Ở đời, ai mang bệnh tương tư, đến Lucerne sẽ biết rằng căn bệnh của mình là vô phương cứu chữa! Lời khẳng định này được một hiệu thuốc trong khu phố cổ Lucerne ghi lại từ năm 1530. Đó là câu chào duyên dáng, ấn tượng và thú vị nhất đối với tôi khi lần đầu đặt chân đến Lucerne.
Toàn cảnh phố cổ và kiến trúc cầu Chapel nổi tiếng.
Ra khỏi nhà ga chính của Lucerne, cây cầu Chapel – một trong mười kiến trúc cầu nổi tiếng nhất thế giới khiến tôi mê hoặc bởi vẻ đẹp kiêu kỳ, công năng độc đáo, cùng câu chuyện lịch sử đầy thăng trầm và sự tồn tại phi diệu của kiến trúc cầu gỗ cổ nhất châu Âu trước phát triển của thời đại. Thêm chục phút tản bộ, mảng điêu khắc “Sư tử buồn” – một tượng đài kiêu hùng của chiến binh Thuỵ Sĩ, giọt nước mắt của nghệ thuật điêu khắc vương trên nền đá thời gian, đủ hớp hồn những người đang đối diện với nó. Lucerne còn có những toà lâu đài cổ kính, những thánh đường nguy nga. Nhưng điểm cuốn hút tôi hơn cả là khu phố cổ, cảm nhận khi bước qua từng viên đá như được ngược dòng lịch sử để khám phá vẻ đẹp của Lucerne bao năm chưa hề thay đổi.
Không có thuốc chữa bệnh tương tư!
Bị khoá giữa núi và đất liền, không có biển, nhưng Thuỵ Sĩ lại được thiên nhiên ban tặng cho những hồ lớn khổng lồ, với 550km đường sông và 12 tuyến tàu trên các hồ lớn. Năm 2012 được Thuỵ Sĩ chọn là “năm của nước”, bởi đi bất kỳ đâu trong đất nước Thuỵ Sĩ, chỉ trong bán kính 15km là sẽ đến một dòng sông hoặc một hồ nước đẹp. Lucerne là một trong bốn hồ nước lớn và đẹp nhất của Thuỵ Sĩ. Năm 2012 cũng là năm kỷ niệm 175 năm chuyến tàu hơi nước đầu tiên hạ thuỷ ở hồ Lucerne. |
Khác với bích hoạ kiểu châu Âu, thường được trang trí trong nội thất của các đền đài, cung điện, ở đất nước Trung Âu Thuỵ Sĩ, cụ thể là Lucerne, tranh tường thể hiện ra mặt tiền ngôi nhà, với những tích truyện độc đáo ghi lại lịch sử phát triển của thành phố, hay miêu tả những trận chiến ác liệt… Mỗi bức tranh hiện trên các khối kiến trúc qua 5 – 6 thế kỷ vẫn tồn tại, nguyên vẹn vẻ đẹp như thuở ban đầu.
Con phố cổ tập trung nhiều tranh tường nhất ở Lucerne, là chợ rượu vang của toàn vùng từ thế kỷ 15, các loại vang thượng hạng đều có thể tìm thấy ở khu chợ này. Bởi Lucerne nằm trên trục giao thương chính của Trung Âu ra các vùng lân cận. Ở toà kiến trúc cuối quảng trường trung tâm phố cổ, có bức bích hoạ phủ trọn phần mặt tiền ngôi nhà, miêu tả lại tích truyện quen thuộc trong kinh thánh của thánh John về việc hoá nước thành rượu ở tiệc cưới Cana. Bức vẽ ở Lucerne chỉ đơn giản với những mảng màu lớn, không nhiều chi tiết như bức sơn dầu cùng tích truyện của hoạ sĩ người Ý Paolo Veronese vẽ năm 1563 trưng bày ở bảo tàng Louvre, Paris. Nhưng mối liên tưởng giữa khu chợ vang nổi tiếng với tích truyện hoá nước thành rượu hẳn phù hợp với lịch sử của chợ rượu này. Hơn nữa, lịch sử Lucerne từ ngày là một làng chài nhỏ bé bên hồ Lucerne đã gắn liền với sự phát triển của công giáo, với việc xây dựng và hình thành Lucerne của các giáo sĩ dòng Biển Đức (Benedictine).
