Nhận xét thường trực của nhiều đại diện cơ quan quản lý khi nói về giá bất động sản hiện nay, vẫn là quá cao so với mặt bằng thu nhập của đại đa số người dân.
Liên quan đến nguyên nhân và những hệ lụy của việc giá bất động sản quá cao, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Trong nhiều năm qua, Nhà nước liên tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm bình ổn thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thực tế thì thị trường vẫn luôn biến động và giá đất thì ngày một tăng cao?
Ông Đào Trung Chính (ảnh bên): Nguyên nhân của việc giá đất quá cao như hiện nay có yếu tố khách quan và chủ quan. Ngoài nguyên nhân khách quan như biến động giá cả thế giới, kinh tế thiếu ổn định... thì nguyên nhân chủ quan giữ vai trò quan trọng là vấn đề quy hoạch. Quy hoạch không ổn định, không khoa học, không dự báo hết nhu cầu thì nó sẽ kéo theo nhiều vấn đề bất cập.
Chúng ta định hướng phát triển thị trường bất động sản theo hướng tăng tỷ trọng nhà cho người có thu nhập thấp và trung bình. Do đó, câu hỏi đặt ra là cần phải xác định được bao nhiêu nhà cho người thu nhập thấp trong một khu vực nhất định... để từ đó có kế hoạch thu hút bao nhiêu lao động, mở rộng phát triển kinh tế đến đâu.
Còn nếu không chủ động được thì tất yếu sẽ tạo ra khan hiếm về nhà ở, đất đai. Cộng với việc không minh bạch về thông tin, quy hoạch thì vấn đề không bao giờ giải quyết được.
Thứ hai nữa là chính sách thuế của chúng ta cũng chưa thể điều tiết được việc đầu cơ, găm giữ đất đai, từ đó càng làm cho giá nhà đất tăng, sốt bất thường. Đặc biệt vấn đề minh bạch thông tin về thu nhập cá nhân, tài sản cá nhân với hệ thống quản lý đất đai vẫn chưa được triển khai. Chúng ta chưa thể công khai tài sản, đất đai của các cá nhân có chức quyền, lấy tiền ở đâu để mua đất...
Nhưng ngoài những nguyên nhân trên, có ý kiến cho rằng việc giá đất liên tục sốt và tăng quá cao còn có sự “giúp sức” của lực lượng cò mồi, môi giới thao túng trên thị trường?
Chắc chắn là có yếu tố đó, vì thực tế hiện nay chúng ta vẫn chưa công khai được nhu cầu, khả năng cung về đất đai, bất động sản. Ngay cả khả năng cầu thật sự là bao nhiêu cũng không thể biết được, nên dễ nảy sinh nhiều tiêu cực, thao túng trên thị trường đất đai.
Vậy nếu để lực lượng này thao túng thị trường và làm cho giá cao một cách phi lý thì trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
Việc sốt chủ yếu là sốt đất ở và nhà ở, mà lĩnh vực này thì đã được Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng. Còn quỹ đất thì thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhưng, thực tế hiện nay thì thẩm quyền quản lý, quyết định lại được phân cho chính quyền các địa phương.
Do vậy, muốn xác định trách nhiệm thì cũng phải có sự thống nhất từ cơ chế, luật pháp.
Vừa qua, một lãnh đạo Bộ Tài nguyên có nói rằng, giao dịch chuyển nhượng đất đai hiện nay vẫn chủ yếu là giao dịch ngầm. Là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực này, ông thấy nhận xét đó có đúng không?
Thực tế vì là giao dịch ngầm nên không ai có thể thống kê chính xác được. Nhưng theo dự đoán của tôi, hiện nay do một số thủ tục hành chính, giấy tờ còn vướng mắc nên chắc chắn giao dịch ngầm vẫn còn. Theo dự đoán của tôi, tỷ lệ giữa giao dịch ngầm và công khai hiện nay cũng phải là 50 - 50.
Nhưng, đáng nói là giao dịch ngầm, ngoài việc thất thu thuế cho ngân sách nhà nước thì chính các giao dịch ngầm đã khiến cho nhiều người bỏ tiền ra mua đất rất nguy hiểm vì nếu tranh chấp xảy ra thì coi như mất không. Ngoài ra nó cũng có thể gây ra những tệ nạn, mất ổn định xã hội.
Những tồn tại trên cộng với giá đất quá cao, nhiều người cho rằng cơ quan quản lý dường như đang bất lực?
Đúng là bất lực thật! Bởi lẽ muốn quản lý thị trường tốt cần một định hướng lớn, sự phối hợp của nhiều cấp, ngành về nhu cầu, quy hoạch, hệ thống thông tin, chính sách thuế, phòng chống tham nhũng..., nhưng tiếc là chúng ta chưa có sự phối hợp đó.
Còn nếu nói rằng, dùng biện pháp hành chính để điều tiết thị trường là điều không thể. Đã gọi là thị trường, thì phải có các công cụ về kinh tế. Công cụ hành chính chỉ nên xem như bà đỡ mà thôi.
Từ Nguyên (thực hiện)
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Có lo, nhưng vẫn tin
- Xây dựng nhà ở thân thiện với môi trường: Không khó!
- Kịch bản sốt đất Ba Vì sẽ không tái diễn
- Trao đổi với PGS.TS.KTS Nguyễn Minh Sơn về kiến trúc nhiệt đới
- Di dời đại học, cao đẳng ra ngoại thành: Không để đất 'vàng' thành cao ốc
- Vỉa hè tại TP.HCM: từ thái cực này đến thái cực khác
- “Không thể áp đặt bản sắc kiến trúc Việt”
- Đóng cửa chợ- người dân sống trong "hộp"
- Xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cho thị trường bất động sản
- Kiến nghị chỉnh sửa tiếp Quy hoạch chung Hà Nội