Phát triển đô thị trong sự biến đối của cảnh quan công nghiệp:
CÁC THÀNH PHỔ CẦN HIỂU MÌNH VÀ HIỂU THỊ TRƯỜNG
Trong suốt một thời gian dài, vùng đô thị Hà Nội và đặc biệt là vùng TPHCM chiếm một vị trí độc tôn về sản xuất do thuận lợi về hạ tầng, nhân lực, quy mô thị trường nội địa cũng như khả năng tiếp cận với thị trường thế giới. Đó là giai đoạn sản xuất ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng và dựa vào nhân công giá rẻ.
Giờ đây, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới về công nghiệp. Các ngành công nghiệp nặng thâm dụng vốn và công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao đang phát triển với tốc độ nhanh nhất. Điển hình là nhóm sản phẩm than và dầu mỏ tinh chế tăng sản lượng tới 86 lần trong giai đoạn 2005 – 2013. Đứng thứ nhì về tốc độ tăng trưởng là sản xuất sản phẩm điện tử với sản lượng tăng gần 19 lần trở thành ngành có sản lượng lớn thí nhì, đạt 186 nghìn tỷ. Trong khi đó các lĩnh vực truyền thống như may mặc, dệt và da giày đều có mức tăng trưởng thấp hơn từ 4 lần trở xuống trong cùng giai đoạn.
20 tỉnh thành có sản lượng công nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013. (Nguồn số liệu: Tổng cục thống kê)
Sự biến đổi của cơ cấu ngành công nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến bản đồ công nghiệp Việt Nam. Dẫn đầu về tốc tộ tăng trưởng sản lượng công nghiệp là hai trung tâm của hai lĩnh vực tăng nhanh nhất: Quảng Ngãi – trung tâm hóa dầu, và Bắc Ninh – trung tâm sản xuất hàng điện tử.
Sự phát triển công nghiệp tại Bắc Ninh và Quảng Ngãi cũng như sự tập trung của sản xuất công nghiệp tại Bình Dương trước đó, phản ánh hai xu thế quan trọng:
1/ Công nghiệp tập trung vào vùng giáp ranh của hai đô thị trung tâm là Hà Nội và Tp HCM để khai thác lợi thế về tiếp cận thị trường, nguồn nhân lực, hạ tầng và đất đai – sự hoàn thiện của hệ thống hạ tầng giao thông nội vùng khuyến khích xu hướng này.
2/ Các trung tâm công nghiệp mới hình thành do những nguồn vốn đầu tư khổng lồ vào những lĩnh vực mới tại những vị trí hoặc gần nguồn tài nguyên hoặc gần hạ tầng chiến lược cho lĩnh vực đó – sự chuyển dịch sang công nghiệp nặng và công nghệ cao khuyến khích xu hướng này.
Tỷ suất di cư thuần (hiệu số giữa số người nhập cư và xuất cư trên 1000 dân) của một số tỉnh thành. Các thành phố lớn đang mất dần tính hấp dẫn. (Nguồn số liệu: Tổng cục thống kê)
Bắc Ninh vốn đã là một tỉnh hấp dẫn với các nhà sản xuất từ trước do vị trí giáp ranh với Hà Nội và có kết nối tốt với cảng Hải Phòng và các cụm sản xuất ở miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên cú hích thực sự đối với sản xuất tại Bắc Ninh là việc tập đoàn Samsung đổ hàng tỷ dollar vào nhà máy tại khu công nghiệp Yên Phong. Bên cạnh các chính sách ưu ái của địa phương, Samsung chọn Yên Phong nhằm khai thác vị trí chiến lược của KCN này: nằm sát vách Hà Nội và đặc biệt là chỉ cách cảng hàng không Nội Bài, cửa ngõ ra thế giới cho sản phẩm của hãng, chưa đầy 20 phút di chuyển trên đường quốc lộ 18 vốn đã được nâng cấp thành đường cao tốc. Đầu tư sau đó của SamSung vào KCN Yên Bình, Thái Nguyên, cũng nhằm khai thác cùng lợi thế về vị trí địa lý như Yên Phong.
Việc chính phủ đầu tư 3 tỷ đô-la Mỹ để xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi cũng tạo ra một bước đột phá cho nền kinh tế tỉnh này như tác động của Samsung vào Bắc Ninh. Việc lựa chọn Quảng Ngãi ngoài lý do cân bằng phát triển vùng và hỗ trợ một tỉnh nghèo như mọi người thường nghĩ. Quảng Ngãi không chỉ có cảng nước sâu Dung Quất phục vụ cho việc nhập và xuất các sản phẩm hóa dầu, vị trí của Quảng Ngãi cho phép các sản phẩm của cụm Dung Quất có thể phục vụ cả hai trung tâm kinh tế lớn nằm ở hai đầu đất nước. Tiếp theo Dung Quất, các cụm công nghiệp nặng với vốn đầu tư FDI khổng lồ đều chọn điểm đến là miền Trung: lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) có vốn đầu tư 9 tỷ đô-la, cụm công nghiệp thép ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) có vốn 22 tỷ đô-la và gần đây là đề án nhà máy lọc dầu Nhơn Hội cũng có vốn 22 tỷ đô-la. Nếu những dự án này triển khai như dự án kiến sẽ biến đổi cảnh quan công nghiệp tại Việt Nam với sự ra đời của một loạt trung tâm mới ven biển miền Trung.
Cụm công nghiệp lọc hóa dầu tại Dung Quất
Tuy nhiên, sự gia tăng sản lượng công nghiệp tác động rất khác nhau tới sự gia tăng về dân số và phát triển đô thị. Bắc Ninh , từ tỉnh “xuất khẩu lao động” với tỷ suất di cư thuần âm[1], sang tỉnh “nhập khẩu lao động” với tỷ suất di cư thuần lên tới 13, đứng thứ hai trong cả nước, chỉ thấp hơn Bình Dương vốn tiếp tục là một điểm đến của người lao động. Giống như Bắc Ninh và Bình Dương, các địa phương vệ tinh trong hai vùng đô thị trung tâm đều đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh và có cơ hội xây dựng tỉnh lỵ thành những đô thị có chất lượng hạ tầng và điều kiện sống tốt. Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng nhìn rõ cơ hội của chính mình. Bình Dương có lẽ là tỉnh nhìn thấy rõ và sớm nhất nhu cầu chuyển đổi từ một ngoại ô sản xuất của Tp HCM thành một thành phố hấp dẫn để sinh sống. Tầm nhìn này thể hiện thông qua việc đầu tư vào thành phố mới Bình Dương trong đó tiện ích đô thị như nhà văn hóa và một công viên lớn nằm ở lõi của đô thị cũng như không gian dành cho trường đại học và thiết kế thân thiện với người đi bộ được chú trọng. Đây là một tư duy hiện đại về phát triển kinh tế nhắm tới mục tiêu thu hút nhân lực bậc cao để phát triển lâu dài khi mà yếu tố giá đất và thù lao cho nhân công thấp dần mất dần ý nghĩa.
Ngược lại với Bắc Ninh, Quảng Ngãi vẫn tiếp tục có tỷ suất di cư thuần âm chứng tỏ rằng sự phát triển công nghiệp tại Quảng Ngãi chưa là cú hích cho các ngành công nghiệp khác và chưa tạo ra một nhu cầu lớn về lao động. Thực tế là bản thân các ngành công nghiệp nặng thường không tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực và không thúc đẩy đáng kể sự phát triển đô thị do nằm xa khu dân cư. Toàn bộ nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ cần 1.400 công nhân để vận hành. Trong khi đó với cùng quy mô đầu tư, nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh tạo ra việc làm cho không dưới 10.000 người. Khi mà các cụm công nghiệp nặng có vốn đầu tư khổng lồ đều đã chọn điểm đến là duyên hải miền Trung, liệu các tỉnh miền Trung có thực sự tận dụng được cơ hội này để phát triển nhanh hơn? Để khai thác lợi ích mà những khoản đầu tư công nghiệp khổng lồ này mang lại, các địa phương phải tìm cách xây dựng một hệ sinh thái các ngành công nghiệp và lĩnh vực liên quan để sử dụng sản phẩm hoặc hỗ trợ phát triển cho mảng công nghiệp nặng đã được đầu tư. Điều này đòi hỏi các chính quyền không chỉ có quyết tâm chính trị và sự thân thiện với doanh nghiệp mà quan trọng hơn là hiểu rõ thế mạnh, điểm yếu của địa phương và biết được thị trường cần gì.
Mong ước xây “lâu đài” công nghiệp trên cát tại Nhơn Hội (Bình Định) thất bại vì không “hiểu mình và hiểu thị trường”. Khu kinh tế này giờ đây trông chờ vào dự án lọc dầu 22 tỷ dollar của PTT (Thái Lan). Ảnh: Nguyễn Đỗ Dũng
Hiểu chính mình và hiểu thị trường luôn là điều kiện tiên quyết để thành công. Bài học của khu kinh tế Nhơn Hội vẫn còn đó. Nằm trên một vùng đất ven biển cát phủ dày hàng mét vốn không tạo ra một nền đất vững chắc cho các ngành chế tạo và sản xuất hàng tiêu dùng mà địa phương bấy lâu nay phí công tìm kiếm. Nếu hiểu rõ về thuận lợi cũng như hạn chế của vùng đất này, đáng ra địa phương phải chú tâm vào các lĩnh vực hóa dầu và xây dựng chiến lược thu hút đầu tư công nghiệp xoay quanh lĩnh vực này thay vì ngồi chờ nhà đầu tư tìm thấy mình.
Trong bối cảnh này, các thành phố cẩn tỉnh ngộ về sự thay đổi của cảnh quan công nghiệp ở Việt Nam và đưa ra giải pháp chiến lược để khai thác cơ hội mới và đảm bảo sự tăng trưởng cho thành phố mình.
Phỏng vấn nhanh tiến sỹ Nguyễn Lưu Bảo Đoan, chuyên gia về kinh tế đô thị và quy hoạch vùng (Đại học Hoa Sen) và bà Phạm Thị Huệ Linh, giám đốc trung tâm quy hoạch số 4, Viện Quy hoạch đô thị – nông thôn (Bộ Xây dựng): BIẾN ĐỔI KINH TẾ TÁC ĐỘNG TỚI HỆ THỐNG ĐÔ THỊ NHƯ THẾ NÀO?Đối với những biến đổi hiện nay trong nền kinh tế như việc hoàn thiện dần hệ thống giao thông liên đô thị, đầu tư vào công nghiệp nặng đa dạng hơn về ngành cũng như địa lý và Việt Nam gia nhập TPP[2], ông hình dung hệ thống đô thị VN sẽ thay đổi như thế nào? Tiến sỹ Nguyễn Lưu Bảo Đoan: Hệ thống đường cao tốc được kết nối hoàn chỉnh kết hợp với tác động của TPP lên sản xuất và xuất khẩu sẽ làm các khu công nghiệp, khu logistics mọc lên tại những điểm hub mà trước đây chưa có. Điều này thể hiện rõ ràng tại các đầu mối giao thông quan trọng như điểm kết nối đường cao tốc và sân bay, đường cao tốc và bến cảng. Trong bối cảnh quy hoạch đô thị vẫn còn mang tính đối phó, thiếu tính chiến lược cấp vùng và yếu về mặt thực thi, có nhiều khả năng tốc độ phát triển dàn trải nhảy cóc sẽ diễn ra nhanh hơn hiện tại và đồng thời diện tích đô thị cũng sẽ phình ra. Đô thị hóa sẽ xuất hiện ở những điểm quanh khu công nghiệp, nằm ở vùng ven hoặc khu vực hiện nay vẫn còn là nông nghiệp tạo ra các thành phố công nghiệp. Bên cạnh đó, các điều khoản bất lợi về nông sản sẽ góp phần thúc đẩy nông dân một số khu vực không có ưu thế làm nông nghiệp ở quy mô nhỏ lẽ không thể cạnh tranh hàng nhập khẩu. Họ sẽ sớm bỏ việc canh tác để gia nhập lực lượng lao động công nghiệp. Và điều này góp phần vào tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa. Có nhiều dự báo về sự tăng trưởng của ngành dệt may do TPP, nếu điều này xảy ra, có nhiều khả năng sẽ hình thành một số thành phố/địa phương có nền kinh tế được chuyên môn hóa xung quanh dệt may, tận dụng đội ngũ lao động nông thôn có trình độ thấp và tận dụng vị trí địa lý trong vùng nguyên liệu phụ trợ. Tóm lại, tác động của TPP và hệ thống giao thông mang tính khuếch đại những tác động của đô thị hóa và năng lực quy hoạch lên tính chuyên môn hóa