Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Điểm đến Vào lòng hồ núi lửa lớn nhất thế giới - Toba (Indonesia)

Vào lòng hồ núi lửa lớn nhất thế giới - Toba (Indonesia)

Viết email In

Đang chạy trên đường trưa chát nắng và rồi mừng thầm khi thấy trong nắng loá xa kia một đoàn những chiếc thuyền cong vút. Đến nơi, tôi sững người, té ra là những ngôi nhà của người Toba, xây mô phỏng theo những chiến thuyền họ yêu thích.

Tôi tìm đến làng du lịch Tuk Tuk, trên đảo Samosir giữa hồ Toba (Indonesia). Hồ đẹp thật, còn hơn tôi mường tượng, xanh biếc, trong veo; ven hồ lũ súng đang rộ, phô phang sắc đỏ tím rực rỡ. Những khu vườn ven Tuk Tuk quanh hồ xanh ngát… làm du khách chỉ muốn buông mình ngơi nghỉ. Nhưng khi thuê xe máy vọt ra đường, tôi gặp ngay một Toba khác, vừa lạ, vừa quyến rũ.


Một xóm nhà đặc trưng như những chiến thuyền của người Toba bên ruộng bậc thang.

Làm du lịch… dễ như ở Toba

Nằm giữa hồ núi lửa lớn nhất thế giới – Toba, đảo Samosir là nơi cư trú của người Batak từ bao đời. Họ nổi tiếng tài hoa về âm nhạc và là nghệ nhân trong nhiều lãnh vực khác, người Toba còn lôi cuốn du khách tò mò vì cuộc sống và tôn giáo huyền bí ngày xưa của họ. Chỉ cách Tuk Tuk 5km, tôi đã “lạc” vào Amarita, ngôi làng nhỏ được rất nhiều du khách ghé thăm, vì những chiếc ghế đá lạ lùng, cũng là nơi xử án của những vị tù trưởng ngày trước. Ngôi nhà của các vị giờ là bảo tàng nhỏ. Cũng không gì nhiều ngoài những vật dụng bằng tre, gỗ đơn sơ trưng bày trong các căn nhà sàn na ná đồng bào Tây Nguyên mình. Dưới gốc cổ thụ xanh um cuối vườn, nơi các bạn trẻ đang lắng nghe anh hướng dẫn viên của làng giới thiệu về những chiếc ghế đá Amarita. Những chiếc ghế đá, và cả phiến đá gần đó đã hơn 300 năm tuổi, mòn vẹt và lỗ chỗ. Chuyện kể, cũng như tập tục ăn thịt người ngày trước của người làng này, những ghế đá là nơi vị tù trưởng và các bô lão trong làng bàn luận để xử tội các phạm nhân. Nếu kết luận đúng tội, đúng người, tội nặng… phạm nhân sẽ được đưa ra tảng đá chém đầu. Và các đầu bếp sẽ thực hiện các phần việc kế tiếp! Tập tục này đã huỷ bỏ từ lâu nhưng khi anh hướng dẫn viên kêu du khách đến kê đầu lên phiến đá hành quyết để thị phạm, các bạn trẻ la oai oái, đùn đẩy nhau… nhưng thích thú. Cuối cùng ai cũng kê đầu lên đó, chụp bao nhiêu là hình để…trộ!

Đi thêm mươi cây số đến ngôi làng Simanindo của vị tù trưởng có đến 14 vợ, Simalugun. Ngôi nhà to bằng gỗ rất đẹp của vị tù trưởng, giờ là bảo tàng, có treo đến mười chiếc sừng trâu bệ vệ, biểu trưng của mười thế hệ liên tiếp trị vì của dòng họ. Rồi cứ lần đi đến Tomok, ngôi làng cuốn hút du khách bởi những pho tượng đá trên các lăng tẩm, nhà mồ thật sinh động, ngộ nghĩnh. Bật cười khi thấy trên ngôi mộ đá của vị tù trưởng Ompu Ni Ujung Barita, pho tượng đá tạc người phụ nữ đội một cái chén. Truyền thuyết kể rằng, người phụ nữ Batak trong thời gian hứa hôn phải đội cái chén trên đầu. Nhưng nàng Anting Malela, đã hứa hôn với vị tù trưởng kiêu hùng này mà không chịu đội chén. Thế là ông dùng pháp thuật làm nàng bị điên. Trước lúc mất, ông còn yêu cầu tạc tượng nàng quỳ trên mộ ông, để trừng trị và nhắc nhở cho người sau. Chẳng biết bao nhiêu phần trăm là thật, nhưng nhìn các bạn Tây mắt tròn mắt dẹt nghe kể, chụp hình tí toách… mới thấy người Toba làm du lịch nó “dễ” làm sao!

  • Ảnh bên: Ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo của người Batak cũng theo môtíp chiến thuyền.

Đoàn thuyền trên… đường nhựa

Đi về hướng suối nước nóng mata air panas của đảo dưới nắng gắt, tôi mong xuống ngơi nghỉ một chút. Chợt thấy xa xa trong nắng loá những chiếc thuyền cong, tôi mừng. Tới gần hơn, hơi là lạ vì chẳng thấy hồ, chỉ là những vườn xanh cây lá. Cắc cớ tự hỏi “ai lôi đoàn thuyền này lên đường nhựa” thì xe vừa đến nơi. Mới hay đây là những mái nhà sàn hình con thuyền của người Batak Toba.

Đã ở Sumatra vài tuần trước khi đến Toba. Cũng ghé những ngôi làng Batak miệt khác, chỉ thấy những ngôi nhà bình thường nên tôi ngạc nhiên. Có lẽ quá yêu hồ nước mênh mông, yêu cuộc sống trên đó mà người Toba đưa những con thuyền đó… lên bờ. Sau này về hỏi bạn ngành kiến trúc, được biết những căn nhà mái dốc như vậy rất lâu hư vì nước thoát nhanh, nhất là ở miền nhiệt đới mưa nhiều như xứ vạn đảo Nam Dương. Như vậy người Batak ở Toba chứng tỏ thêm tài nghệ của họ trong việc xây dựng, cùng sự mô phỏng chiếc thuyền của dân chài. Đẹp hơn nữa, khi vừa qua đoàn thuyền trên bờ đó tôi lại gặp một “đại chiến thuyền” sừng sững giữa trời xanh.

Sân bay gần Toba nhất là Medan, nằm trên đường bay các hãng hàng không giá rẻ. Hoặc đến Penang, Malaysia rồi đi phà (mất 6 – 8 giờ) sang Medan, thuộc Sumatra của Indonesia. Từ đó đi xe đến làng Parapat (3 – 4 giờ), đi phà sang đảo Samosir, làng Tuk Tuk hoặc các làng khác. Giá dịch vụ rẻ, phục vụ nhiệt tình, chu đáo. Các nhà nghỉ sinh thái ven hồ chỉ từ 50.000 đồng/phòng đơn. Ăn uống từ 30.000 đồng/phần. Thuê xe máy từ 150.000 đồng/ngày trở lên.

Đi cũng được vài nước, kể cả quốc gia châu Á có tôn giáo chính là Thiên Chúa giáo – Phi Luật Tân, tôi thấy các ngôi nhà thờ đều dễ nhận ra với tháp chuông và thánh giá cao ngút. Nhưng ở đây, rất khó nhận ra chiếc thuyền to lớn thanh thoát đó lại là một ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo. Không những vậy, ngoài tượng Chúa và các vị thánh, người Batak còn đưa những hình ảnh quen thuộc với đời sống như các chú trâu, bò cho đến các yếu tố tín ngưỡng bản địa – các vị thần da ngăm… Điều chưa thấy ở bất kỳ ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo nào. Ngẫm lại, tôi cho rằng, người Batak biết kết hợp tôn giáo với đời sống văn hoá dân gian, tín ngưỡng lâu đời của dân bản địa.

Đến được suối nước nóng, thư giãn trong làn nước ấm, tôi ngâm nga nhớ quê nhà, nhớ bản tin đọc vội trên mạng mấy bữa trước về ngôi làng cổ danh tiếng quê mình đang bị bêtông hoá, những mái nhà rông Tây Nguyên giờ thay mái tôn lấp lánh... Thấy “ganh tỵ” với những người dân Toba sao làm du lịch quá dễ. Và cảm thấy lạnh trong lòng!

Trần Hoàng Bão

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo