Ông Vũ Gia Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng VN cho biết, việc các nhà thầu Việt luôn phải “ẩn sau” các chủ thầu nước ngoài nguyên nhân chính không phải là chúng ta yếu về năng lực mà quan trọng là chúng ta chưa biết cách tổ chức, sử dụng sao cho hiệu quả năng lực đó.
- Ngành xây dựng VN đã và đang phát triển rất hùng hậu nhưng nhà thầu Việt lại bị đánh giá là đang làm thuê tại sân nhà, thưa ông ?
Ông Vũ Gia Quỳnh (ảnh bên): Ngành xây dựng đã có những bước đi lên hết sức mạnh mẽ, gánh vác phần lớn các công trình đầu tư cơ bản toàn xã hội và chiếm tới 40% GDP. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là hầu hết các công trình lớn có vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA... đều do nhà thầu quốc tế đảm nhận, nhà thầu Việt chỉ đóng vai nhà thầu phụ.
Nhưng chúng ta cũng cần phải hiểu rõ một điều là thua theo các nguồn vốn nào ? Trong bất kỳ thỏa thuận cho vay ODA thì những người đi đàm phán bao giờ cũng phải nhận các điều kiện mà trong đó hầu hết là cả tư vấn thiết kế, thiết bị công nghệ, thiết bị thi công và giám sát đều do họ dùng người của họ hoặc là họ chỉ định. Vì vậy, đương nhiên, nhà thầu Việt không thể tham gia theo cách bình thường mà phải làm thầu phụ. Những dự án chúng ta vay vốn của ngân hàng thế giới. Ngân hàng phát triển Châu Á và của những quỹ khác cũng trong những điều kiện tương tự. Trong quá trình đàm phán, có thể đưa cái gì vào để có lợi thế cho nhà thầu VN, điều này phụ thuộc vào trách nhiệm của người đi đàm phán.
- Nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng năng lực của các nhà thầu Việt còn hạn chế ?
Người ta hay “vin” vào nhà thầu VN không đủ năng lực để đấu thầu quốc tế. Đến cả Chỉ thị 734/CT/TTg, ngày 17/5/2011 về chấn chỉnh quản lý đối với các gói thầu của Chính phủ mới ban hành cũng nói đến việc nhà thầu trong nước không có khả năng làm từ 50% trở lên thì cho đấu thầu quốc tế.
Theo tôi, đây là việc mà chúng ta cần phải trao đổi. Vì, các nhà thầu nước ngoài không phải có đủ tất cả các yêu cầu về thiết bị khoa học công nghệ. Cái họ hơn ta là họ biết bán công trình cho chủ thầu khác hoặc sử dụng những đội ngũ có tính chuyên môn hóa cao. Trong khi đó, các nhà thầu VN cũng không phải hoàn toàn là không có năng lực. Bởi lẽ, chúng ta cũng có quyền đi thuê những người có năng lực của từng lĩnh vực chuyên môn hóa cao. Trong khi hiện nay chúng ta lại cứ tự ép mình phải có trong tay tất cả mọi thứ.
Phạm Văn Lộc - Phó TGĐ Cty TNHH KCN Thăng Long : Chiến lược, mục tiêu riêng Phạm Thị Thu Hà - Phó TGĐ Tập đoàn DKVN : Hỗ trợ của Nhà nước |
Xưa nay, ta vẫn quen gọi là ngành xây dựng và các nhà thầu xây dựng thì bây giờ chúng ta phải xác định đó là một thị trường xây dựng. Trong thị trường ấy, người thắng thầu làm chủ thầu có quyền đi thuê máy thi công của những người cho thuê máy thi công, có quyền đi thuê lao động của những người cung ứng lao động. Và chúng ta cũng có quyền đi đặt hàng những nhà sản xuất cơ khí làm những lĩnh vực cơ khí trong công trình. Thậm chí nhà thầu Việt cũng có quyền thuê các nhà thầu phụ nước ngoài.
- Vậy chúng ta phải thay đổi quan niệm về các nhà thầu xây dựng như thế nào, thưa ông ?
Gần đây chúng tôi có giúp một tập đoàn Nhật Bản vào đầu tư vốn tại VN. Họ rất mạnh nhưng chỉ làm duy nhất một việc là cho thuê dàn giáo, ván khuôn. Theo tôi, chúng ta cần chuyên sâu hóa về một lĩnh vực nào đó, điều này đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Chúng ta đừng “ngộ nhận” nhà thầu nước ngoài “giỏi” tất cả. Ai cũng biết họ vẫn thuê nhà thầu phụ VN. Vậy tại sao chúng ta không làm được như họ.
Theo tôi, các nhà thầu không nhất thiết phải ôm hết lực lượng lại mà chúng ta chỉ cần những nhà thầu quản lý và những đơn vị sẵn sàng hợp tác, cái thiếu thì chúng ta đi thuê nước ngoài. Đó chính là thị trường hóa chuyên sâu ngành xây dựng mà chúng ta nên hướng tới.
- Tuy nhiên, hiện nhà thầu Việt vẫn cho rằng họ chưa được hỗ trợ đúng mức, thưa ông ?
Rõ ràng chúng ta đều biết, các nhà thầu nước ngoài đầu tư tại VN muốn đăng ký vốn bao nhiêu thì ngân hàng của họ bảo lãnh có vốn, trong khi đó, chúng ta cứ bắt các nhà thầu của VN phải có vốn.
Trở lại vấn đề chính sách, tôi muốn nói vốn ấy phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Hỗ trợ ở đây không phải là cấp vốn mà cần có một chính sách cho vay vốn và tạo điều kiện để có bảo lãnh cho các nhà thầu. Ngay cả việc thanh quyết toán, cần phải tiến hành nhanh chóng để nhà thầu có vốn tiếp tục triển khai công trình.
Mặt khác, Nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường trong vấn đề tư vấn, khảo sát, thiết kế và đặt trọng tâm vào phát triển thị trường các yếu tố sản xuất; khuyến khích thành lập các DN dịch vụ, cho thuê máy xây dựng, cung ứng vật liệu và thiết bị; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giám sát xây dựng.
- Xin cảm ơn ông !
Mai Thanh (thực hiện)
- Chiến lược cầm cự của doanh nghiệp bất động sản
- Cần hình thành quỹ kiến trúc đô thị
- Bất động sản TP.HCM trước câu hỏi tồn tại
- Hé mở dòng vốn để "trợ lực” cho bất động sản
- Chặn cơn lốc phá nhà cổ
- Tai nạn giao thông, nhìn từ quy hoạch phát triển đô thị
- Xây dựng, phát triển đô thị sinh thái ở Việt Nam: Nên bắt đầu từ Luật Đô thị
- "Chẳng bao lâu nữa, ô tô không có đường mà đi"
- Xung quanh đề xuất xoá bỏ chia lô, bán nền: Nên thực hiện nhưng cần có lộ trình
- Loay hoay tìm bãi đậu xe cho các thành phố lớn