Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Phản biện Kẹt xe tại TP.HCM sẽ ngày càng trầm trọng

Kẹt xe tại TP.HCM sẽ ngày càng trầm trọng

Viết email In

Mỗi năm lượng xe tại TP.HCM tăng 10% trong khi đường giao thông chỉ tăng 2%. Nếu 7 triệu xe cùng ra đường thì xe cộ sẽ xếp kín mặt đường, không còn chỗ di chuyển. 

Sau nhiều năm đầu tư mở rộng làn đường, xây nhiều cầu vượt, làm một số tuyến đường mới... tình hình kẹt xe tại TP.HCM tưởng đã được khắc phục nhưng thực tế không phải vậy. 

Theo cảnh báo của các chuyên gia giao thông, tình trạng kẹt xe tại TP.HCM sẽ ngày càng tăng bởi tốc độ xây dựng, phát triển cầu đường mới không theo kịp sự gia tăng lượng xe cá nhân. Thêm vào đó, việc phát triển vận tải công cộng lại chậm chạp và chưa có sự chuyển biến đột phá.  


Xe cộ kẹt cứng từ cầu vượt ngã tư Thủ Đức kéo dài trên đường Lê Văn Việt (P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM) 

Đường giao thông tăng 2%, xe cộ tăng 10%

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, năm 2010 toàn TP có khoảng 4,9 triệu xe (gồm 4,49 triệu xe gắn máy và 446.956 ôtô). 

Đến cuối năm 2012, số xe của TP tăng lên gần 6 triệu chiếc (gồm 5,46 triệu xe gắn máy và 536.983 ôtô). Đến cuối năm 2014, TP đã hơn 7 triệu xe (khoảng 6,4 triệu xe gắn máy và khoảng 600.000 ôtô). 

Với lượng xe gắn máy 6,4 triệu, TP.HCM là địa phương có lượng xe gắn máy đứng đầu cả nước (tổng số 63 tỉnh thành là 43 triệu xe gắn máy). 

Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông TP có mức tăng rất thấp - chỉ khoảng 2%/năm.

Năm 2011, TP.HCM có khoảng 3.217km đường giao thông với diện tích 25,8 triệu m2 và 989 chiếc cầu với tổng chiều dài 50.030m.

Năm 2012, diện tích cầu, đường được xây dựng mới tăng thêm khoảng 595.000m2. Năm 2013, xây dựng mới 41,2km đường với diện tích 886.725m2 và xây mới 24 cầu.

Năm 2014, có 134,2km đường được xây dựng mới. Dự kiến trong năm 2015 sẽ làm mới khoảng 34,5km đường và xây mới 10 cầu. 

Đánh giá những hạn chế trong phát triển hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã nhận định phương tiện giao thông cá nhân và số lượng người nhập cư vào TP tăng cao sẽ tiếp tục gây quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. 


Số liệu xe tham gia giao thông ở TP.HCM (Ảnh: Hữu Khoa, Đồ họa: T.Thiên) 

Cầu vượt chống kẹt xe chỉ là tạm bợ

Nếu hơn 7 triệu xe cùng lưu thông trên diện tích hơn 26 triệu m2 mặt đường giao thông TP.HCM thì các xe gần như xếp kín mặt đường.

Chuyên gia giao thông-Tiến sĩ PHẠM SANH

Để giải quyết các điểm kẹt xe tại các nút giao thông, TP đã đầu tư xây dựng nhiều cầu vượt bằng thép tại các điểm này. 

Nói về tình hình ùn tắc giao thông trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - từ nút giao thông Hàng Xanh đến ngã năm Đài liệt sĩ (Q.Bình Thạnh), ông Vũ Kiến Thiết - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 TP.HCM - cho rằng cầu vượt ngã tư Hàng Xanh (thông xe tháng 1/2013) chỉ có thể giải quyết tạm thời. 

Bởi với mật độ lượng xe cá nhân tăng bình quân 10% mỗi năm nên chuyện kẹt xe tại nút giao thông Hàng Xanh hiện xảy ra ngày càng nhiều, nhất là vào giờ cao điểm.

Cách đây hơn 10 năm đã có đơn vị nghiên cứu toàn bộ khu vực nút giao thông Hàng Xanh, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) đã cảnh báo nguy cơ kẹt xe.

Theo đó, các đơn vị đã đề xuất xây dựng nhiều cầu vượt, hầm chui hoàn chỉnh giải quyết căn cơ tình hình kẹt xe tại đây. Thế nhưng, do quy mô đền bù giải tỏa rất lớn nên sở đã dừng thực hiện đề án mở rộng nút giao thông Hàng Xanh.

"Trước mắt cần thực hiện những giải pháp tạm thời như cử lực lượng điều tiết cho xe gắn máy lên cầu vượt Hàng Xanh. Nhưng về lâu dài, các cơ quan chức năng cần xem xét triển khai đề án và sớm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao thông này" - ông Vũ Kiến Thiết nói.

Tương tự, theo lãnh đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP HCM, cầu vượt Lăng Cha Cả, Q.Tân Bình (sử dụng từ tháng 4/2013) cũng chỉ là giải pháp tạm thời giải quyết ùn tắc giao thông tại đây trong vài năm.

Hiện nay, tình trạng kẹt xe tại nút giao thông này đã quay trở lại ngày một nghiêm trọng hơn. Mới đây, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã thi công mở rộng thêm làn đường cho xe lưu thông trên đường Trần Quốc Hoàn vào giờ cao điểm nhưng vẫn không thể giải quyết chuyện ùn ứ xe tại đây.

Có thể nói các dự án xây dựng nút giao thông Lăng Cha Cả, nút giao thông Cây Gõ (Q.11), nút giao thông 3 Tháng 2 - Nguyễn Tri Phương - Thành Thái (Q.10)... cũng chỉ là những công trình tạm thời giải quyết ùn tắc giao thông trong một thời gian ngắn.

Trong khi đó, theo quy hoạch các công trình đầu tư xây dựng các nút giao thông hoàn chỉnh này đòi hỏi vốn đầu tư lớn vì có quy mô đền bù giải tỏa rất lớn.


Kẹt xe dưới cầu vượt Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình (Ảnh: Đức Phú) 

Khách đi xe buýt giảm

Theo các chuyên gia giao thông, để giảm bớt nạn kẹt xe cần đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng. Thế nhưng, nghịch lý là trong khi lượng xe cá nhân tiếp tục tăng cao thì lượng hành khách đi xe buýt tại TP.HCM lại đang giảm.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2015, có khoảng 152 triệu lượt hành khách đi xe buýt, giảm khoảng 15 triệu lượt (8,9%) so với 6 tháng đầu năm 2014.

Điều này cho thấy người dân không bỏ xe cá nhân để đi xe buýt, mà ngược lại họ từ bỏ xe buýt để đi xe cá nhân, khiến mật độ xe cá nhân lưu thông trên đường ngày càng tăng.

Có nhiều nguyên nhân khiến người dân không muốn đi xe buýt. Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP, đúng là xe buýt còn nhiều mặt hạn chế: mạng lưới xe buýt chưa liên thông, lộ trình thường xuyên thay đổi do ảnh hưởng công trình thi công…

Đặc biệt vẫn còn tồn tại những hành vi không tốt của một bộ phận không nhỏ lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt phân biệt đối xử với hành khách sử dụng vé tập bán trước; xe buýt chạy nhanh, phóng ẩu…

"Có thể nói về lâu dài giải pháp để giải quyết bài toán kẹt xe ở TP đòi hỏi những dự án đầu tư xây dựng cầu, đường đồng bộ nhằm tăng thêm diện tích mặt đường cho xe lưu thông. Giải pháp đưa các tuyến metro có sức vận chuyển lớn vào chở khách, chạy đúng giờ cũng sẽ tạo niềm tin cho người sử dụng phương tiện công cộng này", một chuyên gia về giao thông nhận định. 

Cần phát triển vận tải hành khách công cộng

Để giải quyết bài toán giao thông ở TP.HCM cũng như các địa phương khác thì vấn đề cần làm là đầu tư cầu, đường, phát triển vận tải hành khách công cộng và hạn chế xe cá nhân. Nếu các giải pháp trên làm chậm trong khi xe cá nhân tăng nhanh sẽ gây kẹt xe ngày càng nhiều.

Thế nhưng nếu phát triển hạ tầng tốt và giao thông công cộng tốt mà không làm quản lý đô thị tốt thì sẽ tiếp tục phát sinh kẹt xe.

Điều bất cập không riêng của TP.HCM mà các địa phương khác là trong quản lý có sự tách biệt giữa ngành quản lý giao thông và ngành quản lý đô thị. Có thể nói là mạnh ai nấy làm!

Đô thị hiện nay phát triển nóng nhưng không ai quan tâm đến khu đô thị đó có đủ hạ tầng giao thông không, trong đó có bãi đậu xe chưa. Bởi đô thị mọc lên trên tuyến đường mà thiếu cơ sở hạ tầng thì đường sá sẽ tiếp tục kẹt xe.

Theo tôi, cần có tầm nhìn lớn, cần có nhạc trưởng để giải quyết vấn đề kẹt xe ở TP.HCM. Không nên quá trông chờ các dự án metro, trước mắt cần có ngay những bước đi nho nhỏ mà mang lại hiệu quả giải quyết kẹt xe: tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bổ sung biển báo...

Chuyên gia giao thông - tiến sĩ PHẠM SANH 

(Tuổi Trẻ) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo