Đồ án Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa được yêu cầu tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện sau khi có kiến nghị chính thức của các nhà khoa học gửi Bộ Chính trị.
Trong số các kiến nghị mới đây của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, và của các nhà khoa học, đáng chú ý, có kiến nghị của Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) gửi Bộ Chính trị ngày 10/3/2011.
Trước đó, ngày 4/11/2010, VUSTA có gửi một kiến nghị không chính thức lên Văn phòng Ban Bí thư T.Ư Đảng. Các kiến nghị mới nhất là gì? PGS.TS Hồ Uy Liêm (ảnh bên), Phó Chủ tịch Thường trực VUSTA, một trong những người chủ trì dự thảo văn bản chính thức gửi Bộ Chính trị có cuộc trao đổi với phóng viên.
Thưa ông, đánh giá tổng quát của VUSTA về phiên bản Đồ án Hà Nội mới nhất là gì?
Trước hết, phải khẳng định Đồ án Hà Nội là một công trình lớn, phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong một thời gian ngắn, dưới sự chủ trì của Bộ Xây dựng cùng các cơ quan hữu quan, đã hoàn thành cơ bản một khối lượng lớn công việc và đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ Thủ tướng giao.
Đồ án tiếp tục thể hiện được những định hướng quy hoạch, phát triển đô thị để Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh – văn minh – văn hiến - hiện đại.
Tuy nhiên, phiên bản mới nhất của Đồ án vẫn còn nhiều bất cập, vẫn chưa phù hợp và thiếu tính khả thi. Việc cấp trên yêu cầu tiếp tục nghiên cứu là cần thiết nhằm tránh những hậu quả không đáng có.
Vẫn đề xuất dự trữ Ba Vì, không hợp lý
Bất cập lớn nhất vẫn chưa giải quyết được trong Đồ án là gì?
Ai cũng biết, Hà Nội hiện mới đang xây dựng Quy hoạch Tổng thể Phát triển Kinh tế - Xã hội Thủ đô đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Còn Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 vẫn chưa có. Các quy hoạch ngành đã có nhưng đang được điều chỉnh sau khi sáp nhập vào Hà Nội toàn bộ Hà Tây và một số địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và Hòa Bình.
Nói Đồ án được lập vẫn thiếu các căn cứ khoa học là vì thế; vẫn thiếu từ các dự báo phát triển kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đến dự báo phát triển xã hội về phát triển dân số, giáo dục, y tế, thể thao.
Từ đó dẫn đến định hướng phát triển, quy mô, tính chất về các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, vẫn thiếu tính thuyết phục, thiếu khả thi và không có tính bền vững.
Khu đất Ba Vì chắc không còn là trung tâm hành chính quốc gia như ban đầu?
Đúng vậy. Tuy nhiên, Đồ án sửa đổi vẫn đề xuất giữ đất Ba Vì làm quỹ dự trữ. Như thế là không hợp lý. VUSTA cho rằng, từ nay đến năm 2020, các bộ ngành đã ổn định; mặt khác, với chính phủ điện tử chắc chắn chức năng quản lý nhà nước sẽ được cải thiện nhiều so với hiện nay. Ba Vì là khu sinh thái lớn, cần phải gìn giữ, bảo vệ. Không nên dành quỹ đất ở đây cho việc xây dựng.
Trung tâm hành chính của Thành phố Hà Nội thì sao, có được giữ nguyên vị trí?
Rất tiếc là vẫn giữ nguyên vị trí hiện nay. Hiện trạng trụ sở của các cơ quan như Thành ủy, UBND, HĐND, các sở nói chung đã rất xuống cấp, không đồng bộ, chật chội, không xứng tầm với cơ quan đầu não của Thủ đô.
Nếu vậy dời đi đâu thì hợp lý?
Chúng tôi kiến nghị nghiên cứu chỉnh trang đồng bộ, điều chỉnh quy hoạch đã có để khu vực Hồ Gươm xứng đáng là khu trung tâm hành chính, chính trị và lễ hội của thành phố, ví dụ, đoạn từ trụ sở UBND TP đến Sở Văn hóa Thể thao&Du lịch Hà Nội. Một số sở khác cải tạo, nâng cấp.
Số còn lại xây mới tại khu vực mới ở phía tây Hồ Tây. Khu tây Hồ Tây là yếu địa quốc gia cần được quản lý chặt chẽ, kế thừa ưu điểm của các đồ án quy hoạch đã nghiên cứu, tránh tình trạng giao trắng cho người nước ngoài tự quyết các chức năng nhiệm vụ vì bất cứ lý do gì.
Vùng lõi Hà Nội thế nào, chưa rõ
Định hướng phát triển nhà ở có gì mới không, thưa ông?
Đây là định hướng phát triển quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên, Đồ án vẫn thiếu ba định hướng quan trọng.
Thứ nhất, vẫn thiếu định hướng cải tạo, chỉnh trang đô thị, nhất là ở các vùng ven đô, các làng xóm trong lòng nội đô, các khu ngõ ngách, phường làng, với dân số hơn 40% dân đô thị, các khu nhà liền kề xây dựng lộn xộn.
Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bộ mặt đô thị, tổ chức không gian khu vực lõi Hà Nội thay đổi như thế nào, vẫn chưa được phản ánh trong quy hoạch, nhất là các không gian cao tầng.
Thứ hai, vẫn thiếu định hướng phát triển các điểm dân cư nông thôn hiện được xây dựng tự phát, rất lộn xộn. Vẫn chưa định hướng được các điểm dân cư ở nông thôn vào năm 2030, 2050 sẽ như thế nào…
Thứ ba, định hướng cải tạo các chung cư của Hà Nội vẫn sơ sài, thiếu các chỉ tiêu cơ bản, vẫn không có tính thuyết phục và không khả thi khi đưa ra quy định về các khu chung cư và các khu nhà ở đã xây dựng.
- Ảnh bên : Đồ án vẫn thiếu định hướng cải tạo, chỉnh trang đô thị. Ảnh chụp phố Hàng Ngang từ trên cao (Ảnh: Hồng Vĩnh)
8.000 ha cho bảy khu công nghiệp, quá lớn
Thế còn định hướng phát triển công nghiệp? Đồ án cũ cho thấy Hà Nội sẽ thành nơi hầu như lĩnh vực công nghiệp gì cũng có.
Hà Nội là nơi có nhiều nhà khoa học, vì vậy, cần tập trung phát triển công nghệ cao những ngành cần nhiều chất xám. Còn các ngành công nghiệp khác như may mặc, da giày nên dành cho các tỉnh trung du, miền núi như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình.
Định hướng vẫn sử dụng đến 8.000 ha cho bảy khu công nghiệp mới là quá lớn, vừa xâm phạm đến đất nông nghiệp, làm mất an ninh lương thực, vừa làm tăng mật độ dân số cơ học chất lượng không cao vào Thủ đô. Ví dụ, có nên xây dựng khu công nghiệp Thường Tín – Phú Xuyên không khi chỗ đó là vùng trũng; hơn nữa, bên cạnh nó lại đã có khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam?
Về đường Hồ Tây-Ba Vì, có tiếp tục được đề xuất không?
Vẫn được đề xuất và vẫn thiếu căn cứ khoa học, nhất là khi chúng ta đang tập trung đầu tư xây dựng Đại lộ Thăng Long, đường mới tây Thăng Long, đường sắt Láng - Hòa Lạc, nâng cấp đường 32. Ngoài ra, dự báo tăng dân số của đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây lên đến gần một triệu người là không có cơ sở.
Vì lẽ đó, việc tiếp tục đặt vấn đề xây dựng đường Hồ Tây-Ba Vì đến trung tâm hành chính quốc gia tương lai nay không còn lí do tồn tại nữa. Đấy là chưa nói đến lãng phí đất đai, không phù hợp với tổ chức giao thông và cảnh quan đô thị.
Vậy VUSTA kiến nghị những gì?
Cần tập trung các giải pháp phát triển giao thông lõi trung tâm Thủ đô Hà Nội để chống ùn tắc giao thông gây lãng phí rất lớn như làm đường trên cao, dưới mặt đất, cầu vượt, v.v...
Về tổng thể, chúng tôi chính thức kiến nghị lên Bộ Chính trị hai điểm. Một, chưa nên thông qua Đồ án; cần hoàn chỉnh, bổ sung lấy ý kiến thống nhất để trình duyệt. Hai, khi có đồ án chính thức, đề nghị cho VUSTA tham gia với tư cách một trong các bên của phía Việt Nam phản biện độc lập cho Đồ án. Hiện tại, vẫn chỉ có hai cơ quan phản biện nước ngoài mà thôi.
Quốc Dũng (thực hiện)
[ Chuyên đề : Quy hoạch Hà Nội mở rộng ]
- Quản lý giá đất: “Đúng là bất lực thật!”
- Vỉa hè tại TP.HCM: từ thái cực này đến thái cực khác
- “Không thể áp đặt bản sắc kiến trúc Việt”
- Đóng cửa chợ- người dân sống trong "hộp"
- Xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cho thị trường bất động sản
- "Đô thị lộn xộn do bao cấp quy hoạch"
- Điều chỉnh quy hoạch Thủ Thiêm để tăng hiệu quả đầu tư
- "Không thể bứng trường đại học để thế bằng khách sạn, cao ốc!"
- "Nên đa dạng hình thức sở hữu nhà ở chung cư"
- Hình thành giải thưởng quốc gia về lĩnh vực xây dựng