểu đều thống nhất quan điểm: Không nên và không được phép có bất kì khách sạn nào xây dựng tại công viên.

Không chỉ ở vụ việc khách sạn tại công viên Thống Nhất, nhiều công viên khác cũng đang bị đe dọa với các dự án 4, 5 sao.

GS Nguyễn Thế Bá - Chủ tịch Hội nói: "Khách sạn không thể ví với bầu không khí vĩnh hằng của người dân, xét cả về giá trị kinh tế thì bầu không khí kia nó còn giá trị gấp triệu lần".


Hình ảnh công viên Bách Thảo trưng bày tại Hội thảo

Hiện có rất nhiều tài liệu khác nhau về diện tích cây xanh trên đầu người của Thủ đô Hà Nội: 5m2, 2m2 hay 0.9m2... Trong khi đó, tiêu chuẩn cây xanh đất cây xanh đô thị (công viên, vườn hoa) cho Hà Nội được đề ra là 16m2/người (*), tức khoảng 4000 ha vào năm 2020.

Như vậy, mỗi năm UBND Thành phố, các quận phải tổ chức triển khai xây dựng mới khoảng 200 - 250 ha đất công viên, vườn hoa.

Tất nhiên, cũng không có một kiến trúc sư, nhà nghiên cứu nào tin vào con số ngây thơ đó. Do vậy, những kiến nghị bức thiết hiện nay là duy trì cho bằng được diện tích cây xanh hiện có.

"Đáng lo lắm thay! Đồ án quy hoạch cứ treo đó, còn thực tiễn thực hiện quy hoạch đã được 10 năm, một nửa giai đoạn lập và thực hiện quy hoạch thì không thấy đổi thay. Dân số HN trung bình tăng mỗi năm 6-7 vạn người mà công viên, vườn hoa mới không thấy được phát triển, công viên, vườn hoa cũ thì bị xà xẻo để giải quyết xây dựng các công trình dịch vụ, kinh doanh" - PGS Huỳnh Đăng Hy quan ngại.

"Tôi, với tư cách là một người bước vào Thủ đô 3 ngày trước khi Giải phóng, một người gánh đất xây dựng công viên, đề nghị Thành phố có ý kiến kiên quyết không xây dựng các công trình kinh doanh tại công viên, kể cả công trình ngầm. Nếu Hội Quy hoạch đề nghị, tất cả chúng tôi sẽ ký tên vào một tờ đơn trình lên nguyện vọng bảo vệ công viên của mình" - GS Nguyễn Hoàng bày tỏ thái độ.

Với sự đồng tình cao, tất cả các đại biểu tham dự hội thảo cùng thống nhất quan điểm bảo vệ đến cùng công viên Thống Nhất và các công viên, diện tích cây xanh nói chung. Không chấp nhận việc tiếp tục lấn đất cây xanh, chuyển đổi mục đích sử dụng tùy tiện.

Với hàng loạt các vấn đề nổi cộm trong quản lý, khai thác các công viên Thống Nhất, Tuổi Trẻ, Bách Thảo, Yên Sở, Cổ Loa... Hội QHPTĐT tự nhận nhiệm vụ là đầu mối tổ chức nghiên cứu, tư vấn phản biện xã hội đối với việc quản lý, khai thác các công viên.


Hình ảnh công viên Yên Sở trưng bày tại Hội thảo

Bàn chuyện... "vỡ lòng"

Thực trạng chỉ tiêu diện cây xanh công cộng nội thành của một số TP:

- London: 26,9m2/người
- Berlin: 27,4m2/người
- NewYork: 29,3m2/người
- Mosscow: 24m2/người
- Nhật Bản: 7,5m2/người

- Hiện trạng đất công viên, cây xanh 9 quận nội thành Hà Nội: 0,9m2/người, riêng Quận Đống Đa, Gia Lâm: 0,05m2/người.

( Số liệu của JICA, 2006 )

Qua sự việc dự án khách sạn Novotel on the park đang được xây dựng trong công viên Thống Nhất khiến dư luận phản ứng gay gắt, giới chuyên gia kiến trúc, quy hoạch đặt lại vấn đề: Tầm quan trọng của công viên cây xanh trong đời sống đô thị, quan điểm về công trình công cộng, định hướng phát triển cây xanh trong vùng nội đô.

PGS Phạm Hùng Cường (ĐH Xây Dựng) dẫn nghiên cứu cho biết, trên thế giới có 2 loại công viên: công viên tổng hợp  - dành cho vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, vì mục đích phúc lợi xã hội; và công viên chuyên đề - dạng như công viên nước, công viên Disneyland...

"Năm nay đã là 2009, vậy mà các nhà khoa học vẫn ngồi đây đề bàn đến tầm quan trọng của cây xanh trong thành phố, thế nào là công viên, thế nào là đất công cộng, thế nào là diện tích cây xanh trên đầu người... Quả thật, bạn bè quốc tế mà biết thì tôi thấy thật đáng xấu hổ". - KTS Lê Văn Lân (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội) lên tiếng sau rất nhiều ý kiến tranh luận.

"Thế mà chúng tôi vẫn phải nói" - GS Nguyễn Thế Bá tiếp lời - "Đến cái tối thiểu như thế mà người ta chưa thông, thì chúng tôi vẫn phải nói đi nói lại như vậy".


Hình ảnh trích trong Dự án HAIDEP trưng bày tại Hội thảo

Lỗi tại cơ chế?

Không ít đại biểu tham dự Hộ thảo băn khoăn: Vướng mắc căn bản của vấn đề quy hoạch hiện nay là khả năng quy hoạch hay khả năng quản lý?

GS Nguyễn Thế Bá chia sẻ: "Công việc quy hoạch hiện nay rối ren vô cùng. Không phải người Việt Nam dốt đến mức không biết cách làm quy hoạch, mà là còn vướng mắc quá nhiều vào cơ chế, khiến các nhà làm quy hoạch không bứt ra được".


Công viên Lê-nin (Ảnh: hanoiyeu.com)

Từng giữ trọng trách trong công tác quy hoạch của TP Hà Nội, ông Đỗ Hoàng Ân - nguyên Phó Chủ tịch TP Hà Nội bộc bạch: "Tôi phụ trách mảng công việc này một số năm, và thấy nguồn kinh phí chi cho bảo vệ tôn tạo công viên quá ít, hoạt động rất khó khăn".

Từ một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Hiền - Tổ chức Hành động vì Đô thị cho rằng: Nguyên nhân quản lý yếu kém hiểu sâu hơn chính là sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định cũng mờ nhạt. Người dân chưa có đủ cơ hội tham gia, họ chưa thực sự có đại diện để truyền tải tiếng nói và thiếu niềm tin vào khả năng thay đổi của chính quyền.

(*) Theo tài liệu "Điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt năm 1998 tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998.

Linh Thủy (Tuần Việt Nam) - ảnh tư liệu : Ashui.com & HanoiData

>> 50 năm qua, Hà Nội san lấp 80% diện tích mặt nước để xây dựng? 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo