Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Tương tác Góc nhìn Hồn đô thị, tình cộng đồng

Hồn đô thị, tình cộng đồng

Viết email In

Một số kiến trúc sư đã ngồi lại với nhau để thử tìm một không gian phù hợp cho chợ, vừa tôn trọng hoài niệm mà vẫn đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại. Còn các nhà nghiên cứu, văn hoá thì tham gia ở góc độ cần xem chợ như một không gian cộng đồng, với những giá trị văn hoá cội nguồn phải lưu giữ.

Giới kiến trúc: phá chợ là phá di sản

KTS Tạ Mỹ Dương đầy bức xúc khi đề cập tình trạng phá chợ hiện nay. Theo ông, phá chợ là phá di sản: “Chợ truyền thống cũng có những cái chưa được như vệ sinh môi trường, buôn bán lộn xộn… nhưng chúng ta vẫn giải quyết được, chỉ cần kìm hãm lòng tham, bớt lợi nhuận. Chúng ta nên hết sức hạn chế xu hướng phá chợ xây cao ốc hay siêu thị. Kiến trúc cho chợ cần nhất là tính công năng, thuận lợi vệ sinh, an toàn. Các kiến trúc sư, nhà văn hoá và nhà đầu tư có thiện ý nên ngồi với nhau để cùng làm”.


Chợ Biên Hoà năm 1929 - Ảnh: TL

KTS Dương Hồng Hiến lý giải một khúc mắc: “Chúng ta công nhận văn hoá chợ và muốn bảo tồn nó nhưng chưa nhận ra cách nào để bảo tồn. Hiện có nhiều chợ xây mới mà người ta không dùng, vì người thiết kế không gắn được thực tế với nghi thức văn hoá, sinh hoạt chợ, sự tiện lợi, gần gũi hợp lý của cái chợ. Chợ tồn tại từ tổ chức xã hội mà ra, xã hội thay đổi thì chợ sẽ thay đổi. Phải dựa vào những yếu tố hiện tại để xây dựng chợ cho hợp lý và phù hợp với sinh hoạt của người dân. Còn vấn đề quy hoạch phụ thuộc vào nhận thức, văn hoá của các nhà cầm quyền. Không nên biến chợ cũ thành siêu thị, biến văn hoá chợ thành văn hoá siêu thị. Phải giữ được cả chợ cũ và xây thêm nhiều chợ mới”.

Nhìn vấn đề dưới con mắt của một nhà xã hội học, theo KTS Võ Thành Lân, cả Sài Gòn là một cái chợ rồi; sống quần cư, sống trong đô thị là sống trong cái chợ. Ngày xưa chợ là chợ, nhà là nhà, bây giờ chợ vô trong nhà, là mua bán qua internet, tờ rơi tờ bướm quăng vào nhà. Một thông tin ra chợ là cả xóm biết. “Phải ứng xử thế nào với quang cảnh cả Sài Gòn đang là một cái chợ? Chợ phản ánh hiện trạng xã hội, là thước đo. Hiện nay chợ Bến Thành với tháp đồng hồ cửa Nam là biểu trưng của Sài Gòn, nhưng bản thân cách mua bán của chợ Bến Thành ngày nay lại không mang yếu tố văn hoá của dân miền Nam, nó chỉ còn hình ảnh thôi. Tuy vậy, đánh mất hình ảnh đó cũng là đánh mất biểu tượng văn hoá”.


Chợ Bến Thành, TPHCM - Ảnh: TL

Giới văn hoá: giữ chợ là giữ tình tự cộng đồng

Là nhà khảo cổ, TS Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh một công năng vô hình khác của chợ: giáo dục truyền đời. TS Hậu nói: “Đi chợ là tìm sự hội nhập cộng đồng để chia sẻ – bồi đắp không gian văn hoá, không gian thông tin, không gian tình tự cộng đồng… trước khi thoả mãn các nhu cầu vật chất. Ở ngay giữa Sài Gòn hôm nay vẫn còn nhiều chợ mang tên những nhân vật bình dân nổi tiếng như chợ Ông Tạ, chợ Ông Hoàng… Tên tuổi và công đức những nhân vật này ở ngoài hệ lịch sử chính thống, nhưng giá trị truyền đời thông qua dư luận chợ luôn là một bài học sâu sắc”. Còn nhà thơ Đỗ Trung Quân, trước khi đưa ra nhận định đã phân tích cặn kẽ: “Thói quen sinh hoạt và văn hoá vùng miền quyết định việc hình thành chợ. Giao thông là yếu tố tối cần: có thuận tiện, có gần gũi quần cư làng xóm hay không mới hình thành và phát triển nên chợ. Kiến trúc cũng nương vào đó mà cộng hưởng. Kiến trúc cũng lại nương dựa địa lý, thời tiết mà xây dựng. Chợ vùng cao khác chợ miền xuôi, chợ quê khác chợ thành thị ở kiến trúc, nhưng hình thái giao tiếp thì muôn thuở giống nhau: đấy còn là nơi để trao đổi cảm xúc. Thiếu những yếu tính tự nhiên và tất nhiên ấy, khó thể hình thành một ngôi chợ Việt. Trong thực tế đã có nhiều ngôi chợ được xây dựng khang trang vẫn cứ thành “chợ bà Đanh”. Đô thị hoá mở ra nhiều hình thái buôn bán: siêu thị, thương xá, những hình thức mua bán mới văn minh, tiện nghi... nhưng nếu thiếu đi cái không gian giao tiếp của cộng đồng, cái linh hồn của một đô thị sống động thì nó sẽ thất bại”.

Với nhà văn Trần Tiến Dũng, người thích lưu giữ những không gian hoài niệm của Sài Gòn, tất nhiên chợ không thể thiếu trong “bộ sưu tập” ấy, nhưng “không ít người cho rằng chỉ cần giữ lại cái tháp đồng hồ và một số đường nét kiến trúc là còn nguyên giá trị biểu tượng của chợ Bến Thành. Thật là ăn gian khi người ta tách công năng và biểu tượng của một công trình văn hoá thành hai phần riêng biệt để rồi quyết định phần hồn hay phần xác được phép tồn tại”.

Nhưng khi xu hướng thay đổi là tất yếu, thì chợ không thể không đổi thay? Có thể dùng ý kiến ông Dũng để kết diễn đàn này: “Tất nhiên không ai thương nhớ chợ Việt đến mức tự tử nếu thiếu, nếu mất chợ, nhưng người ta đòi sự công bằng trong cạnh tranh giữa văn hoá chợ truyền thống và văn hoá đồng phục của trào lưu thương mại toàn cầu”.

Ngân Hà (thực hiện)

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...