Năm 1921, nhà quy hoạch người Pháp, KTS Ernest Hébrard khi thiết kế Đà Lạt đã ghi rõ thành phố này không thể quá 220.000 dân bởi lượng nước ngầm và nước mặt ở khu vực này chỉ đủ cung cấp cho bấy nhiêu người thôi, muốn gia tăng dân số thêm nữa thì phải xây dựng thêm các thành phố, thị trấn mới ở một nơi khác. Bắt đầu từ năm 2008, Đà Lạt khát nước vào mùa khô đã cho thấy rất rõ ngưỡng kỹ thuật mà kiến trúc sư này đưa ra là hoàn toàn chính xác.
Như thế việc quyết định một thành phố hay một khu vực phát triển như thế nào thì không thể dựa trên ý muốn chủ quan hay sự ngẫu hứng của một ai đó mà phải dựa trên các cơ sở khoa học rất biện chứng.
Đà Lạt (nguồn: Ashui.com)
(Nguồn: Ashui.com)
Với những đô thị bị nén cao độ ở trung tâm như TP.HCM, Hà Nội… bao giờ cũng rơi vào tình trạng quá tải mà hệ quả của nó là rất tồi tệ như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ứ đọng rác thải, thiếu cơ sở dịch vụ xã hội… các chuyên gia gọi đây là “căn bệnh to đầu” để phán ánh hình ảnh một người có cái đầu quá to, trong khi các phần khác của cơ thể bị tep tóp lại.
Để giảm thiểu và tránh loại bệnh tật này, các nhà quản lý thành phố mỗi khi chuẩn y việc xây dựng thêm một chung cư, một cao ốc, một siêu thị, một khách sạn (gọi chung là toà nhà) ở khu vực trung tâm thì đòi hỏi nhà quy hoạch phải trả lời được công trình đã thoả mãn được ít nhất mười điều kiện (xem box). Trong đó, không thể nói là cái nào quan trọng nhiều hơn và ít hơn mà tuỳ thuộc vào từng công trình cụ thể, vào từng thời điểm mà xem xét.
1. Về giao thông. Ngoài yêu cầu các toà nhà này phải đảm bảo có đủ chỗ đậu xe cho người sống và làm việc tại chỗ mà còn có chỗ đậu xe cho khách đến giao dịch. Ngoài ra thì hướng tuyến xe ra vào toà nhà có làm ảnh hưởng đến giao thông khu vực xung quanh hay không cũng cần được xem xét. 2. Về dịch vụ công. Một toà nhà có sức chứa hàng trăm hộ gia đình với vài ngàn người thì các yếu tố như cung cấp điện, nước sạch, khí đốt, thoát nước mưa, thoát nước bẩn bắt buộc phải tính đến. Nếu không, không chỉ toà nhà mới này mà cả khu vực rơi vào khủng hoảng và quá tải. 3. Về cơ sở dịch vụ xã hội. Trường mẫu giáo, tiểu học, bệnh viện, nhà ăn, chợ, những nhu cầu khác cũng cần thiết phải đáp ứng như nhà thờ, chùa, điểm vui chơi giải trí, công viên, vườn dạo. 4. Vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải. Khi dân cư tăng lên thì rác thải tăng lên. Và như thế, nơi trung chuyển rác, thu gom rác thải, vận chuyển, xử lý trở thành chuyện không đơn giản, chưa kể đến việc điều đó sẽ làm gia tăng số nhân công lao động, chí phí và máy móc… 5. Về cảnh quan môi trường. Nhiều công trình nếu đứng một mình rất ấn tượng, và có thể rất đẹp nhưng khi đặt vào trong toàn cục thì làm hỏng bức tranh đã có sẵn. 6. Về văn hoá. Việc cân nhắc một công trình có nên xuất hiện ở chỗ này hay chỗ khác hay không về mặt văn hoá là rất phức tạp. Đã có trường hợp người ta cho xây một nhà hàng hoành tráng ngay liền kề một nhà thờ cổ kính. Và như thế vô tình cảnh ăn uống ngả ngớn đã làm giảm đi giá trị của nhà thờ. 7. Về xã hội. Khi xây dựng một công trình nhà chức trách phải tính đến yếu tố chủng tộc và tôn giáo, bởi không phải bất cứ cộng đồng nào cũng có thể sống hoà bình được với nhau. 8. Về địa chất công trình. Nhiều nhà cao tầng bị sụt lún, bị đổ sập do không khảo sát kỹ nên không biết được khu vực này có nền đất yếu, có túi nước, có sông ngầm. 9. Về khả năng kháng động đất. Do tốn kém và phức tạp nên nhiều chủ đầu tư bỏ qua tiêu chuẩn này với lý do là động đất diễn ra ở đâu đó trên thế giới chứ không diễn ra ở nơi này, nhưng chỉ khi thảm hoạ diễn ra thì người ta mới trách cứ lẫn nhau. 10. Về an toàn, an ninh quốc phòng. Đường giao thông nội bộ đảm bảo cho xe chữa cháy tiếp cận công trình. Những công trình ở gần sân bay, quân cảng, gần các cơ sở quân sự, ngoại giao, các cơ quan đầu não của thành phố cũng phải được xem xét theo những tiêu chuẩn đặc biệt để không gây ra những tình trạng bất lợi cho cả hai phía. |
Việc cân nhắc một công trình có nên xuất hiện ở chỗ này hay chỗ khác hay không về mặt văn hoá là rất phức tạp (Ảnh: Thanh Hảo)
Một kinh nghiệm cho thấy các thành phố có dân số không quá đông, tổ chức không gian vật chất với mật độ không quá dày đặc, có độ phân tán và dãn cách hợp lý thì cho dù có những rủi ro xảy ra thì hậu quả cũng không trầm trọng và dễ khắc phục.
Chính vì điều này mà Chính phủ Hàn Quốc có quy định rất ngặt nghèo là những toà nhà từ mười tầng trở lên, có diện tích sàn từ 100.000m2 trở lên không được phép xây dựng ở khu vực trung tâm Seoul mà phải chuyển dịch ra bên ngoài, cho nên khu vực trung tâm của Seoul vẫn duy trì được cảnh quan và sự thông thoáng cần thiết.
TS Nguyễn Minh Hoà - Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
- Tất yếu xã hội hóa dịch vụ công cộng
- Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản “sốc” với cấm phân lô bán nền
- Yêu cầu hoàn thiện nhà trước khi bàn giao: Hợp lý, nhưng khó khả thi?
- Hồ Gươm thành khu bảo tồn đất ngập nước?
- Quy hoạch, phát triển giao thông: Sai lầm nối tiếp sai lầm?
- Điểm nhấn Kiến trúc và điểm nhấn Đô thị
- "Sự im lặng của bầy cừu" và chuyện giao thông đô thị
- Nhận thức lại về quản lí đô thị
- Có lối thoát cho ùn tắc giao thông đô thị?
- Muốn cấm, phải đảm bảo nhu cầu di chuyển của dân cư