Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Điểm đến Penang, "thiên đường" không cần mây trắng

Penang, "thiên đường" không cần mây trắng

Viết email In

Đến thăm “Thiên đường nhiệt đới” để hiểu đôi chút vì sao nơi đây lại trở thành “thiên đường” một cách chóng vánh như vậy. 

Tiễn chân chúng tôi ra sân bay quốc tế Penang, nằm cách trung tâm thành phố Penang khoảng 16 km về phía Nam, Rebecca Lim, nhân viên hành chính, kiêm kế toán cấp cao của Hãng hàng không Silk Air (thuộc Hãng Hàng không Quốc gia Singapore, Singapore Airlines, hiện Silk Air là hãng có số chuyến bay nhiều nhất đến Penang, 16 chuyến/tuần) tại Penang, hỏi nhỏ: “Khi nào bạn sẽ trở lại đây?”.  

Chắc chắn mỗi người trong chúng tôi đều muốn quay lại vì 4 ngày, khoảng thời gian chưa đủ dài để người ta lưu lại trọn vẹn những ký ức về một nơi nào đó; chưa đủ lớn để “cảm” hết từng ngóc ngách, từng lát cắt văn hóa nhưng lại vừa đủ để ta cảm cái tình giữa người và người. 


Khách sạn Golden Sand Resorts 

Chúng tôi đáp chuyến bay từ Changi (Singapore) đến Penang gần 23 giờ đêm, đó là những ngày cuối tuần, lẽ ra, Rebecca đã có thể nghỉ ngơi và không nhất thiết phải “chăm sóc” cho đoàn. Nhưng đến nơi, chúng tôi chỉ làm mỗi nhiệm vụ lên phòng và tận hưởng cảm giác thoải mái về đêm tại một trong những khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Penang, Golden Sands Resort của Tập đoàn Shangri-La (Singapore), vì đơn giản là Rebecca đã hoàn tất các thủ tục cần thiết trước khi chúng tôi đến nơi. 

Cũng như bao người dân ở Penang, Rebecca không quá vồn vã, không thường xuyên đi cùng chúng tôi nhưng thi thoảng bạn sẽ thấy giật mình vì cô ấy đang đứng cạnh bạn, từ khu vườn nhiệt đới Tropical Spice Garden (nơi bạn có thể “ngửi” được những gia vị thường nhật trong văn hóa ẩm thực của người Mã Lai, nào là hồi, cà ri, quế...), thị trấn George Town (với những nét cổ xưa như phố cổ Hội An của Việt Nam và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới), cho đến bữa tiệc tối chia tay đoàn tại khách sạn lâu đời nhất Penang, Heritage Hotel (xây dựng năm 1926) với món khai vị... sầu riêng! 

  • Ảnh bên: George Town

Trước đó 2 ngày, khi đi thăm vườn trái cây nhiệt đới, một vài người trong đoàn đã nói với nhau “không biết sầu riêng ở đây mùi vị thế nào nhỉ?”. 

Rebecca luôn xuất hiện đúng lúc và cố gắng mang đến điều tốt nhất mà chúng tôi cần. Đó cũng là cung cách mà bạn có thể cảm nhận được khi ngồi trên tất cả các chuyến bay của Singapore Airlines, nơi Rebecca đang gắn bó. 

Dù đang ngồi ghế ở hạng thương gia hay phổ thông, bạn luôn được đối xử như một “thượng đế”, không phải e dè, lo ngại hỏi quá nhiều sẽ có ngày bị... cấm bay! Đấy mới thấy được rằng, một thương hiệu, dù lớn hay nhỏ, dù thuộc quyền sở hữu của ai đi chăng nữa đều sẽ được định vị ở cấp độ cao nhất, nếu những người điều hành có tâm, tầm và dám chấp nhận thay đổi. 

Trong những lần trò chuyện, tôi biết rằng Rebecca hay bất kỳ đồng nghiệp nào của cô, dù đã thạo việc nhưng mỗi năm, ai cũng phải trải qua ít nhất hai kỳ huấn luyện nâng cao nghiệp vụ “chăm sóc khách hàng” tại tổng hành dinh của hãng ở Singapore. 

Quả thực, cái được xem là giá trị không phải là cái sẵn có mà là con người. Cũng giống như Penang, vùng đất chỉ đơn thuần là một hòn đảo nhưng mỗi năm, họ đón hơn 6 triệu lượt khách du lịch. Tại sao họ làm được điều đó? 

  • Ảnh bên: Khách sạn lâu đời nhất tại Penang 

Du khách đến Penang không chỉ giới hạn từ các quốc gia trong khu vực, những năm gần đây, Penang đón khá nhiều khách trong khối EU, Mỹ và Úc. 

Họ đến đây không chỉ để nghỉ dưỡng, thăm quan thắng cảnh, di tích mà còn có thể chữa bệnh và cũng không thiếu chỗ để thỏa mãn “cơn ghiền” mua sắm. 

Hòn đảo chỉ vỏn vẹn hơn 285 km2, với 4 triệu dân nhưng không ít những tên tuổi nổi tiếng đã bén rễ làm ăn, kinh doanh; từ các chuỗi đồ uống, cửa hàng thức ăn nhanh, như: McDonald’s, Subway, Pizza Hutt, Berger King, Starbucks... cho đến các nhà phát triển bất động sản hàng đầu khu vực. 

Nếu như CapitaLand, tập đoàn bất động sản hàng đầu Singapore vốn nổi tiếng ở Việt Nam qua các dự án căn hộ cao cấp, thì tại Penang, họ đã có cả một khu phức hợp - trung tâm thương mại sầm uất CapitalMalls tại khu vực trung tâm. 

Đêm về. Những ánh đèn chi chít hắt ra từ các khối nhà cao tầng và bảng hiệu của các tập đoàn đa quốc gia cũng đủ để nói lên mức độ phát triển của hòn đảo.
Penang được báo chí ví như “Silicon Valley” của Đông Nam Á với hơn 300 công ty lớn - nhỏ, trong và ngoài nước đang tham gia đầu tư những “ông lớn” như Intel, Renesas, Dell, Motorola, Bose... đều đã có mặt và triển khai xây dựng nhà máy. 

Redza, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm kể một cách tự hào về điều đó. Redza còn chia sẻ, cùng với người Hoa, Ấn Độ và Mã Lai, người Việt ở đây cũng khá nhiều, chủ yếu là làm việc trong các nhà máy, đặc biệt là tại Intel. 

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng hơn 500.000 lao động Việt Nam làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 30 nhóm ngành nghề. Riêng ở Malaysia, số lao động Việt Nam lên tới 115.000 người.

Tuy nhiên, nghe nói rằng số lao động làm thuê tại tư gia ngày càng nhiều, kéo theo đó là nhiều rắc rối về mặt luật pháp với nước sở tại...

Trong khối ASEAN, Malaysia là quốc gia đạt nhiều thành công trong lĩnh vực du lịch. 5 tháng đầu năm, Malaysia thu hút gần 9,5 triệu lượt khách quốc tế, trong đó 73% lượng khách đến từ các nước ASEAN, mang lại doanh thu 21.8 tỷ ringgit (khoảng hơn 4 tỷ USD).

Dù là một hòn đảo nhưng đời sống của người dân tại đây chủ yếu nương vào công nghiệp, du lịch và dịch vụ.

Theo trí nhớ của Redza, Penang hiện có khoảng 1.000 cao ốc lớn nhỏ đi cùng với sự phát triển kinh tế trên đảo.

Redza nói: “Bất động sản ở đây ngày càng đắt đỏ, nhiều nhà đầu tư thứ cấp đến từ Hồng Kông, Singapore đã kiếm được không ít từ việc đầu tư căn hộ ở Penang”.

Trên đường chở tôi đến khu George Town, một tài xế taxi luống tuổi hỏi tôi định mua căn hộ ở Penang à? Đắt lắm đấy, giá một căn hộ cao cấp cũng đã 4 triệu RM!

Theo ghi nhận của tôi, chỉ riêng con đường nằm dọc bãi biển Batu Ferringhi (tương tự như đường dọc bãi biển Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thiết) cũng đã có hơn 20 dự án khu nghỉ dưỡng và căn hộ (condo) đi vào hoạt động và đang rao bán. 

Trong đó có những cái tên khá quen thuộc với thị trường Việt Nam như SP Setia Bhd Group (đang đầu tư khá nhiều dự án Khu đô thị tại Việt Nam, như: Eco-Park, Eco-Lake, Eco-Xuân), DTZ (nhà phân phối và tiếp thị dự án)... 

Tuy nhiên, điều quan trọng là hầu hết các dự án tại đây đều được quy hoạch và phát triển khá đồng bộ, không vướng phải tình trạng “phân lô, bán nền” hay “xí phần để đó”. Bởi mới nói cùng là thợ làm bánh, nhưng tại sao lại có người làm ngon, kẻ làm mãi chẳng xong. 

Đến Penang một lần và thử để ý, tại các điểm du lịch ở đảo nhỏ này, bạn sẽ thấy đâu đâu cũng có tài liệu quảng bá, bất kỳ điều gì có thể khiến thế giới biết đến Penang, đến đất nước Malaysia, người dân ở đây đều “thuộc nằm lòng”. 

Ngay như thời điểm chúng tôi đến Penang, ai cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho tay vợt chủ nhà Lee Chong Wei, khi anh này giành vé đấu trận tranh huy chương vàng Olympic London 2012. 

Ngoài ra, bạn cũng không quá khó để bắt gặp một số nhân vật đang làm trong chính quyền Penang hướng dẫn tận tình cho du khách khi họ ghé thăm các di tích nổi tiếng. Bạn có thể liên hệ với cỡ “giám đốc sở” bất cứ lúc nào và vị này luôn sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào để làm hài lòng bạn... 

Câu chuyện này lại nhắc nhớ đến trường hợp Ngôi nhà Việt Nam ở Singapore đặt ở con đường Orchard nhiều năm trước theo mô hình Ngôi nhà Singapore ở Việt Nam. Trong khi ngôi nhà của Singapore tại Việt Nam thu hút nhiều khách làm ăn, mang lại hiệu quả cho kinh tế đảo quốc, thì ngôi nhà của Việt Nam giữa trung tâm thương mại của Singapore lại vắng vẻ. 

Thế mới thấy, mô hình giống nhau, cách làm giống nhau nhưng con người thực hiện khác nhau thì sẽ đưa ra những kết quả không giống nhau... 

Hàn Nguyên 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo