Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Tương tác Góc nhìn Phố Tạ Hiện: Phục dựng kiến trúc xưa

Phố Tạ Hiện: Phục dựng kiến trúc xưa

Viết email In

Phố Tạ Hiện - một trong những phố khá nổi tiếng của Hà Nội - được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX, trong đó, dãy số lẻ gồm 10 ngôi nhà liền khối, quy mô 2 tầng, mái ngói dốc, giống nhau, mang ảnh hưởng của kiến trúc Pháp, còn dãy chẵn lại mang đậm kiến trúc Việt Nam đang được cải tạo, phục dựng lại.

Hiện trạng, kiến trúc cũ trên con phố này đã bị biến dạng. Những ngôi nhà đã cũ, mái ngói xưa bị thay thành mái tôn, đôi chỗ dột nát, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Còn những ngôi nhà được xây theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam, nguyên bản tầng 2 thường được xây lùi vào, tầng 1 đưa ra sát mặt đường nhưng hiện nhiều người dân cơi nới nên phần tầng 2 các nhà đều di chuyển hết ra phía ngoài, gây ảnh hưởng đến kiến trúc khu phố.

Dự án cải tạo chỉnh trang thí điểm đoạn phố Tạ Hiện” do Ban quản lý (BQL) phố cổ Hà Nội thực hiện với sự giúp đỡ của TP Toulouse (Pháp), nhằm bảo tồn kiến trúc đặc trưng, tạo thành điểm nhấn về kiến trúc và du lịch ẩm thực cho du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy các hoạt động thương mại, du lịch, đồng thời góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân.

  • Ảnh bên : Một số ngôi nhà đã được cải tạo hoàn thiện

Theo đại diện BQLDA, đoạn phố Tạ Hiện bắt đầu từ phố Lương Ngọc Quyến đến phố Hàng Buồm sẽ được cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật như thay thế hệ thống điện sinh hoạt, hệ thống nước, điện chiếu sáng công cộng, cấp thoát nước, bố trí bãi đỗ xe, thêm cây xanh... Mặt đứng kiến trúc của các dãy nhà cũng được cải tạo các hạng mục: kích thước cửa, mái vẩy, màu sơn, vị trí lắp đặt điều hòa cũng được sắp xếp theo quy chuẩn. Riêng công trình rạp Quảng Lạc cần lập dự án nghiên cứu riêng biệt do tính chất đặc thù của công trình.

Cụ thể, dãy nhà số lẻ từ số 5 đến số 27 (chiều sâu trung bình 15m), dãy nhà số chẵn từ số 8 đến 18 (chiều sâu trung bình 19m). Cửa chính tầng 1, mái vẩy, vị trí đặt máy điều hòa, biển hiệu quảng cáo, hệ thống thoát nước, màu sơn mặt đứng... sẽ được cải tạo đồng bộ. Các hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: điện sinh hoạt, điện chiếu sáng công cộng, cấp thoát nước, giao thông tĩnh - động, thông tin liên lạc, cây xanh... sẽ được cải tạo hoàn chỉnh. Lòng đường của khu phố cổ được bảo tồn, cải tạo sẽ được lát bằng đá tự nhiên.

Một ngày đầu hè, mới sáng sớm nhưng con phố đã nhộn nhịp đông người qua lại, công trường cũng bắt đầu thi công với tiến độ gấp rút. Ngay bên trên đường đi, một giàn giáo được lắp đặt, các cán bộ, công nhân kỹ thuật say sưa làm việc, còn bên dưới, cuộc sống thường nhật của người dân vẫn tiếp diễn. Họ vẫn buôn bán như bình thường, hàng quán vẫn nườm nượp người qua lại và đông du khách nước ngoài.

  • Ảnh bên : Bên trên là công trường đang thi công, cuộc sống của người dân vẫn diễn ra thường nhật

Theo quan sát của phóng viên, đến thời điểm này, một số ngôi nhà thuộc dãy chẵn đã được cải tạo hoàn thiện. Xà gồ mục nát đã được thay bằng gỗ lim, mái tôn cũ hoen gỉ cũng được thay bằng mái ngói đỏ tươi, kiến trúc mặt đứng của một số ngôi nhà cũng đã hoàn thiện với màu vôi vàng như màu nắng, cửa gỗ lim 4 cánh vững chắc được sơn xanh nổi bật, cửa sổ cũng bằng gỗ lim. Một số ngôi nhà cũng được chủ nhân tranh thủ xây sửa lại bên trong. Bác Dậu, chủ nhà số 11 (tầng 1) phố Tạ Hiện cho biết: “Nhà tôi đã được cải tạo hoàn thiện. Sau khi cải tạo xong, ngôi nhà sạch sẽ và đẹp hơn nhiều. Chúng tôi rất vui”.

Tuy nhiên, cũng như hầu hết các hộ dân đang sống ở đây, bác Dậu băn khoăn: Theo thiết kế, phần mái vẩy tầng 1 được thiết kế là mái ngói nhưng thực tế lại bị thay thế bằng hệ thống khung sắt bọc vải bạt. Trần thạch cao chưa thực sự được chống thấm tốt. Mặt khác, dù hệ thống thoát nước ở đây tiêu thoát khá tốt nhưng nếu mưa quá to thì ngập đột xuất là không tránh khỏi. “Nếu ngập mà cửa gỗ như hiện nay thì sẽ ảnh hưởng đến cửa và nước vào nhà là không tránh khỏi. Chúng tôi mong khi cải tạo đường, BQL phố cổ… sẽ cho nạo vét cống, tránh ngập lụt khi mưa to”, bác Dậu đề xuất.

Đại diện đơn vị thi công cho biết: Khó khăn nhất trong quá trình triển khai dự án là làm sao phục dựng được kiến trúc xưa, thi công cải tạo mà không làm ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân. Dự án đã nhận được sự đồng thuận của người dân, nhân dân đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi thi công, nếu không thì không thể làm được.

Huyền Vũ

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...