Đó là ngôi làng Nhật đầu tiên nằm ngoài xứ sở Phù Tang, với những ngôi nhà mái thấp, trà thất bên vách đá rêu phong, nhà ở, spa thư giãn… tất cả nằm len giữa cây rừng, cỏ hoa xanh mướt trên một ngọn đồi cao ở Bukit Tinggi, bang Pahang chỉ cách Kuala Lumpur chưa đầy một giờ xe chạy. Ngôi làng Nhật ấy được dựng lên phục vụ đối tượng khách du lịch khó tính, thành đạt, và có “chỉ số hưởng thụ” cao.
Ngôi nhà nghỉ chân ở làng Nhật tại Malaysia.
Phong cách Phù Tang
Nằm trong khu quần thể Bukit Tinggi resort ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, đường lên ngôi làng Nhật thật hiểm trở, nằm ngoài hình dung của tôi về một khu nghỉ dưỡng sang trọng. Lối đi là một lối mòn, len lỏi giữa những tán cổ thụ cao ngất, mặt đất phủ đầy rêu phong, cứ như đang lạc bước trong một khu rừng nhiệt đới chứ không phải đến một khu resort được giới thiệu là mang đậm phong cách Nhật Bản.
Chiếc cổng gỗ án ngữ với mái tranh đơn sơ như đánh dấu một vùng lãnh thổ riêng biệt, bước qua chiếc cổng ấy, người dẫn đường giới thiệu cho tôi biết đã vào ngôi làng Nhật. Đường làng vắng ngắt, không một bóng người, chỉ có tiếng côn trùng, tiếng nước róc rách, thi thoảng vài tiếng chim hót véo von trên tầng cây cao. Lối đi trải đầy đá cuội dẫn lối dần lên đồi, chỉ có lối đi mang một màu đá trắng, còn lại trong cả khu rừng – màu xanh phủ kín khắp chốn, chỉ mới bước trong khu làng Nhật vài bước chân mà cảm giác như bao nhộn nhịp, xô bồ của nhịp sống thành thị bị rũ lại, nhường chỗ cho nhịp thiền đang lan toả theo từng bước chân.
Nét Phù Tang đầu tiên tôi nhận ra là từ những cây đèn đá bố trí dọc theo lối đi ở làng Nhật, xen lẫn trong cỏ rêu, dẫn đến ngôi nhà nghỉ chân nhỏ nằm chơi vơi bên hồ nơi những chú cá chép Nhật tung tăng đem lại một hình ảnh đẹp đến lạ kỳ, ngỡ như đang lạc bước vào miền tiên cảnh. Ngồi trong ngôi nhà hướng tầm mắt ra khoảng rừng tưởng chừng như bất tận phía trước, có cảm giác từng phiến đá, từng gốc cây, từng lối đi đều được sắp đặt, bố trí một cách có chủ đích, nhưng trông rất tự nhiên, chỉn chu khéo léo đem lại cảm giác như không có sự can thiệp của bàn tay con người.
Kỳ thực, khu làng Nhật này được vị kiến trúc sư tài ba người Nhật là Kaio Ariizumi cùng với đội ngũ 22 nhân viên chung tay thực hiện, tất cả các chi tiết ở làng Nhật dù là nhỏ nhất như cục đá nằm ven đường, mảng rêu xanh nhỏ bám trên đá cũng đều được chăm chút, bố cục theo một chủ đích nhất định, rất nhiều cỏ hoa, rêu lá ở khu làng Nhật được lấy từ Nhật Bản, đem lại một tổng thể không gian sống hài hoà, mang phong cách Nhật không thể nhầm lẫn.
Cổng chào của làng Nhật.
Hưởng thụ kiểu Nhật
Không gian sống của làng Nhật không chỉ dừng lại ở phong cách kiến trúc, cách trang trí, bố cục của các ngôi nhà, mà nơi đây còn là không gian để trải nghiệm và hưởng thụ nét văn hoá đặc sắc kiểu Nhật, điển hình là thú uống trà tao nhã mà người Nhật đã nâng lên thành đạo. Dù chưa từng một lần ngồi trong trà thất để thưởng thức một nghi thức trà đạo Nhật Bản hoàn chỉnh trên đất Nhật, nhưng khi ngồi bên hiên trà ở ngôi làng Nhật này, nhìn ra cả khoảng trời thiên nhiên trước mặt, tôi có cảm giác như mình đang sống trên đất Phù Tang thực sự. Chỉ khi tiếng bước chân của trà nhân trong trang phục kimono truyền thống dội xuống sàn gỗ rõ dần, tôi mới rũ bỏ được suy nghĩ ấy, và chuyển mình vào một nghi lễ uống trà đầy trang trọng theo kiểu Nhật trên đất nước Malaysia.
Đi bất kỳ nơi đâu trong khu làng Nhật, cái cảm giác được sống với thiên nhiên, hoà mình cùng thiên nhiên đều nắm giữ yếu tố chủ đạo. Ngay cả không gian sống trong căn phòng, chỉ qua một rèm thưa, một vách kính, là đã hoà mình ngay với khoảng rừng xanh quanh nhà. Với yếu tố lấy thiên nhiên phục vụ nhu cầu con người, lấy nhiên nhiên làm cảm hứng cho sinh hoạt cuộc sống, một nhà tắm giản dị, mở toang với rừng cây, chỉ che khuất bởi vài tấm rèm ngăn cách, đem lại sự kín đáo nhưng không làm hạn chế sự hoà mình với thiên nhiên.
Không gian Tatami spa.
Nội thất phòng Ume Tatami suite.
Không gian làm đẹp, spa thư giãn ở khu làng Nhật cũng được chú trọng tối đa, vẫn lấy thiên nhiên làm yếu tố chủ đạo, đi cùng là những không gian sống đơn giản, nội thất gồm các chất liệu làm từ cói, giấy, gỗ, đá, được kết hợp hài hoà, đem lại một tổng thể giản dị nhưng tinh tế, đẹp hoàn hảo trước thiên nhiên. Cuộc sống trong ngôi làng Nhật này như chậm lại, mọi phiền muộn lo toan nhường chỗ cho sự hưởng thụ nhẹ nhàng trải lòng với thiên nhiên. Phong cách chọn một kỳ nghỉ kiểu như ở làng Nhật dẫu chưa phổ biến nhiều, với giá cả không hề rẻ cộng những đặc thù rất riêng nên khá kén chọn đối tượng phục vụ. Dẫu sao, làng Nhật ở Malaysia cũng góp thêm cho loại hình du lịch theo sở thích và phong cách riêng một điểm đến hấp dẫn cho riêng bản thân hoặc với gia đình trong những ngày nghỉ đầy thú vị.
Thiên Ý
- Lộng lẫy bờ tây sông Hàn
- Tịnh tâm trước ngôi đền đá cổ Mendut
- Vào lòng hồ núi lửa lớn nhất thế giới - Toba (Indonesia)
- Làng tơ lụa sống lại ở Hội An
- Đi xuyên lịch sử qua thành Bethlehem
- Ngôi nhà thờ họ Lê Công ở Châu Đốc
- Nhà cổ ông Cả Bá ở Thốt Nốt
- Con đường di sản ở Penang (Malaysia)
- Thung lũng Tình Yêu
- Chiếc "vương miện" giữa thành Warsaw