Dù chỉ mới được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành, nhưng quy định bắt buộc các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại phải có ít nhất 3 tầng hầm gửi xe đã gây không ít bức xúc cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản.
Ngày 25/5, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, qua đó có phản hồi cũng như kiến nghị chính thức tới 2 cơ quan trên về quy định mới ban hành về việc bắt buộc các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại phải có ít nhất 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng.
Quy định áp chỉ tiêu 3 tầng hầm cho các công trình làm tắc hoạt động đầu tư bất động sản, làm khó doanh nghiệp? (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)
Quy định làm tắc hoạt động đầu tư
Trước tiên, để bạn đọc dễ nắm bắt, ngày 14/4/2016, Sở quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có thông báo số 1823/TB-QHKT về việc bố trí tối thiểu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại theo chỉ đạo của Thành ủy.
Sau đó, ngày 13/5/2016, Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã có văn bản số 2685/UBND – ĐT về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tại thông báo số 83-TB/TU ngày 24/3/2016.
Theo VNREA, Hiệp hội chia sẻ về sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đối với việc giải quyết tình trạng thiếu hụt diện tích giao thông tĩnh, các bãi đỗ xe, các khu vệ sinh công cộng tại địa bàn thành phố đặc biệt là tại các khu trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, diễn giải trong văn bản của mình, VNREA cho rằng: thông báo số 1823/TB-QHKT ngày 14/4/2016 của sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội có một số bất cập sau:
Thứ nhất: Thông báo chưa phù hợp về hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là đối với các nội dung điều chỉnh thị trường bất động sản, một lĩnh vực lớn, có ảnh hưởng rộng đến sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước cũng như sự phát triển của thành phố, chưa phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đã được ban hành.
Thứ hai: Thông báo không quy định rõ về quy mô, vị trí, tính chất công trình, dự án như ở nội đô, ngoại thành, hay nhà ở xã hội, nhà ở thương mại… Điều này gây khó khăn trong quá trình áp dụng, gây ách tắc toàn bộ hoạt động đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố.
Thứ ba: Về vấn đề chuyển tiếp, với quy định của thông báo, các dự án đang bị dừng lại, hoặc trả về…đã thực sự gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Thêm nữa, với việc quy định như vậy chi phí đầu tư sẽ bị đội lên, các thủ tục phải làm lại từ đầu…trong khi đó để dự án đi đến giai đoạn như quy định tại thông báo, chủ đầu tư đã phải làm nhiều thủ tục và tốn quá nhiều thời gian. Điều này là bất hợp lý khi áp dụng vào thực tế.
Với các bất cập trên, rất nhiều các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thủ đô đã phản ảnh tới Hiệp hội bất động sản Việt Nam về các khó khăn, bức xúc xuất phát từ những bất cập này.
Cần dừng hiệu lực thông báo 1823
Vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành chức năng xung quanh quy định trong thiết kế và xây dựng tối thiểu có 3 tầng hầm. Cụ thể, Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, chính sách để cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của Thành ủy, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trong tháng 5/2016.
Văn bản nêu rõ, kết quả nghiên cứu, đề xuất phải làm rõ những nội dung chủ yếu như: thẩm quyền, hình thức ban hành chính sách; sự đồng bộ, phù hợp của các biện pháp, chính sách đề xuất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; phân loại các nội dung quản lý để có chính sách áp dụng phù hợp (phân loại theo mô hình đầu tư: nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, công trình công cộng, công trình hỗn hợp; theo quy mô đầu tư; theo không gian áp dụng: nội thành, ngoại thành…; các điều kiện về kỹ thuật khi xây dựng tầng hầm nhằm đảm bảo khả năng kết nối hệ thống các công trình ngầm; vấn đề chuyển tiếp khi áp dụng chính sách.
Theo VNREA, văn bản số 2685 mới đây của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội là rất kịp thời, đưa ra các ý kiến chỉ đạo phù hợp.
Đồng thời, VNREA kiến nghị Thành phố Hà Nội trước mắt có văn bản dừng hiệu lực của thông báo số 1823/TB-QHKT ngày 14/4/2016 của Sở Quy hoạch kiến trúc, vì thông báo đã và đang gây ách tắc hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, đến khi thành phố có quyết định chính thức.
Cần phải xác định rõ quy mô, vị trí, tính chất… của các dự án, công trình khi áp dụng các quy định này và phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của toàn thành phố trong việc bố trí mạng lưới giao thông tĩnh cũng như các khu vệ sinh công cộng.
Mặt khác, các quy định này cần phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành đã được ban hành trước đó như Quy chuẩn xây dựng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành...
Đề nghị Sở Quy hoạch kiến trúc khi dự thảo văn bản cần có sự tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Điều này sẽ tham mưu giúp thành phố có các quyết định thực tế, toàn diện hơn và sẽ nhận được sự ủng hộ tốt hơn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Về việc chuyển tiếp, đề nghị chỉ áp dụng quy định này đối với các dự án, công trình bắt đầu nộp hồ sơ thỏa thuận kiến trúc, quy hoạch kể từ ngày có quyết định chính thức của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Thời gian tới, dư luận, đặc biệt là các chủ đầu tư, doanh nghiệp, với hàng trăm dự án trên giấy đang bị áp “chỉ tiêu” 3 tầng hầm, chắc chắn sẽ rất quan tâm tới những động thái tiếp theo từ Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội./.
Võ Phương
(Vietnam+)
- Xây dựng mô hình đô thị năng động, cởi mở
- Quy hoạch hụt hơi “chạy theo” dự án
- Những ngôi làng xen kẹt trong lòng đô thị mới ở ven đô Hà Nội
- “Nặng gánh” quy hoạch đô thị
- Sẽ khó có quy hoạch đô thị nếu cứ “mạnh ai nấy điều chỉnh”
- Hà Nội – những “lỗ hổng” trong công tác quản lý quy hoạch đô thị
- Lỗ hổng môi trường khi quyết định các dự án kinh tế
- Chuyên gia lo ngại dự án thủy điện trên sông Hồng
- TP.HCM: Trung tâm thương mại ngầm - đô thị dưới lòng đất
- Sự biến đổi của cảnh quan công nghiệp: Cơ hội mới cho các thành phố quy mô trung bình?