Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Phản biện Tại sao phải bàn chuyện dời ga Sài Gòn?

Tại sao phải bàn chuyện dời ga Sài Gòn?

Viết email In

Mấy ngày nay dư luận xôn xao chuyện nên hay không nên dời ga Sài Gòn ra khỏi trung tâm thành phố. Có ý kiến cho rằng, nhân sự cố sập cầu Ghềnh nên dời luôn ga Sài Gòn ra Biên Hòa (Đồng Nai) hay Dĩ An (Bình Dương) để TPHCM đỡ kẹt xe, người dân đỡ phiền toái. 

Trên báo Tuổi Trẻ, hàng chục ngàn bạn đọc đã thể hiện chính kiến của mình trước vấn đề mà báo này đặt ra, đó là: Có nên dời ga Sài Gòn? Không chỉ độc giả thông thường, nhiều ý kiến của nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực - tỏ bày trên báo này - cho thấy “kẻ muốn, người không… ông thì cần thận trọng”.  


Hàng hóa được nhân viên Ga Sài Gòn dỡ từ toa tàu xuống để trả lại cho chủ hàng sáng 21/3/2016, sau sự cố cầu Ghềnh.
(Ảnh: Văn Nam) 

Rõ ràng, dời ga là “chuyện không của riêng ai” vì nó có ảnh hưởng đến nhiều người, nhưng không phải vì thế mà ai (người bình thường hay người có chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó) cũng biết được câu trả lời đúng đắn là "nên hay không nên" dời ga. Bởi vì, để đi đến quyết định dời ga hay không dời cần phải có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng trong nhiều lĩnh vực (quy hoạch giao thông, kinh tế đô thị, kinh tế - xã hội, văn hóa…) về cái lợi và cái hại đối với cộng đồng xã hội. 

Nếu chịu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy câu chuyện có nên dời ga Sài Gòn ra khỏi trung tâm thành phố hay không không mới. Tra Google sẽ thấy trên báo chí đã từng nhiều lần đề cập đến ấn đề này. Bởi vì, khi thực hiện các đồ án quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM hay quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường sắt Việt Nam, các chuyên gia trong nước, ngoài nước cùng các sở, bộ, ban ngành đã tranh luận, phân tích, mổ xẻ… rất cặn kẽ về “cái sự được - mất” của việc dời ga này. 

Do đó, chúng ta cần xem lại số phận của ga Sài Gòn đã được định đoạt như thế nào trong các đồ án quy hoạch phát triển giao thông đường sắt đã được phê duyệt (để coi quy hoạch đó “có hợp lý” hay không), chứ đừng vì một sự cố nào đó như sự cố cầu Ghềnh mà đòi dời ga, đòi điều chỉnh quy hoạch!

Vấn đề không phải nên hay không nên dời ga Sài Gòn ra khỏi trung tâm thành phố, mà nên bắt tay thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông đường sắt đã được xác định. 

Thực ra, theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 24-8-2015 thì, vẫn “ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM dài khoảng 1.726 kilômét…; cải tạo, nâng cấp các ga có nhu cầu vận tải lớn để nâng cao chất lượng dịch vụ…, ưu tiên nâng cấp các cây cầu yếu, xuống cấp”.

Chi tiết hơn, Quyết định điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, cũng được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 8/4/2013, cho biết sẽ phải “cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn Trảng Bom - Hòa Hưng (ga Sài Gòn), trong đó xây dựng mới tuyến tránh thành phố Biên Hòa về phía Nam và đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng thành đường sắt trên cao, chiều dài khoảng 41,0 km”.

Đặc biệt, quy hoạch này xác định: “Ga khách kỹ thuật phía Bắc (ga Bình Triệu với diện tích khoảng 41,0 ha), ga khách trung tâm (ga Sài Gòn với diện tích khoảng 6,14 ha) và ga khách kỹ thuật phía Nam (ga Tân Kiên với diện tích khoảng 75,0 ha bao gồm cả diện tích ga hàng hóa và cảng cạn ICD Tân Kiên)”.

Như vậy, ga Sài Gòn được xác định là ga khách trung tâm, ga Bình Triệu và ga Tân Kiên (sẽ xây dựng cùng tuyến đường sắt TPHCM - Mỹ Tho - Cần Thơ) là ga khách kỹ thuật. Vì sao vậy? Vì quy hoạch mạng lưới đường sắt TPHCM không chỉ có tuyến Hà Nội - TPHCM mà còn có các tuyến TPHCM - Mỹ Tho - Cần Thơ; TPHCM - sân bay Long Thành; TPHCM - Nha Trang (xây nhà ga tại Thủ Thiêm)… Cho nên, để kết nối mạng lưới đường sắt khu vực TPHCM không thể dời ga Sài Gòn về Dĩ An hay Biên Hòa được.

Cho nên, đừng vì một vài sự cố nào đó như sự cố cầu Ghềnh mài đòi dời ga Sài Gòn, đổi thay quy hoạch; mà nên đặt vấn đề: cần nhanh chóng thực hiện quy hoạch, tập trung ưu tiên đầu tư những công trình cấp thiết của ngành đường sắt như Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường sắt đã chỉ ra. 

Quang Chung 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo