Ashui.com

Tuesday
Apr 23rd
Home Tương tác Điểm đến Lang thang miền Tây Trúc

Lang thang miền Tây Trúc

Viết email In

Dân đi bụi truyền khẩu "Hễ đi bụi được ở Ấn, thì có thể đi bụi khắp thế giới", câu nói của tay lãng du nào đó khiến tôi không khỏi tò mò, vậy là quảy balô lên đường, không theo kế hoạch định trước, không sắp xếp lộ trình, sự ngẫu hứng ấy đã để lại những trải nghiệm khó quên.


Nghi lễ tạm biệt thần mặt trời ở Ghat Dasaswamedh.

Khách Việt hành hương xứ Ấn hẳn dễ tìm được "tâm an" của hành trình qua các miền Phật tích. Nhưng chuyến đi này, tôi không có được cái "tâm an" ấy bởi ngay khi quyết định đi bụi xứ Ấn, lúc xin visa đã nghe bạn bè cảnh giới với đủ rắc rối loanh quanh mấy chuyện ăn ở, đi lại... Đành tự nhủ, rắc rối có khi lại là một "đặc sản" mà chỉ có đi bụi mới được sống với nó.

Nửa đêm ở New Delhi

Hạ cánh xuống sân bay New Delhi gần 10 giờ tối, loay hoay ra đến cổng đã gần 11 giờ để đón quả taxi bụi, gọi là bụi đúng nghĩa bởi xe không máy lạnh, cửa mở toang để tận hưởng bụi khói của xe cộ đang ùn ùn từ sân bay về New Delhi. Tranh thủ trò chuyện với bác tài, làm quen dần với thổ ngữ tiếng Anh kiểu Ấn, nhân tiện hỏi thêm thông tin chỗ tá túc qua đêm với tiêu chí rẻ là thượng sách.

Đến ga trung tâm New Delhi gần nửa đêm, theo hướng chỉ dẫn của tay taxi tôi bắt đầu hành trình tìm nhà trọ, thẳng tiến vào khu Pahar Ganj đối diện ga xe lửa trung tâm, mới bước chưa đầy chục mét, đã có tiếng gọi giật giọng, quay đầu lại thấy ngay một tay choai choai, ria mép đen kít, mắt sâu đầy bí hiểm xáp lá cà chỉ cách người chưa đầy một cánh tay, rồi hỏi nhỏ: "Mày đi đâu đấy?", đầu óc còn đang phân vân suy tính, chưa kịp trả lời, kẻ lạ hỏi luôn: "Người Nhật hả? Hít hàng không? Tao có bồ đà, loại xịn đấy". Tôi hiểu ra sự tình, khoát tay rồi đi thẳng.

Nhìn lại con đường vắng ngắt, nhà hai bên san sát, cũ kỹ, tồi tàn, đèn đường lờ nhờ vàng vọt, thi thoảng lại bắt gặp những ánh mắt đầy dò xét của những tay bụi đời chưa kịp ngủ nằm vật vạ trước các cửa hiệu, đem lại cảm giác hơi rùng mình lúc nửa đêm nơi xứ lạ. Hoá ra tôi đang lang thang vào một trong những khu bình dân nhất của thủ đô New Delhi. Cứ một quãng lại nghe: Hey, smoke, smoke? (hít hàng không?) của những tay bán bồ đà, thuốc phiện mời mọc.


Xếp hàng mua bánh naan, món phổ biến của người dân xứ Ấn.

Nóng ruột với càri

Tranh thủ vài ngày ở New Delhi để tham quan những khu vực nổi tiếng như đền thờ Hồi giáo lớn nhất thủ đô là Jama Masjid, Pháo đài đỏ, bảo tàng Quốc gia… phần ẩm thực quen thuộc tôi chọn cho các bữa ăn "nhập gia tuỳ tục" hàng ngày là món bánh naan (bánh mì kiểu Ấn) ở khắp vỉa hè. Rẻ lắm, một cái lá đa gấp vuông to bằng bàn tay đựng đầy càri, và một miếng bánh naan giá chỉ 20 rupee (khoảng 10.000 đồng tiền Việt) thế là đủ một bữa như người Ấn chính hiệu. Ngày đầu no với bánh naan, chưa vấn đề gì, ngày hai bụng hơi nóng, ngày thứ ba môi sưng vều, người bừng bừng như lửa đốt, cộng với cái nóng đang lên gần 40o, khắp người toàn một mùi càri hăng hăng, cảm giác khó chịu xuất hiện thường trực.

Ẩm thực Ấn ít rau xanh, toàn những thứ gia vị cay nóng, nồng mùi, nên cách hạ hoả duy nhất tôi chọn là món nước giải khát soda chanh ép với lá bạc hà mà đi đâu cũng gặp. Hôm đến trước cổng Pháo đài đỏ, kêu một ly đã khát, giá 20 rupee, trò chuyện với tay bán nước vài câu xã giao rồi kêu thêm ly thứ hai, tính tiền giá đã lên 30 rupee. Tôi hỏi sao kỳ, mới uống ly 20 rupee mà? Tay bán hàng chỉ ậm ờ, thì ly này 30 rupee. Lý do có lẽ tại tôi là người nước ngoài, một bất lợi thấy rõ khi làm khách lạ.

Đợi tàu là hạnh phúc


Phố nhỏ Pahar Ganj đối diện ga xe lửa trung tâm New Delhi.

Ở Ấn, tàu chậm giờ là chuyện thường ngày, ngồi ở ga New Delhi đợi tàu đi Gorakhpur, trễ đến ba tiếng nhưng chẳng thấy ai phàn nàn hay sốt ruột, bởi lẽ cái điệp khúc muộn tàu ở xứ này ai cũng quen, chỉ có tôi là thấy lạ. Lên được tàu, những cư dân thân thiện hỏi tôi từ đâu tới? Việt Nam, à, ờ, gật gù, rồi hỏi lại… thế Việt Nam ở đâu? Thiệt tình cũng không biết nói sao nữa, chỉ biết bảo là ở xa đây lắm, rồi có ông bảo Thái Lan hả? Ờ, Việt Nam tao ở cạnh Thái Lan, thế là cười toe toét. Tàu nóng như lò xông hơi, nằm cạnh cái quạt bụi bặm, kêu xành xạch, chỗ giường nằm không đủ độ cao để ngồi, chỉ có thể nằm nghiêng nghiêng và lo giữ mớ hành lý.

Rong chơi ở Gorakhpur rồi Kurshinagar, hành trình kế tiếp tôi tìm đến thành cổ ngàn năm tuổi Varanasi, nơi có đoạn sông Hằng chảy qua thành phố. Cũng lại chọn tàu để di chuyển, đứng ở ga Gorakhpur xếp hàng mua vé, cứ bị chen liên hoàn, ga này toàn dân bản xứ tôi nói mãi chả ai hiểu, đành phải bất lịch sự, chen lên, đưa hộ chiếu, xưng với bà bán vé tôi là người nước ngoài (tự nhiên khi ấy thấy cái cảm giác làm người nước ngoài của mình oai ghê), bà bán vé luống tuổi nhìn chằm chằm hộ chiếu, rồi hỏi bằng giọng phải vừa nghe vừa đoán, cuối cùng cũng lấy được tấm vé từ Gorapure đi Varanasi với gần một giờ xếp hàng mướt mồ hôi. Tàu khởi hành ghi trên vé lúc 9 giờ 30 tối, nhưng đợi ở ga đến gần một giờ sáng mới có chuyến, cặp đôi người Brazil sang Varanasi để học Yoga, bông đùa với tôi rằng: Ở đây chờ đợi là niềm hạnh phúc.

Những người bạn… không quen


Chợ sữa Gadaulia Mandi trong phố cổ Varanasi.

Suốt hành trình qua các thành phố ở Ấn, đi đâu cũng được nhận là bạn với câu chào đầy thân ái: Hello my friend! Nhưng đấy là phiền toái, bởi những người bạn không quen ấy toàn là cò. Chỉ sau câu chào, cái bắt tay, là đến màn gạ gẫm mua bán, chào mời, nghe phát ngán với những điệp khúc lặp đi lặp lại kiểu như tìm khách sạn, tìm nơi học Yoga, tìm chỗ mua vải, mua quần áo… Nhiều nhất là ở Varanasi, cứ vài bước chân tôi lại phải đối mặt với một anh bạn… không quen như thế. Bù lại những vất vả của giao thông, của những màn chèo kéo, hành trình đến Varanasi thật ấn tượng khi được tham gia vào các nghi thức cúng tế diễn ra suốt ngày của người Hindu giáo ở thành cổ hơn 3.500 năm tuổi này.

Một tối sau khi tham dự lễ cúng tạm biệt thần mặt trời lớn nhất của Varanasi là Dasaswamedh, lang thang vào khu phố cổ chen chúc với các lối ra vào chằng chịt như khu ổ chuột, tôi gặp chú nhóc Atiya mới 14 tuổi, bán món sữa chua. Cậu nhỏ lanh hơn nhiều so với tuổi, xởi lởi liên hồi, luôn miệng gọi tôi là bạn, khi mua bát sữa chua, phần trả giá tôi hỏi đi hỏi lại 14 rupee hay là 40, còn nói rành rọt từng số 1 – 4 hay 4 – 0, thế mà cuối cùng khi tính tiền vẫn bị xử thành 40 rupee. Móc tiền trả mà trong bụng không ưng tí nào.

Chợ sữa


Món sữa chua kiểu Ấn ăn trong chén gốm ở phố cổ Varanasi.

Cái thú nhất ở Ấn là lang thang hang cùng ngõ hẻm, gác qua mọi phiền toái của bụi đường, của sự chen lấn toàn người là người ở khu công cộng, sẽ thấy ở Ấn một góc đời bình dị và thật đầy màu sắc. Những ngày dạo chơi ở Varanasi tôi đã mò ra một khu chợ thật độc đáo ngay trong phố cổ. Đấy là chợ chuyên mua bán sữa tươi Gadaulia Mandi, hoạt động 24/24, suốt bảy ngày trong tuần, cũng là một trong những chợ phiên cổ xưa nhất của thành phố Varanasi.

Đây là phiên chợ đặc biệt bởi người mua và bán đa phần là đàn ông. Ấn Độ là đất nước cung cấp sữa tươi đứng đầu thế giới với sản lượng trung bình 110 triệu tấn sữa mỗi ngày. Đi khắp thành cổ Varanasi, đâu cũng thấy bò lang thang, ở thành cổ này có khoảng 100.000 con trâu, nhưng số bò khoảng 17.500.000 con. Chợ sữa hoạt động nhộn nhịp ngày đêm là vậy, chỉ với 24 rupee/lít sữa tươi (khoảng 10.000 đồng). Giao thương ở chợ sữa rất thô sơ, thương lái đem sữa đến bằng xe đạp, đựng trong các thùng sắt bọc bao bố để giữ mát cho sữa khỏi ôi thiu, người mua đến đổ sữa vào lòng bàn tay, rồi húp để thử độ tươi và thơm của sữa, sau đó ngã giá, mua bán. Tôi không đủ can đảm để làm một lít sữa dù rằng rất khát, bởi đồng hành cùng tôi và những người bán sữa là rất nhiều ruồi nhặng.

Trở về sau gần mười ngày lang thang xứ Ấn, lượng mỡ thừa giảm đi thấy rõ, những thứ gây khó chịu hay thường gặp ở quê nhà như khói bụi, kẹt xe, bay trễ chuyến… không còn là phiền toái, nhờ những trải nghiệm trở về từ xứ Ấn đã giúp tôi thấy quê mình đáng yêu và dễ thương hơn nhiều so với trước.


Một con hẻm nhỏ nơi phố cổ của thành phố Varanasi 


Soda chanh giải khát – món ngon của vỉa hè xứ Ấn. 

Nguyễn Đình

Chưa trải nghiệm ẩm thực Ấn bao giờ nên thủ sẵn một ít thực phẩm mang theo đề phòng trường hợp khó ăn uống. Hoặc có thể chọn cách an toàn hơn là chu du gần khu phố Tây, nơi có nhiều sự lựa chọn hơn là các món đặc trưng kiểu Ấn.

Ở Ấn, lắc đầu có nghĩa là đồng ý, chỉ vì ngộ nhận tai hại ấy mà tôi mất gần một giờ đồng hồ cho việc đi tìm nhà trọ ở New Delhi, bởi khi hỏi giá xong, mình đồng ý thì thấy chủ lắc đầu. Tưởng họ không chịu đành đi tìm nhà trọ khác.

Mua đồ, đổi tiền, đi xe… thứ gì liên quan đến tiền bạc thì nên trả giá, chắc ăn nhất là ghi hẳn số ra giấy để tránh nhầm lẫn. Bởi nhiều trường hợp ra giá tiếng Anh, ví dụ 13 sau tính tiền thành 30 (thirteen thành thirty), mua đồ còn trả lại được chứ ăn uống thì khó cãi lắm.

 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo