Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Đối thoại Vỉa hè tại TP.HCM: từ thái cực này đến thái cực khác

Vỉa hè tại TP.HCM: từ thái cực này đến thái cực khác

Viết email In

Vỉa hè tại TP.HCM mang đặc trưng khó lẫn lộn với những nơi khác. Quá trình làm mới vỉa hè đã diễn ra ở nhiều nơi trong thành phố và vẫn đang được tiếp tục. Sau đây là những ý kiến của người dân, các chuyên gia và nhà quản lý.

Tham gia cuộc trao đổi gồm có bà Nguyễn Thị Hiền Lương - phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM, ông Diệp Văn Sơn - chuyên gia về cải cách hành chính nhà nước; ông Ngô Viết Nam Sơn - nhà nghiên cứu quy hoạch kiến trúc và ông Đàm Vũ Trí - người dân (và bị khuyết tật).

Ông, bà nghĩ gì về vỉa hè của nước ta, trước hết là vỉa hè gần nhà nhất của ông, bà?

Ông Diệp Văn Sơn: Vỉa hè tại TP.HCM nhìn chung không phải là chỗ cho người đi bộ mà là nơi để mưu sinh. Đó là nơi phục vụ cho “nền kinh tế mặt tiền” như bày bán hàng, chỗ để xe khách, đặt bảng quảng cáo….

Ông Đàm Vũ Trí: Ở nước ngoài lề đường không hề bị lấn chiếm và người bộ hành thoải mái đi lại mà không hề phải “lọt” xuống lòng đường. Riêng ở nước ta vì việc “buôn gánh bán bưng” nên tình trạng lấn chiếm lề đường khó tránh khỏi.

Ông Ngô Viết Nam Sơn: Vỉa hè là một bộ phận quan trọng của đời sống và bản sắc đô thị Việt Nam. Nhưng trong một thời gian dài, người ta để cho nó phát triển tự do, dẫn đến những hệ luỵ không đáng có. Nếu thiếu một tầm nhìn tổng thể, người ta có thể làm rối thêm vấn đề, không những không giải quyết được các khó khăn (ví dụ tình trạng sử dụng lộn xộn, lấn chiếm, đào đắp vô tội vạ…), mà còn có thể làm mất đi những yếu tố tốt đẹp (sinh hoạt cộng đồng, giao tiếp xã hội, kinh tế nhỏ…)

Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Vỉa hè với chức năng chính của nó là nơi để đi bộ nhưng bị thực trạng hiện nay bị lấn chiếm quá nhiều. Thành phố đã có những đợt chỉnh trang vỉa hè. Quản lý trực tiếp là công việc của các quận, huyện. Tôi mong công tác quản lý được làm tốt hơn để vỉa hè thông thoáng, thực hiện đúng chức năng.

Nhìn rộng hơn, thực trạng vỉa hè của nước ta đang như thế nào trong cảm nhận và trải nghiệm hàng ngày của ông, bà?

Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Vỉa hè phải bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh nhưng việc xây dựng của mình đã đạt được các tiêu chí an toàn khi người dân sử dụng chưa? Ví dụ để so sánh là ở Úc, vòi chữa cháy đặt âm, tủ điện đặt sát vào bên trong không ảnh hưởng lối đi người dân, cây xanh bắt buộc phải có và mảng xanh 7m2/người họ có thể đạt được vì quỹ đất còn rất lớn.

Ông Ngô Viết Nam Sơn: Dưới góc độ quy hoạch kiến trúc, tôi thấy các nhà quản lý hiện nay đang đi từ thái cực này qua thái cực kia trong việc giải quyết các vấn đề của vỉa hè, từ trạng thái buông lỏng hoàn toàn sang tình trạng cố gắng quản lý quá chặt (cấm hoàn toàn hoặc thu phí hoàn toàn) một cách không thực tế. Thật ra, nhà quản lý nên phân loại các loại đường trong đô thị rồi xác định danh sách: (1) những con đường dứt khoát không cho phép buôn bán lấn chiếm vỉa hè và phạt rất nặng những ai vi phạm; (2) những con đường cho phép sử dụng vỉa hè một cách có quy hoạch, có đóng phí sử dụng; và (3) những con đường cho phép sử dụng vỉa hè mà không cần đóng phí, có những biện pháp an toàn giao thông cho người đi bộ, xem đó như là việc hỗ trợ cho kinh tế vỉa hè và giúp xây dựng bản sắc đường phố.

Nền “kinh tế vỉa hè” giúp rất nhiều cư dân thành thị mưu sinh, nhưng mặt trái của nó thì ông, bà nghĩ gì về điều này?

Ông Ngô Viết Nam Sơn: Như quan điểm đã nói, việc hỗ trợ cho nền “kinh tế vỉa hè” giúp cư dân thành thị mưu sinh không những nên mà còn cần thiết để tạo bộ mặt sinh động của sinh hoạt xã hội. Nhưng vấn đề là không nên để nền “kinh tế vỉa hè” phát triển tràn lan mà phải quy hoạch, phát triển đúng chỗ của nó. Lúc đó nền “kinh tế vỉa hè” có tác dụng tốt, ví dụ giúp phát triển những tuyến đi bộ thu hút du khách.

Ông Diệp Văn Sơn: Mặt trái của “kinh tế vỉa hè” là mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng, bát nháo, thiếu văn minh và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ như mất an toàn giao thông, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm…

Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Cái được của các hộ lấn chiếm vỉa hè là thu nhập nhưng cái hại là xã hội phải gánh chịu những hệ quả từ việc lấn chiếm đó. Ví dụ như một người đi bộ gặp vỉa hè bị lấn chiếm phải đi xuống lòng đường và gặp tai nạn thì ai sẽ phải bồi thường cho người đó? Nếu vỉa hè thông thoáng, không bị chiếm dụng thì nhà nước sẽ đỡ một khoản tiền lớn để chỉnh trang mỹ quan đô thị.

Những tiện ích công cộng trên vỉa hè hiện nay như trạm xe buýt, thùng rác, máy ATM… được ông, bà sử dụng như thế nào và đánh giá ra sao?

Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Các tiện ích này chưa đủ sức phục vụ nhu cầu thực tế của người dân. Một phần ý thức người dân còn quá kém, ví dụ như: trụ ATM còn gặp những kẻ trộm, thùng rác có khi bị đập phá và trạm xe buýt chưa sạch sẽ do bị xả rác. Nghị định 34 ra đời để đảm bảo an toàn giao thông và cũng đã có các đoàn kiểm tra nhưng chưa thực sự làm nghiêm.

Ông Diệp Văn Sơn: Trong ấn tượng chung của tôi, nhiều trạm xe buýt hiện nay là điểm kín đáo để trở thành… nhà vệ sinh, nhiều thùng rác bỏ không trong khi rác lại được xả bên ngoài. Nói chung, có vẻ như những vấn đề này vẫn chưa được các cơ quan nhà nước quan tâm đúng mức lẫn ý thức người dân chưa cao.

Ông Ngô Viết Nam Sơn: Những tiện ích này dù chưa hoàn hảo, nhưng tôi cho là đang được phát triển đúng hướng.

Thảm xanh – điều mà thành phố đang thực hiện trên các vỉa hè, bờ tường sát vỉa hè – có làm ông, bà cảm thấy hài lòng hơn và chúng đã thực sự đủ và đẹp chưa?

Ông Diệp Văn Sơn: Tôi hài lòng khi vỉa hè có thêm thảm xanh nhưng vẫn còn ít quá, chưa tạo được hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Thảm xanh chưa nhiều và cần thực hiện nhiều hơn và đó không chỉ là chức năng của cơ quan nhà nước mà cả người dân tham gia cùng trồng cùng bảo vệ. Ngân sách còn quá ít, không phủ xanh được toàn bộ thì ý thức của người dân để mỗi căn nhà, góc phố thêm màu xanh tạo không khí trong lành hơn, thành phố được tản nhiệt tốt hơn sẽ giúp mảng xanh thành phố phát triển.

Ông Ngô Viết Nam Sơn: Hai mặt tích cực nhất của các thảm xanh dọc vỉa hè là tạo cảnh quan đẹp, lọc bớt tiếng ồn, khói bụi và giúp nước thẩm thấu qua đất mau hơn, giúp giảm ngập trong thành phố. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tình trạng một số nhà thầu làm dối, chỉ phủ một lớp đất mỏng lên nền bêtông đá cũ, thay vì phải phá bỏ lớp bêtông này để nước có thể thật sự thẩm thấu xuống nền đất bên dưới.

Ông Đàm Vũ Trí: Riêng mảng xanh thì tôi rất đắc ý vì nó đã làm cho bộ mặt lề đường tươi đẹp hơn. Tôi nghĩ thành phố nên đẩy mạnh việc xanh hoá vỉa hè.

Vỉa hè còn có lối đi cho người khuyết tật, ông bà thấy các vỉa hè tại thành phố có phần thiết kế này giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng đã đủ chưa? Nếu đủ/chưa thì tại sao? Ông,bà nghĩ cần có những thay đổi gì để chúng tốt hơn?

Ông Đàm Vũ Trí: Tôi xin có đóng góp nhỏ khi tôi từng thấy vỉa hè bên Nhật Bản. Họ vẫn có “hành lang” cho người khiếm thị (ở giữa lề đường với hàng gạch nổi để người khiếm thị rà gậy khi di chuyển), và mỗi triền lề tại các ngã tư đều được hạ thấp bằng ngang mặt đường, nhất là tại mỗi ngã tư có tín hiệu giao thông đều có nhạc hiệu để người khiếm thị nhận biết mà lưu thông qua đường. Còn ở Việt Nam tôi cũng thấy có lối dành riêng cho người khiếm thị nhưng hình như đó chỉ là “làm cho đẹp, cho có” vì lối đi không phù hợp. Ví dụ như đoạn trên đường Nguyễn Văn Trỗi đến góc đường Huỳnh Văn Bánh, lối đi của người khiếm thị bị ngắt ngang và “lủi” vào hàng rào của nhà dân. Còn lối đi trên cầu Nguyễn Văn Trỗi thì thật là “hết ý” vì lối lên xuống không có (chỉ người bình thường mới nhìn thấy mà bước lên và bước xuống).

Ông Diệp Văn Sơn: Đã có một số nơi vỉa hè có lối đi cho người khuyết tật nhưng theo tôi chúng chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tế và thiếu tính đồng bộ.

Ông Ngô Viết Nam Sơn: Tôi cho là việc thiết kế vỉa hè cho người khuyết tật (và đồng thời cũng thuận tiện cho phụ nữ với xe đẩy trẻ em) phải được xem là một trong những yêu cầu cơ bản của việc rót kinh phí xây dựng hoặc cải tạo vỉa hè tại Việt Nam từ đây về sau.

Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Sở chỉ đạo người thực hiện mảng xanh phải chú ý không xâm phạm vào lối đi người khuyết tật. Tuy nhiên, lối đi dành cho người khuyết tật còn quá ít và chưa đồng bộ. Tín hiệu đèn qua đường hiện nay chỉ dành cho người bình thường thì những người khiếm thị làm sao biết được. Các nước có hệ thống giao thông tốt mà tôi đến khảo sát đều có hệ thống tín hiệu âm thanh trong khi chúng ta chưa có.

Ông, bà gửi và tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của mình về việc quản lý vỉa hè như thế nào?

Ông Đàm Vũ Trí: Vấn đề quản lý vỉa hè thì nên giao về cho từng địa phương với trách nhiệm rõ ràng, tuỳ tình hình thực tế ở mỗi địa phương vì lề đường ở mỗi nơi mỗi khác (độ rộng) như vậy việc quản lý sẽ dễ dàng và thiết thực nhất.

Ông Diệp Văn Sơn: Theo như tôi biết, các quốc gia đều có luật để quản lý vỉa hè và chúng ta cũng thế. Có luật mà không thực hiện thì sẽ dẫn đến những bất cập. Ví dụ như làm nghiêm nghị định 34 thì sẽ có nhiều hộ, cơ sở buôn bán hay doanh nghiệp đang lấn chiếm vỉa hè sẽ bị phạt nhưng mức phạt quá cao nên nhiều nhân viên nhà nước thừa hành… không nỡ.