Trong phố cổ, có mảng tranh tường của một hiệu thuốc từ thế kỷ 16 gây chú ý với tôi và những lữ khách hơn cả, không chỉ bởi lối vẽ cách điệu tích truyện Adam – Eva trong vườn địa đàng cùng con rắn đang cuốn mình lên cây trái cấm; mà là nội dung của dòng chữ Amor Medicabilis Nuliis Herbis (tạm dịch: không có loại thuốc nào chữa được bệnh tương tư). Chẳng biết câu ấy có “thôi miên” ai không mà quán xá dưới quảng trường này lúc nào cũng đông nghẹt khách, họ ngồi tán gẫu, ngắm nghía phong cảnh, và ít nhiều bàn tán về cái bệnh tương tư, trong đó có kẻ lữ hành như tôi.
Trung tâm phố cổ Lucerne.
Đồng hồ Thuỵ Sĩ giá nào cũng có
Nếu như người châu Á kinh doanh sừng sỏ là Trung Quốc, thì ở châu Âu, tôi cho rằng chính là người Thuỵ Sĩ. Ghé vào khu mua sắm đồng hồ của nhà Bucherer với lịch sử hình thành từ năm 1888, nơi thật khó mà cưỡng lại lòng thèm muốn khi nhìn những “cỗ máy thời gian” mức giá 55.000 franc, tương đương 1,1 tỉ tiền Việt, đến cái chỉ có 20 franc. Và, dù ở tầng lớp nào, ai cũng ra về hả hê trong tay vài ba cái đồng hồ làm quà.
Những ngày ở Lucerne đến đâu cũng gặp khách châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam, theo hãng lữ hành Blue Sky Travel tại TP.HCM thì du lịch Thuỵ Sĩ đang là tiềm năng lớn với khách Việt, đặc biệt là những người trẻ ưa thích du lịch khám phá. Đi khắp Thuỵ Sĩ, chỗ nào tôi cũng bị nhận nhầm là người Trung Quốc và những cửa hàng đồng hồ lớn ở Lucerne đều có nhân viên người Hoa đứng bán.
Ngay hôm ghé tiệm ăn ở tầng hai khách sạn Falken, cô nhân viên kinh doanh Lucia Lang sau khi chào hỏi bằng tiếng Quan Thoại, liền rủ tôi ở lại bởi rằng công việc dành cho người nói tiếng Hoa ở Lucerne đang phát triển rất nhanh, hiện không đủ nguồn cung cấp hướng dẫn, phiên dịch. Lang nói: “Chỉ nói được tiếng, lo dịch vụ cho khách du lịch Trung Quốc là có thể kiếm sống thoải mái được rồi”. Thấy có vẻ chưa phải lúc, Lang dặn dò, rảnh nhớ viết mail bởi công ty cô ấy đang rất cần người. Lời đề nghị không thể níu tôi ở lại, bởi hành trình khám phá thiên đường Trung Âu – Thuỵ Sĩ của tôi chưa được nửa chặng với bao hấp dẫn phía trước.
Lam Phong
- Dạo chợ nổi ở Thái Lan
- Khám phá cuộc sống nhanh và chậm ở Hong Kong
- Thả bộ bên dòng sông Tam Bạc
- Thăm bản Tả Phìn ở Sapa
- Xuống thung lũng thiên thần Engelberg (Thụy Sĩ)
- Hội An phố - nơi lắng đọng thời gian
- Lang thang miền Tây Trúc
- Penang, "thiên đường" không cần mây trắng
- Làng cổ Colmar miền Alsace ở Malaysia
- Về Cần Thơ thăm nhà cổ Bình Thủy