Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho ba khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (dự thảo luật).
Đây là mong đợi từ lâu của nhiều người, với hy vọng đó là một bước cởi trói cho địa phương, “hóa giải bao cấp” về thể chế (chẳng hạn như trong bài viết Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt - “hóa giải bao cấp” thể chế trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn tháng 12/2016 của tác giả Võ Trí Hảo). Trong bài viết đó, tác giả Võ Trí Hảo kỳ vọng sẽ có một sự cởi trói với các bao cấp về nhân sự, cơ cấu tổ chức, ngân sách và quy tắc xử sự cho địa phương và đưa ra nhiều đề xuất về các phương diện cải cách. Về cơ bản, đây là một sự hy vọng về một tiến trình phi tập trung hóa (de-centralisation) để cởi trói cơ chế phát triển cho địa phương.
Tuy nhiên khi nhìn vào dự thảo luật hiện nay, có thể thấy khoảng cách giữa mong đợi và thực tế còn khá lớn. Về cơ bản, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo như dự thảo luật không khác biệt gì so với khái niệm đặc khu kinh tế (special economic zones - SEZs) đã thực hiện ở nhiều nước từ nhiều năm trước với các trụ cột căn bản là xây dựng hạ tầng, ưu đãi các loại thuế, phân cấp quyền hạn và nhiệm vụ cho đặc khu và đơn giản hóa thủ tục hành chính, hải quan, nhưng lại không cho thấy rõ một bước đột phá rõ rệt trong việc hóa giải các “bao cấp” như trong bài viết kể trên.
Một góc Vân Đồn. Ảnh: TL
Một trào lưu không có gì đặc biệt?
Năm 2015, tờ Economist đã có một chuỗi bài về SEZs và cho rằng các đặc khu kinh tế này “chẳng có gì đặc biệt” (not so special), và ba phần tư các nước đều có ít nhất một đặc khu kinh tế với tư cách là một khu vực nhận được hỗ trợ nhiều về mặt thuế, thủ tục hải quan rõ ràng và cơ chế quản lý linh hoạt hơn.
Công thức thành công của các đặc khu kinh tế có vẻ như là: gọi tên đây là đặc khu kinh tế, xác định một khu vực đất đai nào đó, xác định ưu đãi về thuế, đất đai cho nhà đầu tư, thực hiện cơ chế hải quan gọn nhẹ và rồi ngồi hy vọng nó sẽ là một Thẩm Quyến mới (được coi là trường hợp thành công tiêu biểu của các đặc khu kinh tế). Nếu nó đơn giản như vậy thì có vẻ như đặc khu kinh tế là một con gà đẻ trứng vàng cho các nền kinh tế và cứ lập đặc khu kinh tế, cho ưu đãi thì tiền đầu tư sẽ vào, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, thành công không đến dễ dàng như thế. Tờ Economist chỉ ra ba vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, ưu đãi nghĩa là dùng tiền ngân sách dù ở khía cạnh nào đi nữa (hụt đi phần thu thuế, hỗ trợ gián tiếp về vốn, đất đai...). Thứ hai, phải xây dựng cơ sở hạ tầng (nếu đặc khu kinh tế đặt ở nơi hạ tầng tương đối chưa hoàn thiện. Thứ ba, và có lẽ quan trọng nhất, nới lỏng quản lý có thể chỉ là về mặt... “hô khẩu hiệu”, chứ thực tế thì cơ chế - chính sách vẫn không thay đổi nhiều.
Vì vậy, khi đọc hết bài viết của tờ Economist, có thể hiểu rằng đặc khu kinh tế chỉ là một bề nổi của tảng băng chìm bên dưới. Tảng băng chìm thật sự chính là quá trình “cởi trói” và chuyển mình của cơ chế, chính sách của từng nền kinh tế. Còn đặc khu kinh tế chẳng qua chỉ là bề nổi được tung hô mà thôi.
Nên cởi trói cơ chế những trọng điểm kinh tế hiện có
Những thảo luận trên cho thấy thành lập đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt cũng tốt, nhưng đừng nên quá kỳ vọng nó sẽ trở thành những kỳ tích kích thích nền kinh tế (khi mà rất nhiều nước khác cũng đã có đặc khu kinh tế).
Ngoài những vấn đề tờ Economist đã tổng kết ở trên, trong điều kiện của Việt Nam, còn thêm một câu hỏi cần đặt ra là với những đặc khu kinh tế được đề cập như Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thì việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng tương ứng với các dự án đầu tư có dễ dàng hay không?
Ở một mặt khác, khi đọc dự thảo luật, người viết không thấy rõ được những chuyển biến đột phá nào trong cởi trói cơ chế bao cấp về nhân sự, cấu trúc bộ máy và phân quyền cho các đặc khu kinh tế. Nói cách khác, dự thảo luật cho thấy một tiến trình “bắt chước” trào lưu “đặc khu kinh tế” mà trọng tâm đặt vào ưu đãi thuế và xây dựng hạ tầng nhưng không thấy có một sự đột phá mạnh mẽ để “hóa giải bao cấp” về thể chế đã từng được mong đợi với các đặc khu này.
Một số kinh nghiệm trên thế giới cho thấy việc phân quyền và nghĩa vụ, tạo tính tự do cao cho đặc khu kinh tế thường có ý nghĩa tuyên truyền hơn là thực tế, do đó không có nhiều đặc khu kinh tế đạt được những thành công thật sự đặc biệt xứng với tên gọi của nó.
Điều này dường như đang lặp lại trong dự thảo luật này. Vì vậy, với những ai kỳ vọng đây là một luồng gió đổi mới về cơ chế cho địa phương thì có thể sẽ thất vọng.
Trong khi đó, cái thiếu nhất của Việt Nam hiện tại để quay lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên 7% lúc trước là những khu hành chính - kinh tế được phân quyền thật sự, được tự quyết về bộ máy, cơ chế nhân sự, cơ chế tài chính và định hướng phát triển, chứ không phải là những đặc khu được hỗ trợ về ngân sách, ưu đãi thuế và được gọi là “đặc biệt”.
Để thí điểm phân quyền và cởi trói cơ chế thật sự, thay vì hướng tới xây dựng những khu thí điểm mới, Chính phủ nên tập trung vào vấn đề cởi trói về cơ chế, nới lỏng quản lý, tăng quyền tự chủ cho các trọng điểm kinh tế hiện tại có điểm năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, và có sẵn nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển. Nhìn vào nhóm 10 tỉnh thành dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2016, có thể thấy Đà Nẵng, Bình Dương và TPHCM là những ứng viên có thể được chọn để thí điểm những cơ chế cởi trói thật sự mà tốn ít nguồn lực ngân sách về xây dựng hạ tầng và ưu đãi thuế.
Để làm điều này, có lẽ cần một quyết tâm chính trị “đặc biệt” hơn nữa, chứ không phải những khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Khi nào mà một địa phương có thể chủ động bãi bỏ 2.000 điều kiện kinh doanh đang làm xấu đi môi trường đầu tư và kinh doanh mà không cần phải lấy đề xuất, chờ đợi ý kiến từ trung ương và tự chịu trách nhiệm với hành động đó thì địa phương đó mới có thể được xem là đặc biệt.
Hà Quốc Tuấn
(TBKTSG)
- Phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Đừng chiều nhà đầu tư
- Vì sao cần quy hoạch, tái thiết khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận?
- Để kiểm soát BOT tốt hơn: Ba vấn đề quan sát được
- Tranh luận chuyện đầu tư metro theo hình thức PPP
- Đô thị thông minh cần đáp ứng nhu cầu của người dân
- Việc gì phải bỏ ga Sài Gòn?
- Bảo tồn di sản văn hóa đô thị từ tiếp cận liên ngành
- BOT - Nhà nước cần “bảo hành” các sản phẩm lỗi
- Sụt lún trong đô thị
- Luật đặc khu kinh tế chỉ vượt trội khi so "ta với ta"