Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Chợ: Cũ đang mất, mới chưa thành

Chợ: Cũ đang mất, mới chưa thành

Viết email In

Chợ Văn Thánh (TP.HCM) trở thành “thanh vắng”, chợ Tân Biên (Đồng Nai) dù đẹp và hiện đại nhưng người dân buôn bán ở chợ Sặt cũ lại không vào vì giá sạp quá mắc, còn nhiều nữa những ngôi chợ mới bị bỏ hoang... Câu hỏi đặt ra với nhà kiến trúc, nhà đầu tư và người làm quy hoạch là: mô hình nào cho một ngôi chợ truyền thống?


Chợ Văn Thánh thành “thanh vắng” trước khi bị đập bỏ: thất bại của một mô hình (Ảnh: Hồng Thái)

Nhiều “nhà” mới ra chợ

Nhà văn Trần Tiến Dũng khi nói về chợ tỏ ra vô cùng nuối tiếc: “Không gì buồn nản cho bằng khi nghĩ về những ngày sắp tới, mỗi người Việt bị lấy mất không gian mái vòm chợ. Chuyện phải sống chung với những cái hộp shop, siêu thị… cũng đồng nghĩa với việc thích nghi với văn hoá hộp bêtông, kiếng, máy lạnh… Có lẽ một ngày rất gần sẽ có những đoàn du khách Việt Nam đi qua Campuchia để hưởng cái thú mua sắm ở chợ vòm Nam Vang giống như các ông, các bà du khách Tây, Nhật ngày nay rất hớn hở khi đi chợ Bến Thành”.

Quan sát chợ xưa có thể nhận biết nhiều điều về một vùng quê: dân cư, ngôn ngữ, sản phẩm, các mối quan hệ xã hội qua xưng hô… Đi chợ là nhu cầu không chỉ để mua bán mà còn để gặp gỡ, giao lưu, thể hiện các mối quan hệ tình cảm, quan hệ xã hội…

TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu 
Trước những băn khoăn này, KTS Lê Văn Rọt, tác giả của những công trình cải tạo chợ Bến Thành, chợ Bà Chiểu, chợ Đầm (Nha Trang), chợ Cồn (Đà Nẵng), chợ Đông Ba (Huế), chợ Đà Lạt... cho biết: “Mỗi ngôi chợ là biểu tượng cho văn hoá từng vùng, miền, đi chợ không chỉ để mua bán, mà còn là đi chơi, đi du lịch, vì thế những kiến trúc cũ đã ăn vào tiềm thức người dân Việt phải luôn được tôn trọng, giữ gìn. Trong thiết kế, tôi luôn chia chợ làm hai phần, ngoài những ngành hàng chính trong chợ, còn có phần đất phía sau chợ dành cho những người dân với sản phẩm tự sản tự tiêu. Đây là chỗ cho những người buôn bán nghèo, với mớ rau, con cá do mình nuôi trồng, đánh bắt được. Để gìn giữ nét văn hoá tâm linh, trong chợ còn nên có “nhà tâm linh” để chị em tiểu thương cúng kiếng cầu buôn may bán đắt, chứ không mạnh ai nấy đốt giấy tiền vàng bạc ngay tại quầy mình như xưa, rất nguy hiểm. Theo tôi, nhà quy hoạch phải giữ được đất cho những ngôi chợ cũ, cho chợ được “thở” giữa bốn bề khoáng đạt. Chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ An Đông sở dĩ duy trì được sự buôn bán thông thương là nhờ bốn cửa chợ đều thông thoáng. Kế đến là vai trò của nhà đầu tư, nhà kiến trúc, ban quản lý, chính quyền địa phương... Nếu những “nhà” này không có tiếng nói chung, sẽ tàn phá nghiêm trọng vẻ đẹp tinh thần của chợ cũ. Trước khi thiết kế, nhà kiến trúc phải đi xuống chợ thật nhiều lần, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của bà con tiểu thương lâu năm của từng ngôi chợ, của những người dân quanh vùng, và của chính quyền địa phương, để tìm ra những giải pháp hài hoà quyền lợi các bên”.

Không mợ, chợ không đông

Về việc tại sao chợ Văn Thánh xây xong tiểu thương không vào, KTS Lê Văn Rọt cho rằng: “Do thiết kế bít bùng nực nội quá”. Còn KTS Nguyễn Lương Dũng, tác giả của nhiều ngôi chợ mới như chợ Bà Rịa – Vũng Tàu, chợ Tịnh Biên – An Giang, chợ Cái Khế – Cần Thơ... thì “chợ Văn Thánh chỉ nên xây dựng theo quy mô một ngôi chợ liên phường. Vị trí đó không thích hợp cho một ngôi chợ lớn, nếu giá sạp chợ quá cao so với sức mua, bà con tiểu thương sẽ không vô. Nhà thiết kế phải tiệm cận được túi tiền của người dân tại chỗ, chứ không thể lấy mô hình chợ nơi khác áp đặt vào”.

  • Ảnh bên : Với tất cả những xô bồ của một ngôi chợ, đời sống của một địa phương được bày ra, theo cách giản dị mà trung thực nhất (Ảnh: Hồng Thái)
Xu hướng bây giờ thích “phô trương”, ở đâu cũng muốn chợ to, chợ mới, mà không quan tâm đến khả năng người dân. Nếu chỉ theo lý thuyết của nhà đầu tư, không khéo sẽ rơi vào tình trạng giá vọt lên khiến cho người dân không vô như chợ Tân Biên. Hoặc có chỗ lại quá đơn giản, thiết kế không khác gì chợ mươi năm trước. Theo KTS Nguyễn Lương Dũng, chợ cũng là một xã hội thu nhỏ, mỗi ngôi chợ mới cần ít nhất 300 hộ kinh doanh, nhưng thiết kế cần chia ra nhiều cấp độ: nơi dành cho dân nhà lầu, nhà lá, hoặc chỉ cần “một mảnh đất cắm dùi” cho người buôn bán nhỏ. Cũng phải có đường dành cho người tàn tật... Miền sông nước Nam bộ, việc duy tu và gìn giữ cảnh quan cho những chợ nổi trên bến dưới thuyền như Cái Răng – Phụng Hiệp cũng cần phải được lưu tâm.

Những trung tâm mua sắm khổng lồ đang “nuốt” dần các ngôi chợ truyền thống. Nếu chỉ tập trung phát triển trung tâm thương mại, tầng lớp dân lao động sẽ không còn chỗ để mua bán. Nhà quy hoạch, bộ Thương mại, chính quyền địa phương phải nghiên cứu thấu đáo các mặt xã hội, kinh tế, văn hoá và thói quen địa phương... để từ đó phác thảo một quy hoạch cụ thể cho mạng lưới chợ phù hợp với từng vùng miền.

Kim Yến - ảnh: Hồng Thái
 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...