Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Đối thoại “Không thể áp đặt bản sắc kiến trúc Việt”

“Không thể áp đặt bản sắc kiến trúc Việt”

Viết email In

Lễ trao giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2010 sẽ diễn ra vào các ngày 23 – 24/4 tại Hà Nội, trong dịp chào mừng ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4. Giải thưởng đã ghi nhận nhiều công trình kiến trúc có ý nghĩa xã hội ở nhiều thể loại, chú trọng nhiều hơn tới chất lượng kiến trúc và sự sáng tạo.

Tuy nhiên, “Không phải cứ lấy chi tiết của kiến trúc truyền thống để áp vào những công trình hiện đại là tạo ra bản sắc của kiến trúc Việt. Mỗi một công trình có một nét kiến trúc riêng, không thể so sánh giữa công trình này với công trình kia là có thể kết luận công trình này có nét bản sắc còn công trình kia thì không” – phó chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam, chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM - KTS Khương Văn Mười (ảnh bên) đã nhận xét như vậy khi trao đổi với phóng viên về sự kiện này.

Một điều dễ nhận thấy là các công trình đoạt giải đều lấy chất liệu từ những giá trị văn hoá của dân tộc. Phải chăng, tiêu chí của giải là tác phẩm kiến trúc phải có bản sắc dân tộc?

KTS Khương Văn Mười: Không phải vậy. Đây chỉ là ý tưởng của tác giả về mặt văn hoá – nghệ thuật chứ không phải là tiêu chí để chấm giải cũng như xu hướng kiến trúc hiện nay. Tính văn hoá phải tuỳ thuộc vào từng công trình cụ thể. Thiết kế một khách sạn hiện đại thì anh không thể đưa hình ảnh mái ngói, sân đình vào sẽ rất tréo ngoe.

Ông nhận xét gì về chất lượng của các giải thưởng kiến trúc quốc gia năm 2010?

Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2010 có nhiều đơn vị, tổ chức, kiến trúc sư tham gia với nhiều tác phẩm, nhiều công trình, nhiều thể loại. Tuy nhiên, vẫn chưa có được tác phẩm xứng tầm khu vực và thế giới. Nền kiến trúc Việt Nam cần thêm nhiều thời gian mới có được tiếng nói tầm quốc tế.

Nếu có cơ hội được trao thiết kế và có điều kiện tài chính thì các công trình kiến trúc của Việt Nam hiện nay sẽ không thua gì công trình của các kiến trúc sư nước ngoài. Hiện nay cả hai yếu tố này đều khó. Các công trình lớn của đất nước đều do các kiến trúc sư nước ngoài đảm trách, kiến trúc sư Việt khó có thể chen chân vào.

Theo tôi, trình độ kiến trúc sư trong nước và nước ngoài chỉ bên chín bên mười nếu xét về năng lực và ý tưởng. Tuy nhiên tác phẩm của các kiến trúc sư nước ngoài thường được lãnh đạo, cấp chính quyền của chúng ta chọn lựa vì ngoài ý tưởng tốt họ có thương hiệu, có sự chuyên nghiệp, có sự tổ chức tốt hơn.


Tác phẩm đoạt giải nhất: trường PTTH chuyên Hà Nội – Amsterdam.


Tác phẩm đồng giải nhất: nhà ga Liên Khương.


Giải nhì: đền tưởng niệm vua Hùng.

Có nhận xét, chúng ta đang bị quốc tế hoá kiến trúc Việt. Các công trình kiến trúc lớn đều vào tay các tập đoàn kiến trúc sư quốc tế và nhiều tổ chức tư vấn trở thành nơi làm thuê. Điển hình là TP.HCM đang phải bỏ ngoại tệ để thuê các công ty kiến trúc nước ngoài thiết kế lại bộ mặt đô thị, trong khi các kiến trúc sư Việt lại đứng ngoài cuộc chơi?

Đây là một điều tất yếu trong quá trình hội nhập, không chỉ Việt Nam mà các nước phát triển khác như Singapore đều gặp phải. Mặt khác, phải khẳng định, bản sắc không phải cứ muốn đặt ra là có, không thể cứ đặt ra tiêu đề này, tiêu chí kia để yêu cầu các công trình thiết kế phải có nét này, điểm khác và khẳng định công trình có bản sắc. Cách lấy những chi tiết của kiến trúc truyền thống đưa vào công trình hiện đại hoàn toàn không tạo ra bản sắc. Đó là chưa kể, Việt Nam chưa thể hiện rõ nét bản sắc kiến trúc riêng. Kiến trúc của chúng ta hiện nay chủ yếu là du nhập những tiến bộ từ kiến trúc nước ngoài, sau đó biến tấu cho phù hợp với kiến trúc, văn hoá, phong tục Việt.

Còn riêng việc TP.HCM thuê công ty nước ngoài thiết kế đô thị là cuộc chơi công bằng. Nhiều công ty tư vấn của Việt Nam cũng thuê kiến trúc sư nước ngoài làm việc cho mình đấy chứ.

Giả sử nếu chọn hội Kiến trúc sư TP.HCM là đơn vị thiết kế đồ án chỉnh trang đô thị khu trung tâm TP.HCM, liệu hội có đủ thực lực đảm nhận?

Năng lực thì có. Tuy nhiên, tính tổ chức, tính chuyên nghiệp, thương hiệu thì làm sao bằng công ty nước ngoài. Để có thương hiệu và tự đứng ra thực hiện những công trình như vậy, chúng ta cần nhiều năm nữa!

Tùng Quang (thực hiện)

– Giải thưởng kiến trúc Quốc gia năm 2010 được trao cho 44 công trình, tác phẩm, thuộc các chuyên ngành: quy hoạch, kiến trúc công trình, nội ngoại thất và ấn phẩm kiến trúc.

– Có 2 giải nhất, 10 giải nhì, 21 giải ba và 11 giải khuyến khích. Hai đồng giải nhất là công trình Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội) của nhóm tác giả: Nguyễn Tuấn Anh, Phan Duy Đông, Vũ Sỹ Lợi, Nguyễn Huy Hải, Nguyễn Chí Công (công ty tư vấn thiết kế xây dựng CDC - bộ Xây dựng) và Công trình nhà ga sân bay Liên Khương (Đà Lạt, Lâm Đồng) của nhóm tác giả Lưu Hướng Dương, Trần Trung Vương, Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phan Đình Kha (công ty Xây dựng kiến trúc miền Nam - TP.HCM). Cả hai đều là những công trình có quy mô lớn, kiến trúc hiện đại, ứng dụng những kỹ thuật mới và công nghệ cao.

– KTS Nguyễn Văn Tất (TP.HCM) đoạt giải ba với công trình Khách sạn Cendeluxe (Tuy Hoà, Phú Yên) và giải khuyến khích với ấn phẩm kiến trúc Hơi thở nhiệt đới (NXB Trẻ). Đây là lần thứ 9 liên tiếp trong 16 năm KTS Tất nhận giải thưởng kiến trúc Quốc gia. 
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2353 khách Trực tuyến

Quảng cáo