Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết, trong các cuộc khảo sát quốc tế, Việt Nam đứng trong nhóm các nước có tham nhũng bất động sản lớn, chỉ trên nhóm nước rất tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
70% khiếu kiện về giá đền bù
Hội thảo bàn tròn “Tăng cường minh bạch trong quản lý đất đai ở Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 18/11 do Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức, với sự hỗ trợ của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Tổ chức Hướng tới minh bạch, UNDP và Ngân hàng Thế giới. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia tư vấn đã phân tích các nguy cơ, nguyên nhân và hậu quả tham nhũng đất đai ở Việt Nam, đồng thời kiến nghị những giải pháp và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này.
Công dân chống tham nhũng đã đoạt giải thưởng Liêm chính của Tổ chức Minh bạch quốc tế - bà Lê Hiền Đức - cho biết, bà đã gặp những người dân từ Long An, An Giang, Tây Ninh khiếu nại về việc đền bù đất đai. Đất là mồ hôi nước mắt của họ, nhưng khi có lệnh thu hồi, họ chỉ được đền bù với giá vô cùng rẻ mạt, 16.000 đồng/m2, khi họ đấu tranh thì giá này tăng lên... 40.000 đồng/m2, chỉ bằng nửa cân thịt - bà nói. Bà Đức cho biết, đây chỉ là một trong hàng trăm vụ tham nhũng đất đai mà bà đã được người dân từ khắp các tỉnh, thành cung cấp thông tin.
Hạn chế cưỡng chế thu hồi đất
Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng bộ môn Luật Đất đai thuộc Đại học Luật Hà Nội - cho rằng cần xem tham nhũng đất đai bắt đầu từ đâu. “Cần giải mã khái niệm đất đai là sở hữu toàn dân” - ông nói. Theo ông, sau năm 1996 thay đổi cơ chế thì đất đai mới mang lại nhiều lợi nhuận. Nếu đất đai được sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh thì không thể xử lý theo giá nhà nước. Phải có cơ chế giá khác theo thỏa thuận. Ông lưu ý đến mối quan hệ giữa sở hữu toàn dân với doanh nghiệp và quan chức, có hiện tượng lấy sức ép quyền chức để buộc người dân giao đất với giá đền bù rẻ mạt.
Bàn về vấn đề sở hữu đất đai, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lấy ví dụ hiện nay hàng chục triệu mét vuông đất do nhiều cơ quan quản lý và sử dụng lãng phí, có nơi có quyền bán trụ sở để làm lợi cho cơ quan mình. Bà Chi Lan cho rằng, Việt Nam chưa thể tính đến việc thay đổi sở hữu công thành sở hữu tư, nhưng làm sao cần minh bạch hơn. Bà nói: “Cần minh bạch việc Nhà nước thay mặt người dân quản lý đất đai như thế nào. Cần thúc đẩy để quyền sở hữu đất đai như là sở hữu tư. Có thể vẫn duy trì sở hữu toàn dân, nhưng làm minh bạch đất nào dùng cho việc công, đất nào giao cho tư nhân”.
Việc thay đổi cách giải quyết các vấn đề đất đai được nhiều ý kiến cho là giải pháp lâu dài cho nạn tham nhũng đất đai. Nghiên cứu chung của Đại sứ quán Thụy Điển, Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo cần hạn chế áp dụng cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp gọi là “có lợi cho cộng đồng”. “Nếu dự án đó bản chất mang tính tư nhân thì rất dễ dẫn tới tham nhũng” - ông Soren Davidsen - người đại diện cho nghiên cứu chung này - nói. Việc đàm phán giá đất giữa người sở hữu đất với nhà đầu tư hoặc đấu giá đất là một giải pháp tốt.
Điều quan trọng là, tham nhũng muốn giải quyết phải có quyết tâm chính trị, phải làm quyết liệt – TS Nguyễn Quang Tuyến nhấn mạnh: “Nếu không có quyết tâm chính trị thì minh bạch cũng không có tác dụng. Có quyết tâm chính trị mới có cơ chế giải quyết”.
Mỹ Hằng
>>
- Chờ cho hạ tầng tốt thì không biết bao giờ hết kẹt xe
- Cải tạo chung cư cũ và 4 vấn đề nhạy cảm
- Đô thị Việt Nam với biến đổi khí hậu
- Nhận dạng tham nhũng trong quản lý đất
- Những thay đổi về kinh tế chính trị và cấu trúc không gian đô thị của Hà Nội
- Đối chọi với thiên nhiên cuồng nộ
- TPHCM: Chống ngập để phát triển bền vững
- Cơ sở hạ tầng yếu kém đe dọa tăng trưởng kinh tế Việt Nam
- Đường phố dành cho con người hay cho ô tô?
- Tranh cãi về chung cư mini