Bethlehem chỉ cách Jerusalem sầm uất gần tám cây số. Nhưng sự ngăn cách khá là triệt để, những bức tường dài cao nhìn đến trật ót phân ra bên bắc thuộc Israel bên nam thuộc Palestine. Những súng ống hầm hè đôi bờ biên giới.
Thánh đường Giáng sinh ở Bethlehem được UNESCO công nhận là di sản thế giới hồi cuối tháng qua.
Cái lạnh của hơn 2.000 năm trước
Bethlehem là một xứ nghèo với không đầy 30.000 dân nằm ở trung tâm bờ tây thuộc Palestine. Thành phố này còn được gọi là thành David, quê hương ông vua tài kiêm văn võ của Israel cách đây hơn 3.000 năm. Và nơi đây còn có một biến cố lớn – sinh quán của đức Giêsu.
Di sản Thánh đường Giáng sinh, nơi được xác định có một hang đá, ở đó Đức mẹ Maria đã hạ sinh Đức Giêsu – vị sứ giả của bình an. Thánh đường của bình an cũng không toàn vẹn mà phân chia thành ba khu vực: Chính thống giáo Hy Lạp, Công giáo và Chính thống giáo Armenia. Tôi tự hỏi: chia cắt là đặc trưng vĩnh viễn của vùng đất này?
Đặt chân đến đây, người ta cảm nhận về sự bất ổn và khát vọng hoà bình. Những bất ổn kéo dài suốt lịch sử. Hoà bình chỉ còn là khát vọng đau đáu.
Trong ký ức của những người Thiên Chúa giáo, bao nhiêu hình ảnh hang Bethlehem nằm đâu đó dưới nhiều lớp tháng năm, qua bao nhiêu mùa Giáng sinh, chồng chất hiện ra và đối chiếu với hang Bethlehem nguyên bản sắp sửa diện kiến.
Thánh đường Giáng sinh ở Bethlehem được UNESCO công nhận là di sản thế giới hồi cuối tháng qua. Bethlehem có một bề dày ngồn ngộn biến cố suốt mấy ngàn năm... |
Từ Thánh đường Giáng sinh, chúng tôi được hướng dẫn xuống một hang nằm sâu bên dưới, qua một “cổng Khiêm Cung” cao 1m và rộng 0,8m. Ai qua cũng phải khiêm cung cúi đầu. Đấy là chuyện bây giờ. Còn ngày xưa cửa được làm hẹp lại chỉ nhằm giúp cho thập tự quân hạn chế sức tàn phá di tích thánh của quân Hồi giáo.
Trời không lạnh, nhưng tự nhiên thấy lạnh, lạnh như cái đêm Giáng sinh cách đây hơn 2.000 năm – cái đêm chín mùi của khát vọng hoà bình. Mỗi khách hành hương lần lượt quì hôn tảng đá có một ngôi sao bằng bạc ghi dấu nơi máng cỏ Đức Giêsu đã được đặt nằm trong ấy khi sinh ra.
Nhưng ngày sinh ra của ngài cũng “bị chia cắt” giữa ba tôn giáo. Công giáo và Tin Lành – 25/12, Chính thống giáo Hy Lạp, Coptic và Syria – 6/1 và Chính thống giáo Armenia – 19/1.
Kề bên hang Bêlem là nhà thờ Thánh Catherine, nơi cử hành các nghi thức mục vụ của Công giáo.
Ở nhà thờ Thánh Catherine xứ Bethlehem vào một ngày trước đêm canh thức Giáng Sinh.
Hang của tình mẫu tử
Gần đó, là một di tích khác – Hang Sữa. Vào hang người ta không khỏi nhớ lại cái đêm truy lùng sát hại trẻ sơ sinh kinh hoàng theo lệnh vua Herode sau khi Đức Giêsu sinh ra.
Tương truyền trước khi kịp trốn sang Ai Cập tị nạn, Thánh Giuse và Đức Maria đã đem Giêsu trốn vào đây, nơi người mẹ cho con bú và vài giọt sữa rơi ra, nên hang mới có tên là Hang Sữa – biểu tượng thấm đẫm tình mẫu tử. Bên cạnh hang là một hang khác – ở đó Thánh Jerome đã bỏ ra 30 năm để dịch Kinh thánh từ tiếng Do Thái (Hêbrơ) sang tiếng Latinh.
Trong chuỗi đi thăm các di tích này, du khách không thể bỏ qua Cánh Đồng Chiên. Ngày xưa, ở xứ Palestine, có những toán du mục quanh năm sống với đàn chiên của mình. Sống giữa vùng sa mạc về đêm lạnh, họ thường lấy bộng đá, hang động làm nơi trú ẩn.
Thánh Kinh kể lại, chính những người cùng khổ hạ tiện, sống vô gia cư này được các thiên thần báo tin về biến cố Đức Giêsu giáng sinh trước tiên. Cánh đồng chiên là nơi thường được tín đồ Tin Lành chọn làm nơi cử hành mục vụ.
Có lẽ không nơi nào tiếp thị thần thánh tốt hơn Bethlehem nói riêng và vùng đất Palestine cổ nói chung. Mua sắm vật lưu niệm là nguồn thu nhập chính của xứ này, nhất là trong mùa Giáng sinh, đông khách hành hương.
Giờ đây Thánh đường Giáng sinh trở thành di sản thế giới, giúp tô đậm thêm hình ảnh cho một Palestine bất khuất...
Khởi Thức - ảnh: Ca Dao
- Thiên đường nhỏ trên đảo Lembongan
- Lộng lẫy bờ tây sông Hàn
- Tịnh tâm trước ngôi đền đá cổ Mendut
- Vào lòng hồ núi lửa lớn nhất thế giới - Toba (Indonesia)
- Làng tơ lụa sống lại ở Hội An
- Khu Làng Nhật tại Malaysia: Bukit Tinggi resort
- Ngôi nhà thờ họ Lê Công ở Châu Đốc
- Nhà cổ ông Cả Bá ở Thốt Nốt
- Con đường di sản ở Penang (Malaysia)
- Thung lũng Tình Yêu
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này