Thật khó có thành phố nào có những nét riêng về không gian, cảnh quan đô thị đặc trưng như Thủ đô Hà Nội.
Trải qua chặng đường dài 60 năm, với biết bao đổi thay của đời sống, đặc biệt là sức ép đô thị hóa, việc Hà Nội giữ được nét riêng như ngày hôm nay thật sự không phải thành phố nào cũng có được.
Song, dưới góc độ đánh giá của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn cũng như của người dân và du khách mến yêu Hà Nội, gương mặt đô thị của thành phố vẫn còn nhiều trăn trở.
Công viên Thủ Lệ
Hà Nội đẹp nhưng cái đẹp dường như đã được giới hạn và chỉ còn bản sắc trong một phạm vi nhỏ, gói gọn trong những khu phố cổ, phố Pháp (trong vành đai 2), Hồ Tây. Ra ngoài thêm chút nữa, những khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ hay mới gần đây như Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm, Văn Phú, Mỹ Đình… cái đẹp của Hà Nội dường như không còn thấy bóng dáng.
Cũng có cây xanh bóng mát, cũng con đường mới khang trang nhưng nhìn chung thiếu bản sắc, giống như những thành phố nào đó, khó mà rung cảm.
Trong khi đó, các làng xã ven đô đang dần không giữ được bản sắc truyền thống với mái đình, ao làng mà đô thị hóa biến đổi quá nhanh. Điều dễ nhận thấy tại các làng nội đô hiện nay là những con đường ngõ hẹp, xe cộ đông đúc chật chội, nhà cửa xây dựng lộn xộn, như bị chèn ép trong cuộc sống đương đại.
Làng cổ Đường Lâm
Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, Hiệu phó trường Đại học Xây dựng Hà Nội, tại các khu vực mới của Hà Nội đã có nhiều tòa cao ốc đẹp, những khu ở sang trọng, những tượng đài hoành tráng nhưng cũng ở đó còn thiếu những đường phố đẹp, thiếu những không gian công cộng có cả giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ, giá trị xã hội cao, tạo nên tính nơi chốn cho một đô thị.
Thực tế hiện nay, người dân rất cần các không gian công cộng, nơi để tập thể dục buổi sáng, ngồi đánh cờ hay chuyện trò mà không phải ngồi vào hàng quán, không phải tận dụng vỉa hè; các phường, xóm không phải ngăn một đoạn phố lại để làm sân khấu sinh hoạt văn nghệ mỗi khi có ngày lễ, ngày hội.
PGS.TS Phạm Hùng Cường cho rằng, thành phố Hà Nội còn thiếu những quảng trường văn hóa, nơi cần phải thực sự là “phòng khách của đô thị.” Đây không chỉ là sân để mít tinh mang tính chính trị, mà còn phải là nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa kết hợp thương mại như quảng bá sản phẩm, kết nối tuyến phố đi bộ. Đa dạng chức năng, tận dụng cho mọi thời gian trong ngày, đó cũng là mục tiêu mà các không gian công cộng như quảng trường văn hóa, thương mại cần hướng tới.
Chung quan điểm trên, nhiều chuyên gia quy hoạch mong muốn Hà Nội cần nhanh chóng hình thành các quảng trường văn hóa, thương mại, tránh để những không gian như tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài Lê Nin đôi khi có những hoạt động vui chơi của thanh thiếu niên không phù hợp.
Kiến trúc sư Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội đề xuất cần nhanh chóng tìm cách giãn sự tập trung quá đông quanh Hồ Gươm những ngày lễ hội. "Bé như thế, chật như thế, làm sao đủ chỗ cho cả thành phố,” ông Lân nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, sẽ là đúng đắn nếu quảng trường có thể ở Mễ Trì, Mỹ Đình, Bắc Thăng Long, Giáp Bát… Các quảng trường này có thể trước quần thể các công trình thương mại, là sân trước của công viên, rạp chiếu phim, nhà văn hóa hay cạnh các hồ nước. Không nên coi những không gian trống như quảng trường là điều xa xỉ (lẽ ra phải để chia lô hoặc xây công trình) mà phải coi đó là một chức năng không thể thiếu để tạo không gian đô thị có chất lượng.
