Đến Yogyakarta, miền đất duy nhất trên đất nước Indonesia còn được quản lý bởi một vị vua – tiểu vương Hadiningrat. Ở đây có ngôi đền Phật giáo Mendut nhỏ nhưng lạ và đẹp được xây dựng từ hơn mười thế kỷ trước.
Giao thoa tôn giáo trong kiến trúc
Đền Mendut có niên đại xây dựng từ năm 824 Công nguyên trước cả Borobudur lừng danh.
Nằm ở miền Trung đảo lớn Java, Yogyakarta (còn gọi là Yogya, Yogja) và vùng lân cận trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử. Chừng 40km từ Yogja, vùng Borobudur nằm dưới sự cai quản của vương triều Phật giáo Sailendra từ năm 750 – 850 Công nguyên. Nhưng chỉ nhích lên hướng đông bắc chừng 17km, đất đai lại nằm dưới vương triều Hindu giáo Sanjaya. Rồi đến cuối thế kỷ 9, cuộc hôn phối hoàng tộc giữa hai vương triều này đã thống nhất hai miền đất, để lại cho thế giới những công trình kiến trúc lạ, giao thoa giữa hai tôn giáo. Trong đó có hai di sản văn hoá được Unesco lưu danh. Trên quốc gia Hồi giáo Indonesia, nơi đây lại có Prambanan, cụm đền Hindu lớn nhất nước. Không xa lắm là Borobudur, ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới.
Không những vậy, Yogya còn lôi cuốn du khách bởi kraton – hoàng cung rực rỡ của vị tiểu vương đang trị vì, cũng là tỉnh trưởng. Rồi đến lâu đài nước xưa bí ẩn, khu chợ thủ công mỹ nghệ Malioboro sầm uất, ngọn núi lửa Merapi thỉnh thoảng phì phò… làm du khách mê đắm nên thường bỏ qua những di tích nhỏ, những ngôi đền nhỏ.
Trên đường chạy xe máy đến Borobudur, lúc đầu tôi cũng định đi luôn, không dừng lại ở ngôi đền đá nhỏ đã không còn mái Mendut. Chợt thấy lơ thơ vài góc phù điêu nhỏ còn sót lại sao có những đường nét quá sắc sảo, tôi dừng xe bên hàng rào, từng bước chậm lên viếng đền.
Thì ra ngôi đền Mendut này còn được xây dựng trước cả Borobudur lừng danh. Di chỉ có niên đại năm 824 Công nguyên tìm được gần đó cho biết ngôi đền này đã được xây dựng bởi vua Indra của vương triều Sailendra. Đến viếng ngôi đền, bạn sẽ ngạc nhiên ngay khi đặt chân lên những bậc thang đá hơn ngàn năm tuổi. Vì điêu khắc chạm trổ của phần tường ôm quanh những bậc thang đá này còn nguyên vẹn và sắc sảo nhất trong các phù điêu quanh đền. Kể về những câu chuyện, cuộc đời đức Phật, của các vị Bồ tát, xen kẽ với những hình ảnh cuộc sống đời thường xưa kia… Các tác phẩm sinh động này cuốn bạn đi vòng theo mặt ngoài của đền đến giáp vòng mà có thể bạn vẫn chưa hay. Nhìn những phần tường được con người hiện đại trùng tu lại chỉ bằng đá trơn, bên những phần đá cổ còn sót lại thật tinh xảo mới nể phục tài nghệ của người xưa.
Tranh điêu khắc tinh xảo bên mặt tường cầu thang đá đi lên đền Mendut.
Ý tưởng thâm sâu gửi trong đá
Tỉ mẩn chụp những khung hình hết lớn đến nhỏ. Thơ thẩn ngắm các em bé đang chơi đánh đu bằng rễ của cây đa cổ thụ chắc đã mấy trăm năm tuổi, tôi nghĩ, bên trong các ngôi đền cổ thường trống. Nhưng khi vào bên trong ngôi đền Mendut lại có đến ba pho tượng Phật và Bồ tát. Nhưng ngạc nhiên hơn, những pho tượng đá này cao đến 3m, chạm trổ sinh động, có những tư thế lạ lùng tôi chưa từng thấy ở ngôi chùa Phật giáo nào từng thăm viếng. Khác với tư thế ngồi hoa sen hay gặp, pho tượng đức Phật Đại Nhật Như Lai trong đền Mendut lại ngồi thõng hai chân xuống rất thoải mái. Bên trái, tượng Quán Thế Âm Bồ tát cũng thả chân phải xuống, bên phải vị Kim Cương Thủ lại thả lỏng chân trái. Lạ thật, tôi lơ ngơ kiếm chú từ gác đền để hỏi han thì chú dẫn tôi đến tấm bảng giới thiệu về Mendut. Theo đó, mục đích xây ngôi đền này là để cho khách hành hương dừng chân trước tiên trên đường đến cúng dường, thăm viếng Borobudur, là để giải thoát các “nghiệp” của con người. Các tư thế thoải mái của các vị Phật, Bồ tát này như ý niệm giúp khách hành hương giải thoát được nghiệp của ý (karma of thought), miệng (karma of speech), và thân (karma of body). Để con người sẽ quay về với Phật tính, Bản tâm, Chân như, không còn phụ thuộc vào danh lợi, thụ hưởng, tưởng tượng…
Chia tay Mendut, nhiều ngày sau tôi vẫn bần thần khi nghĩ về ngôi đền, về những pho tượng lạ, về ý tưởng thâm sâu người xưa đã gửi gắm vào trong đá. Cuộc sống ngày càng nhiều ham muốn, lắm thử thách, đầy dẫy cạm bẫy danh lợi và dục vọng…, tôi thầm mong ước ý tưởng của Mendut được dựng ngay trong lòng mình!
Trần Hoàng Bảo
Hiện có các chuyến bay giá rẻ đến thủ đô Jakarta của Indonesia. Từ đó có thể bay tiếp, cũng hàng không giá rẻ, hay đi tàu xe đến Yogya, mất 9 – 12 giờ, vé khoảng trên dưới 250.000 đồng (trừ tàu nhanh giá gấp đôi, đi mất bảy giờ). Từ Yogya có thể đi buýt, xe gắn máy hay mua tour đi Borobudur và yêu cầu dừng lại ở Mendut. Giá dịch vụ ở Yogya rẻ, phục vụ tốt. Các phòng đơn giản ở nhà nghỉ bình dân chỉ từ 50.000 – 60.000 đồng. Đường Malioboro, gần khu balô, buổi tối là “cửa hàng ăn uống dài nhất thế giới”, có nhiều món dân dã, giá rẻ dễ chọn. |
- Penang, "thiên đường" không cần mây trắng
- Làng cổ Colmar miền Alsace ở Malaysia
- Về Cần Thơ thăm nhà cổ Bình Thủy
- Thiên đường nhỏ trên đảo Lembongan
- Lộng lẫy bờ tây sông Hàn
- Vào lòng hồ núi lửa lớn nhất thế giới - Toba (Indonesia)
- Làng tơ lụa sống lại ở Hội An
- Đi xuyên lịch sử qua thành Bethlehem
- Khu Làng Nhật tại Malaysia: Bukit Tinggi resort
- Ngôi nhà thờ họ Lê Công ở Châu Đốc