nền kinh tế địa phương, gia tăng quy mô theo chiều rộng của đô thị, và sự xuất hiện các đô thị mới. Khi sự chuyên môn hóa nền kinh tế địa phương được củng cố tạo ra tác động kinh tế nội ngành do quần tụ (agglomeration), hệ thống đô thị VN sẽ chứng kiến sự xuất hiện một số thành phố lớn và quan trọng mới. Bà Phạm Thị Huệ Linh: Về nguyên tắc, nếu giao thông và công nghiệp được phân bố hợp lý và hoạt động có hiệu quả thì sẽ là những yếu tố thuận lợi cho đô thị phát triển. Tuy nhiên, giao thông đã tốt hơn chưa? Công nghiệp đã đa dạng hơn chưa vẫn còn là những câu hỏi. Đặc biệt là tính hiệu quả của hai yếu tố này đối với nền kinh tế và xã hội ở Việt nam cũng không rõ. Hai yếu tố nêu trên có thể có tác động khác nhau đến mỗi đô thị nên khó có thể kết luận chung cho cả hệ thống. Khi hình dung về vấn đề gì thì cũng phải có cơ sở hoặc niềm tin. Cá nhân tôi thì không đủ khả năng hình dung về cả hệ thống đô thị thông qua một vài nhận định đơn giản. Tuy nhiên, có thể dự đoán một vài xu hướng như sau: Đô thị hóa tại Việt nam vẫn tập trung ở hai cực là vùng Tp HCM và vùng Hà nội; và việc phát triển một số cụm công nghiệp lớn sẽ không dẫn đến sự hình thành các đô thị mới như đã được quy hoạch mà sẽ làm tăng dân số ở các khu dân cư hiện hữu lân cận các khu công nghiệp, thậm chí có thể dẫn đến sự quá tải và xuống cấp môi trường sống tại các khu này. Với thành phố mà ông, bà nghiên cứu, chính quyền đã có những chính sách gì để gia tăng tính cạnh tranh của địa phương? Tiến sỹ Nguyễn Lưu Bảo Đoan: Chính quyền TP.HCM có vẻ tập trung thu hút lao động tay nghề cao, và muốn hướng đến phát triển kinh tế dựa vào các ngành dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao. Do đó các chính sách gia tăng tính cạnh tranh chủ yếu nhằm cải thiện chất lượng sống nói chung ở thành phố này. Các biện pháp nâng cao tính cạnh tranh còn bao gồm những chính sách chung nhằm giảm sự phiền hà cho doanh nghiệp. Bà Phạm Thị Huệ Linh: Các địa phương, từ nhiều năm nay đều mong muốn gia tăng tính cạnh tranh cho địa phương mình, nhưng chủ yếu là thông qua ưu đãi về đất đai và thuế. Tôi chưa thấy rõ các chính sách khác để gia tăng tính cạnh tranh của các địa phương mà tôi đã tiếp xúc. |
Nguyễn Đỗ Dũng
(Bài đã đăng trên Người Đô thị)
[1] Tỷ suất di cư là hiệu số giữa số người nhập cư và số người xuất cư trên tổng số 1000 người. Tỉnh có tỷ suất di cư thuần âm là tỉnh có nhiều người xuất cư hơn nhập cư.
[2] TPP: Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương
- Áp chỉ tiêu 3 tầng hầm làm tắc hoạt động đầu tư bất động sản?
- Hà Nội – những “lỗ hổng” trong công tác quản lý quy hoạch đô thị
- Lỗ hổng môi trường khi quyết định các dự án kinh tế
- Chuyên gia lo ngại dự án thủy điện trên sông Hồng
- TP.HCM: Trung tâm thương mại ngầm - đô thị dưới lòng đất
- Hà Nội vẫn "loay hoay" tìm giải bài toán về bãi đỗ xe ngầm
- Tại sao phải bàn chuyện dời ga Sài Gòn?
- Chuyên gia lo metro số 1 của TPHCM không có người đi
- Phát triển đô thị xanh, cần thêm chính sách hỗ trợ
- Bảo tồn không gian văn hóa - kiến trúc: Chạm vào phần lõi di sản