Khu đô thị mới Mỹ Đình - Sông Đà
Khu đô thị Ciputra
Cũng theo PGS.TS Phạm Hùng Cường và kiến trúc sư Lê Văn Lân, tính văn hóa của các không gian công cộng ở Hà Nội hiện nay cũng có nhiều điều cần suy nghĩ. Thành phố ngàn năm tuổi, có bao dấu ấn lịch sử của vùng đất linh thiêng đáng được giữ gìn, khơi gợi lại. Một cổng làng cổ, một lũy tre xanh, hoa đào Nhật Tân, bến Trúc Nghi Tàm, rừng Bàng Yên Thái, rừng Mơ Hoàng Mai, dấu tích các cửa ô, dấu tích các cuộc chiến tranh. Rồi còn nhiều làng cổ, làng nghề..., trải dài lên tất cả là những không gian cảnh quan văn hóa đặc thù Hồng Hà, Hồ Tây, Hồ Gươm… cho đến Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích…
Không cần gì to tát, hoàng tráng, nhưng đối xử như thế nào với những đặc thù đô thị là trách nhiệm của nhiều thế hệ.
Theo các chuyên gia trên, mỗi giải pháp quy hoạch, từng bản thiết kế công trình, những hạng mục kỹ thuật đô thị… đều không được làm lu mờ, hay biến dạng những không gian đặc thù đó. Đôi khi chỉ cần là những bức tượng nhỏ bên hè phố hay đầu khu đô thị, một giếng cổ, cây đa được giữ lại.
“Văn hóa Hà Nội rất đáng tự hào vậy mà nhiều khu đô thị phải vay mượn những hình ảnh của văn hóa phương Tây xa lạ đặt vào. Những đàn ngựa trong khu Royal City hay trước cổng khu đô thị Ciputra khó có thể tạo nên bản sắc Hà Nội,” PGS.TS Phạm Hùng Cường bày tỏ.
Hay tại làng xã, các không gian như sân đình, đài liệt sỹ cũng cần giữ gìn như một không gian công cộng, sao cho nó được người dân sử dụng hàng ngày chứ không chỉ là một không gian tưởng niệm. Hà Nội cũng cần phải mở các không gian cộng cộng đã có, khắc phục việc không gian công cộng đã hiếm hoi nhưng lại bị quây kín.
Chẳng hạn như không gian công viên Thống Nhất, tượng đài Quang Trung, Quảng trường 1/5 rất cần được bỏ hàng rào để đưa chúng thực sự tham gia vào không gian và đời sống của người dân Hà Nội.
Hà Nội còn có một lợi thế là vùng đất đô thị với rất nhiều ao hồ và sông. Các hồ đã tạo nên nhiều không gian có giá trị, hiện đã và đang được cải tạo, chỉnh trang. Đây cũng chính là yếu tố cảnh quan quan trọng góp phần tạo nên bản sắc đô thị Hà Nội rất cần được gìn giữ, cần có các dải cây xanh, có không gian công cộng kề bên.
Có thể thấy, mối quan tâm đến thiết kế đô thị của Hà Nội trong thời gian qua vẫn còn quá ít. Chưa có quảng trường nào, không gian công cộng nào của Hà Nội được đầu tư nâng cấp theo các đồ án thiết kế đô thị có chất lượng. Chính vì vậy Hà Nội chưa có các sản phẩm không gian có vẻ đẹp tạo nên tinh thần nơi chốn.
Hà Nội đã qua những thời kỳ chỉ cần có nhà để ở, có phương tiện để đi. Hà Nội cần tiến tới một đô thị có bản sắc đẹp với sự sâu chuỗi giữa các không gian cổ, cũ và mới. Hà Nội không thể đi sau các thành phố khác đang có sự quan tâm rõ rệt đến các công trình thiết kế đô thị./.
Minh Nghĩa (TTXVN /Vietnam+) / Ảnh minh họa: Ashui.com
- Những bài học từ lịch sử Xã hội học đô thị cho việc bảo tồn Phố cổ Hà Nội
- "Không ai muốn phố cổ Hà Nội thành một khu đô thị mới"
- Tái thiết khu chung cư cũ thành không gian đô thị sống tốt
- Mâu thuẫn quyền lợi nên khó liên kết vùng
- Xây sân bay Long Thành lúc này có quá sức?
- Giảm sử dụng xe máy: Cần thay đổi tư duy về phương tiện giao thông
- Chiến lược quốc gia phát triển công trình xanh đến năm 2020, định hướng năm 2030
- Quy hoạch Thủ đô cần một "bàn tay sắt"
- Thương xá Tax: Chuyện bây giờ mới kể
- Không gian kiến trúc Sài Gòn rồi sẽ ra sao
Lời bình
Rất đúng khi kêu gọi Hà nội cần hơn rât nhiều những không gian công cộng mang bản sắc Hà nội. Nhưng điều mà mọi người mong chờ nhất - thế nào là bản sắc Hà nội thì rất tiếc lại không được đề cập rõ ràng.
Vậy làm sao có thể nhân rộng, phổ biến những không gian đậm chất Hà thành cho hơn 3300 km2 của Hà nội mới.
Nếu nói bản sắc đó chỉ có ở những khu phố cổ, được giới hạn trong vành đai 2 thì quả thật rất khiên cưỡng. Đành rằng đây là khu vực cổ nhất Hà nội nhưng nếu xét trên khía cạnh kiến trúc và cảnh quan đô thị thì khó có thể nói đây là một khu vực có bản sắc đặc thù. Nếu phải đặt lên bàn cân với Hội an, với Huế, phố cổ Hà nội sẽ còn lâu mới bản sắc được như thế. Đấy là chưa kể đến việc càng ngày những ngôi nhà cổ càng ít đi, thay vào đấy là những khách sạn, nhà hàng Tây chẳng ra Tây mà Ta cũng chẳng ra Ta. Thậm trí, những quẩn thể khủng long bạo chúa như EVN tower cũng lách được vào những con phổ nhỏ hẹp của Hà nội cổ. Trong khi đó, những con phố Phái lại lần lượt ra đi về nơi vĩnh hằng. Với bối cảnh đó, nói về bản sắc Hà thành sẽ thật khó thuyết phục.
Nếu bản sắc chỉ là những địa danh, những dấu tích thì còn gì để mà nói. Địa danh nào mà không duy nhât, dấu tích nào mà chẳng có một không hai.
Nếu bản săc chỉ là những đền chùa miếu mạo, những tượng đài các anh hùng dân tộc để mà nâng cao quan điểm thì cũng chẳng khó khăn gì, ở đâu cũng sẽ có khi tiền thuế của nhân dân cả nước được dồn về để dựng xây.
Nếu bản sắc chỉ là những hoa đào Nhật tân, bến trúc Nghi tàm, rừng bàng Yên thái, vườn mơ Hoàng mai thì sẽ chỉ còn là dĩ vãng xa xăm, nhạt nhòa đến mức không định hình được cả trong kí ức.
Hà nội nay đã khác xưa. Ấn tượng về Hà nội trên tất cả những con đường vào thủ đô đều đã là skyline của những công trình cao tầng đang mọc lên như nấm sau mưa. Còn tương lai cảu Hà nội sẽ không thể nào khác ngoài một Megacity trung tâm của cả vùng Bắc bộ.
Vậy đâu sẽ là bản sắc của thành phố ngàn năm tuổi?
Bản sắc đó phải chẳng là điểm xuyên suốt lịch sử từ thủa Lý Công Uẩn định đô về đất Thăng long, là địa thế dựa núi nhìn sông mà quy hoạch hiện nay đang phá bỏ?
Bản sắc dó phải chẳng là sự gắn kết, sự bổ xung và cũng là sự tương phản của những cung vua và phủ chúa ngày xưa, của Ta và Tây ở nơi lắng hồn núi sông hiện nay, của trung tâm Ba Đình và trung tâm hành chính quốc gia trong tương lai?
Bản sắc đó phải chăng là làm sao để mỗi cực trong lưỡng cực của sự phát triển đô thị đều là những tinh hoa của quy hoạch cảnh quan; đê mỗi trung tâm trong một Megacity đa trung tâm đều là những đều là những đại diện ưu tú cho một cộng đồng văn hóa phong phú đa dạng?
Mà hình như chưa từng có nghiên cứu nào và bản sắc Hà thành nào thì phải!
Vậy sẽ xây dựng những không gian cộng cộng và cả một Hà nội bản sắc như thế nào?
tin bình luận RSS của chủ đề này