Ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản ghi nhận có hiện tượng tăng giá ở một số điểm vùng ven Hà Nội nhưng không mang tính đại diện và kịch bản sốt đất Ba Vì năm ngoái khó lặp lại.
- Ông nhận định thế nào về chuyện nhiều nhà đầu tư đổ xô đi mua đất ở khu vực Đông Anh, Sóc Sơn trong thời gian qua?
Ông Vũ Xuân Thiện (ảnh bên): - Tôi cho rằng, có sự sốt ảo ở khu vực này. Không phải tất cả các xã trong huyện đều tăng mà chỉ một số lô đất nhất định. Do đó, hiện tượng này không thể đại diện cho tất cả các khu vực của cả huyện được. Giá cao ở một vài lô đất nào đó không thể mang tính điển hình trong việc sốt đất vì mặt bằng giá chung ở những khu vực đó chưa tăng đáng kể. Tôi cho rằng đúng là đất có tăng nhưng nói tăng gấp 10-20 lần thậm chí 50 lần như một số thông tin đã đưa thì chưa đúng.
Đơn cử như sốt đất huyện Đông Anh. Không phải là giá đất toàn huyện Đông Anh đều lên mà chỉ một số dự án lên vừa phải. Đất thổ cư, đất ruộng tăng rất nhiều nhưng chỉ xảy ra ở một số điểm nhạy cảm mà thôi.
- Theo ông như thế nào được gọi là điểm "nhạy cảm"?
- Điểm nhạy cảm là khu vực gần đường giao thông sẽ mở. Hoặc cũng có thể như thế này, giả sử, tôi là chủ đầu tư rất lớn có vài nghìn m2 nhưng có mấy trăm m2 chắn phía trước mặt. Như vậy, tôi sẵn sàng mua mấy trăm m2 đó với giá rất cao để hợp thức hóa khu đất đó và để miếng của mình vuông vắn đẹp đẽ. Vì thế tôi mới sẵn sàng mua giá cao.
- Có ý kiến cho rằng, thông tin quy hoạch không rõ ràng khiến thị trường địa ốc có những cơn sốt cục bộ, ông nghĩ sao?
- Tôi cho rằng người ta có cơ hội thì cứ đầu tư. Trong vấn đề giá đất tăng cao như thời gian qua, đúng là có tin đồn quy hoạch tác động. Nhưng đó không phải là vấn đề quyết định. Các nhà đầu tư cá nhân dự đoán và họ tự nhảy vào. Thực tế người ta đồn như thế nhưng có thanh khoản không, có mua thật và bán thật không? Có bao nhiêu trường hợp mua bán? Cá nhân tôi nghĩ rằng những giao dịch thành công chỉ bằng một phần nghìn, phần vạn thôi chứ không phổ biến.
- Ông nhận định thế nào trước lo ngại kịch bản Ba Vì sẽ lặp lại khiến nhà đầu tư vỡ mộng?
Tháng 5/2010, thông tin công bố về 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội và trục Thăng Long, bắt đầu từ đường Hoàng Quốc Việt tới chân núi Ba Vì thuộc địa phận Hà Tây cũ, khiến đất khu vực này tăng giá tới 2-3 lần. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tháng làm mưa làm gió trên thị trường, đất Ba Vì yên ắng trở lại vì thông tin di dời trung tâm hành chính quốc gia bị bác bỏ. Nhà đầu tư khôn ngoan đã lướt nhanh, người chậm chân chỉ còn biết ôm hàng ngậm ngùi. Câu chuyện sốt đất Ba Vì trở thành một bài học "nhớ đời" cho những nhà đầu tư chạy trước quy hoạch. |
- Tôi chưa thấy hiện trạng tương tự Ba Vì, bởi nhận thức người dân cũng đã khác rồi. Người ta cũng biết nhìn nhận về thị trường bất động sản qua những văn bản quy phạm pháp luật, qua các ngành. Đặc biệt là qua thông tin đại chúng, người ta cũng nhìn nhận được nhiều rồi. Người ta không để bị lừa gạt như trước kia nữa.
- Ý kiến ông thế nào về việc sau mỗi lần công khai các dự thảo quy hoạch thi xuất hiện hàng loạt"cò đất" đua nhau thổi giá làm loạn thị trường?
- Cá nhân tôi không cho là công khai quy hoạch làm thị trường rối loạn. Đã công khai minh bạch quy hoạch thì thị trường sẽ ổn định hơn. Bởi thực tế, rất nhiều thông tin về quy hoạch được đưa ra và thông báo rộng rãi thì nhiều người sẽ biết. Thị trường nhờ vậy càng minh bạch hơn.
Hoàng Lan (thực hiện)
- Chung cư cao cấp: Chủ đầu tư tự "vẽ" quy chuẩn
- Tiến sĩ Khương Quang Đồng: Bài toán năng lượng thế kỷ XXI
- Những cổng chào của thành phố
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Có lo, nhưng vẫn tin
- Xây dựng nhà ở thân thiện với môi trường: Không khó!
- Trao đổi với PGS.TS.KTS Nguyễn Minh Sơn về kiến trúc nhiệt đới
- Di dời đại học, cao đẳng ra ngoại thành: Không để đất 'vàng' thành cao ốc
- Quản lý giá đất: “Đúng là bất lực thật!”
- Vỉa hè tại TP.HCM: từ thái cực này đến thái cực khác
- “Không thể áp đặt bản sắc kiến trúc Việt”