Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Tương tác Góc nhìn Cần có ngay một trường phái trùng tu!

Cần có ngay một trường phái trùng tu!

Viết email In

Chiều ngày 25/4, tại Bảo tàng Chăm - Đà Nẵng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đã giới thiệu cuốn sách “Đền tháp Chămpa – bí ẩn xây dựng”, nhằm công bố “thành quả” giải mã bí ẩn vật liệu và phương pháp xây dựng trên các đền tháp Chăm thuộc khu vực miền Trung.

Tương tự, trước đó nhóm các nhà nghiên cứu Italia đang trùng tu nhóm tháp G - Mỹ Sơn cũng đã từng công bố rộng rãi “thành tựu” nghiên cứu của mình về chất liệu những viên gạch Chăm…


Tháp Bánh Ít – Bình Định mới toanh như vừa xây dựng (Ảnh: Trung Hiếu)

Tưởng chừng các đối tượng quan tâm sẽ vỡ oà mừng rỡ, vì ẩn số hơn 100 năm qua đã được các nhà kỹ thuật vật liệu xây dựng giải mã, nhờ khoa học công nghệ mới. Thế nhưng không hẳn vậy. Có mặt tại buổi giới thiệu phương pháp “đóng gạch” và kỹ thuật xây dựng tháp Chăm, nhiều nhà quản lý di tích Quảng Nam lại dửng dưng và phát biểu vắn tắt: “Không có chuyện đưa gạch mới vào di tích Chăm ở Quảng Nam...”. Thái độ này dễ hiểu, vì công trình được công bố lần này, cũng như trước đó của nhiều nhóm nghiên cứu, đều na ná kết quả được ông Lê Văn Chỉnh - người xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, Quảng Nam - công bố từ trước đó rất lâu. Và cho đến ngày ngã xuống bên lò đốt “gạch Chăm” dang dở, ông Chỉnh vẫn tự nhận sự thất bại của hậu thế trước tiền nhân Chăm. Cũng vì lý do này, từ vài mươi năm qua, dù hết sức dốc sức lo cho sự tồn vong của các di tích, nhưng các cụm tháp Chăm tập trung ở di sản Mỹ Sơn hoặc rải rác khắp nơi của Quảng Nam, đến nay vẫn giữ nguyên vẹn hình hài, kể từ ngày được phát hiện.

Trong khi đó, trên hệ thống di tích Chăm ít ỏi còn sót lại trên đất Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Đắc Lắc, các nhà bảo tàng ở đây đã kịp “hoàn nguyên” xây dựng lại các di tích tại đây bằng nhiều loại vật liệu bất kỳ. Điển hình ở cụm tháp Dương Long (niên đại TK 12 – còn gọi là tháp Ngà), vốn được xếp loại là một kiến trúc độc đáo với phong cách giao hoà giữa 3 sắc dân Chăm, Khmer, Đại Việt bị “bức hại” tàn tệ từ nhiều lần trùng tu cũ, mới chồng lên nhau. Các nhóm thợ xây dựng đã không một chút chần chừ, khi mạnh tay đục bỏ cả phần gạch nguyên bản trong ruột tháp để nhét ximăng vào, sau đó đắp vật liệu mô phỏng gạch Chăm ra phía ngoài. Lần trùng tu gần đây nhất, hầu như  phần chân rộng hàng trăm mét vuông của 3 ngọn tháp đều bị biến dạng, không còn nhận ra hình dáng cũ. Hay ngọn tháp Nhạn ở Phú Yên, cũng bằng phương pháp này, gần như toàn bộ thân tháp từ dưới lên trên, nay rêu mốc đã mọc xanh lè.

Nhận định về công tác bảo tồn tháp Chăm, TS Đinh Bá Hoà - Phó GĐ Bảo tàng Bình Định - nhận định: “Chưa xác định được vật liệu và phương pháp xây dựng của người Chăm, nên việc đưa ximăng, gạch mộc vào trùng tu đã huỷ hoại di tích nhanh hơn gánh nặng thời gian hàng trăm năm qua mà tháp đã từng vượt qua”. Quan điểm của Bảo tàng Bình Định trái ngược hẳn với Quảng Nam. Lãnh đạo bảo tàng phát biểu và thực hiện một cách kiên quyết phải “trả lại cho tháp những phần hư hại” bằng “phương pháp suy diễn đối xứng, kết hợp với các bản vẽ do nhà khảo cổ người Pháp H.Parmentier thiết kế”. Và kết quả hôm nay, một tân tháp Bình Thạnh - Tây Ninh. Bánh Ít, tháp Đôi, Cánh Tiên... Bình Định, Yang Prông, Đắc Lắc mới toanh như vừa được xây dựng lại sừng sững thách thức!

Ắt hẳn dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về sự kiện thành nhà Mạc bị tô trát, biến thành “lò gạch” sau trùng tu với kinh phí hơn 1 tỉ đồng bị phát hiện mới đây. Và lần này, việc “ giải mã” bí ẩn gạch Chăm và phương pháp xây dựng đang nhằm mở lối cho công cuộc “trẻ hóa” các di tích Chăm còn lại trên đất miền Trung. Nhiều năm qua, hàng nghìn tỉ đồng cũng đã được Nhà nước ưu tiên dành cho công tác bảo tồn, bảo tàng di sản tiền nhân. Thế nhưng thực trạng đang diễn ra và trở nên phổ biến, đó là rất nhiều di tích đã mất tính chân xác sau khi được tôn tạo. Và hơn hết, hiện nay dù dư luận phản đối mạnh mẽ, nhưng cung cách “hoàn nguyên” di tích đầy cảm tính theo kiểu nhiều nhà khoa học địa phương đang làm vẫn có khuynh hướng lấn áp. Vì lẽ này, đứng trước yêu cầu cứu vãn, giữ gìn tính chân xác của các kiến trúc cổ, ngành văn hóa cần phải có ngay một định hướng trường phái trùng tu mang tính pháp lý, đặt trên nguyên tắc tính nguyên bản và chân xác của các hiến chương bảo tồn chung của thế giới, trước khi chạm đến di sản tiền nhân; và hơn hết, chỉ được phép thực hiện khi đã thấu hiểu vấn đề một cách tận tường.

Nguyễn Trung Hiếu

[ Chuyên đề : Bảo tồn di tích

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...