Trong vài tháng sắp tới, nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển tới tòa nhà cao nhất Việt Nam, tháp Bitexco Financial tại TP HCM. Đây chính là dấu hiệu báo trước đợt bùng nổ xây dựng các tòa nhà cao tầng sẽ làm thay đổi diện mạo các thành phố lớn của Việt Nam trong vài năm tới.
Tòa tháp có 68 tầng lầu, cao 269m, với kết cấu bằng kính và thép, thiết kế mô phỏng theo búp hoa sen - một biểu tượng văn hóa dân tộc - này tòa nhà chọc trời đầu tiên ở Việt Nam có cả sân đáp trực thăng.
Nhưng người dân địa phương thì nói đùa rằng nếu chính quyền không cố gắng hơn nữa để cải thiện cơ sở hạ tầng đã quá cũ nát ở những thành phố ngày càng đông đúc của Việt Nam thì việc các Giám đốc đi lại bằng trực thăng không còn “xa xỉ” nữa mà đã trở thành điều “thiết yếu”.
Bitexco Financial Tower, TPHCM
Các kiến trúc sư hàng đầu thế giới như công ty Foster+Partners và Carlos Zapata đã có mặt để đảm bảo cho hàng loạt các dự án cao tầng sẽ thể hiện được tiềm năng của Việt Nam, thu hút các tập đoàn đa quốc gia và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, những nhà hoạch định thì ngày càng lo ngại chính phủ sẽ không thể phát triển cơ sở hạ tầng công cộng và hệ thống qui hoạch đô thị hiện đang rất cần thiết nếu Hà nội và TP HCM không muốn dẫm lên vết xe đổ của các thành phố đầy rẫy tắc nghẽn giao thông và các ổ chuột như Jakarta hay Manila.
Ông Nguyễn Quang, người điều hành Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-HABITAT) tại Việt Nam, phát biểu: "Phát triển đô thị là chìa khóa để tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu không có hệ thống qui hoạch phù hợp cùng chính sách nhà ở và sử dụng đất thì có thể sẽ dẫn đến rất nhiều hệ quả tiêu cực về các vấn đề như giá nhà đất và vệ sinh môi trường".
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt nam trong thập kỷ vừa qua đã làm thay đổi diện mạo các thành phố của đất nước này với số lượng ô tô và xe máy ngày càng nhiều, cùng sự gia tăng di cư từ nông thôn ra thành thị và các công trình xây dựng mọc lên như nấm.
Ông Quang cho biết tại Việt Nam, có khoảng 1 triệu người ra thành phố mỗi năm để tìm kiếm việc làm và hi vọng cải thiện cuộc sống, nhưng chính phủ hiện phải vật lộn để đối phó với sự thay đổi rất nhanh này bởi tàn dư của mô hình kế hoạch hóa tập trung.
Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội (ảnh: Ngụy Hà)
Các chính quyền địa phương tại thủ đô Hà Nội và TP HCM, trung tâm kinh tế của VN, đã xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể và bắt đầu tiến hành từ các tuyến tàu điện ngầm đầu tiên cùng các tuyến đường vành đai nhằm giảm bớt tình hình tắc nghẽn đang ngày càng trầm trọng.
Nhưng theo ông Paul Schuttenbelt, giám đốc của Urban Solutions (một tổ chức tư vấn phát triển cho các chính phủ và các nhà tài trợ lớn như Ngân hàng Thế giới có trụ sở ở Hà nội) thì cách tiếp cận của họ là quá cứng nhắc và thiếu một tầm nhìn dài hạn.
Ông nói rằng "Mọi thứ ở Việt Nam đang thay đổi quá nhanh đến mức tôi không muốn làm người hoạch định đô thị ở đây".
Ông Quang thì lo ngại việc quá quan tâm đến các dự án nhà cao tầng cho thuê văn phòng nhanh đem về lợi nhuận (hiện đa số các dự án này đều được phát triển bởi các công ty Việt nam thay vì các nhà đầu tư nước ngoài) hơn là đến sự tổn thất tới lợi ích xã hội.
Ông nói rằng "Khi các dự án nhà cao tầng được thi công, sẽ gây ra rất nhiều ngoại ứng tiêu cực tới dân thường".
Các tòa nhà cao tầng thường tiêu thụ nhiều điện và nước, và trong tình hình nguồn cung đang ngày càng căng thẳng thì ông lo sợ rằng dân cư sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc thiếu điện và nước.
Chính phủ Việt nam đồng ý là họ cần phải làm nhiều hơn nữa để cải tạo cơ sở hạ tầng yếu kém.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng thập kỷ tới nhà nước sẽ cần 15-16 tỷ đô la đầu tư cho cơ sở hạ tầng mỗi năm và kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đóng góp phần lớn số tiền đó.
Nhưng các nhà phân tích lại cho rằng chính phủ sẽ rất vất vả để đạt được mục tiêu này bởi thủ tục hành chính rườm rà, thiếu các hướng dẫn cụ thể rõ ràng về hợp tác nhà nước-tư nhân và thực tế là các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tránh xa các dự án cơ sở hạ tầng cơ bản ít lợi nhuận như là trường học tại nông thôn hay xây dựng đường sá.
Tuy vậy, Giám đốc Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) Ayumi Konishi cho rằng do những thách thức mà các thành phố ở VN đang phải đối mặt cũng tương tự như ở các quốc gia đang phát triển rất nhanh khác khi mà họ đạt tới mức thu nhập trung bình trung bình nên chính phủ Việt Nam vẫn đáng được người dân tín nhiệm./.
Minh Tuấn (Theo Financial Times / FT.com)
- Nhận dạng tham nhũng trong quản lý đất
- Những thay đổi về kinh tế chính trị và cấu trúc không gian đô thị của Hà Nội
- Hai giá đất tạo điều kiện cho tham nhũng
- Đối chọi với thiên nhiên cuồng nộ
- TPHCM: Chống ngập để phát triển bền vững
- Đường phố dành cho con người hay cho ô tô?
- Tranh cãi về chung cư mini
- 7 xu hướng phát triển đô thị Hà Nội và tác động tới hạnh phúc cộng đồng
- Bùng nổ cảng biển
- Sự tham gia của các tầng lớp xã hội trong Quy hoạch và quản lý không gian công cộng