Ông Ngô Viết Nam Sơn: Tôi không có tâm tư nguyện vọng gì mà chỉ có vài lời khuyên cho các nhà lãnh đạo của tất cả các đô thị trên toàn quốc về hiệu quả mỹ quan và kinh tế chất liệu bề mặt vỉa hè: 1- Chỉ nên sử dụng chất liệu đắt tiền (ví dụ đá granit ốp lát) cho các con đường quan trọng, đã ổn định về mặt xây dựng hạ tầng, và không cần đào đắp trong tương lai để cải tạo mở rộng hệ thống hạ tầng. 2- Không nên dùng quá nhiều chủng loại và màu sắc gạch vỉa hè cho một đô thị, xem việc ốp lát vỉa hè như việc trang trí phòng ốc trong nhà, vì ít khi đạt hiệu quả về độ bền, và khi cần thay thế thì thường sẽ không đồng bộ về chất liệu và màu sắc . 3- Không nên hiểu sai là chỉ có vỉa hè lát mới thì mới là đẹp. Khi đô thị phát triển, vỉa hè thường được xây dựng cùng lúc với kiến trúc, và trở thành một thành phần của bao cảnh kiến trúc. Do đó, ở khu trung tâm lịch sử thì việc giữ lại và tôn tạo những vỉa hè láng ximăng theo kiểu cổ lại tương hợp hơn là miễn cưỡng thay thế nó bằng vỉa hè gạch đủ màu như nhiều nơi đang làm hiện nay. 4- Các khu vực đang còn tiếp tục xây dựng và phát triển trong tương lai gần, còn phải đào đắp vỉa hè nhiều lần để cải tạo nâng cấp hạ tầng, thì nên thiết kế sao cho sau khi đào đắp, vẫn có thể tái sử dụng vật liệu phủ bề mặt đã sử dụng trước đó (ví dụ đan bêtông bề mặt ximăng có khía), để tiết kiệm chi phí xây dựng và thời gian thi công.

Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Ngoài góc độ của tám giờ vàng ngọc làm quản lý thì mong muốn của tôi như bao người dân khác. Tôi cũng mong báo chí chuyển tải những nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của người dân, những lời khuyên sâu sắc của các chuyên gia đến cơ quan quản lý để thay đổi những vấn đề chưa tốt, và ngược lại, báo chí cũng đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền nâng cao ý thức để người dân ý thức hơn khi sử dụng, bảo vệ các tiện ích công cộng nói chung và vỉa hè nói riêng. 

Quốc Ấn (ghi)

 

Lời bình  

 
+1 # pham ngoc hoi 04/11/2011 12:25
nhât trí với ý kiến trên song tôi bổ sung thêm như sau.khi thiết kế vỉa hè nên dể các mảng cỏ xanh và bồn trồng cây che bóng trên vỉa hè.tạo cảnh quan xanh cho môi trường sinh thái rất đẹp như một số đoạn đường nam kỳ khởi nghĩa ,nguyễn văn trỗi.Tuổi thọ và thâm mỹ của đá rất cao.trong quá trình sử dụng đá ít bị hoen ố hoặc bị phá vỡ kết cấu tự nhiên. khi lắp đặt hoặc tháo dỡ rễ ràng và khả năng tái sử dụng cao. .nhưng giá thành của đá cao hơn bê tông.Trên thị trường hiện nay thì đá màu xám giá cao hơn dá màu trắng sáng.về cảm quang và thẩm mỹ thì đá trắng phù hợp vói vỉa hè hơn đá xám . Vì khi lát nên vỉa hè màu trắng có màu phân biệt rõ ràng vói màu nền đường xe đi và màu cỏ cây tao cảm quang và màu sắc đường phố sinh động hơn và ngươi tham gia giao th6ng dễ phân biệt hơn.dể việc tháo dỡ và lắp đặt dễ dàng khi phải dào vỉa hè mà đá không bị vỡ và không bị ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của dân xung quanh vỉa hè thì nên dùng đá quy cách (40x50x3)cm2 khò nhám mặt .không nên dùng đá kẻ sọc màu xám đen ,như đường nam kỳ khởi nghĩa là đẹp song cần rút kinh nghiệm lại cho các con đường khác thì sẽ đep hơn nữa như chỉ dùng đá trắng lát và đá bó vỉa hè cũng dùng đá trắng .kết hợp để nhiều mảng cỏ xanh dọc đường hơn.theo tôi được biết thì đá làm đường Nguyển thị Minh Khai ,Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê quý Đôn, fasteui,v.v..v là màu đá trắng phước Hòa do cty cổ phần phước hòa fico ở bà rịa Vũng Tàu cung cấp.Giá đá rẻ vận chuyển gần mà lại phù hợp với cảm quang đường phố.Vì nét đẹp ,Văn minh và lịch sự vĩnh cửu của thành phố tôi xin đưa vài ý kiến trên dể quý vị tham khảo.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2298 khách Trực tuyến

Quảng cáo