Dịch vụ công cộng có vai trò quan trọng hàng đầu trong quản lý đô thị, tạo ra sự khác biệt giữa quản lý đô thị và quản lý nông thôn.
Trong nền kinh tế quốc dân, dịch vụ có mặt khắp nơi nhưng tập trung nhiều nhất là tại các đô thị, chiềm tỷ trọng chính yếu trong kinh tế đô thị. Trong số dịch vụ cung ứng trong đô thị, có một số hoạt động dịch vụ gắn với việc khai thác vận hành các công trình hạ tầng đô thị như cấp điện, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, vệ sinh, công viên cây xanh, vận tải công cộng, hè đường, viễn thông, giáo dục, y tế, giải trí, truyền thanh truyền hình… được gọi là dịch vụ công cộng đô thị (urban public services), vì chúng phục vụ chung cho toàn bộ nền kinh tế đô thị và nhu cầu đời sống của mọi hộ gia đình. Một số dịch vụ gắn với công trình hạ tầng kỹ thuật nên có khi gọi là dịch vụ hạ tầng (infrastructure services) như các dịch vụ kỹ thuật trong dịch vụ công cộng đô thị là cấp thoát nước, vệ sinh, công viên cây xanh, hè đường, vận tải công cộng, chiếu sáng công cộng. Các dịch vụ này còn được gọi là dịch vụ thị chính (municipal services).
Khó khăn kép
Với dân số đô thị tăng trên một triệu người hàng năm thì trách nhiệm cung cấp nhà ở, cơ sở hạ tầng, trường học và các dịch vụ công là vô cùng nặng nề. Những nguy cơ này được báo chí báo động thường xuyên, bao gồm tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường vì khói bụi, tiếng ồn, ngập nước, thiếu phòng học, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm kém, bệnh viện quá tải, phòng cháy chữa cháy chưa hiệu quả… Đương nhiên những khó khăn ấy không vừa xảy ra mà đã tích luỹ qua quá trình dài do sự thiếu thốn lẫn yếu kém, và điều đáng nói là trong khi chưa có khả năng giải quyết chúng thì những khối lượng khó khăn mới to lớn hơn nhiều, lại đã đến, cũng đòi hỏi phải nhanh chóng giải quyết.
Sở dĩ nói đô thị Việt Nam sẽ phải chịu khó khăn kép, do một mặt nó phải chịu tất cả những khó khăn của những quốc gia đới nóng đang phát triển bước vào thời kỳ đô thị hóa, mặt khác còn phải vượt qua trở ngại tự thân của một nước có nền dịch vụ công cộng chủ yếu do nhà nước đảm nhiệm (bao cấp hoàn toàn), sang nền dịch vụ công cộng với sự cung ứng của nhiều thành phần kinh tế (thị trường). Đây có lẽ là khó khăn, thách thức lớn nhất mà chính quyền các đô thị Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn phải đối mặt. Còn nói đó là khó khăn lớn nhất, do các mô hình cung ứng dịch vụ công cộng thời nhà nước bao cấp đã gần như cáo chung, nhưng nhà nước lại không thể bỏ mặc hay trao hoàn toàn sự cung ứng dịch vụ công cộng cho tư nhân (thị trường) cung cấp, bởi các hoạt động này luôn luôn thuộc nghĩa vụ của nhà nước đối với nhân dân. Nói cách khác, nó thuộc phạm trù kinh tế thể chế, đòi hỏi nhà nước khẳng định vai trò, các nhiệm vụ cụ thể, các quan điểm đúng đắn của mình trong việc tìm kiếm áp dụng các mô hình cung cấp dịch vụ công cộng trên thế giới, hay dựng mô hình cho riêng nó.
Chủ động
Tại nhiều nước dù chính phủ đã thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư dịch vụ công cộng đô thị từ hơn nửa thế kỷ qua. Nhưng đến nay, họ vẫn phải tiếp tục giải quyết các mối quan hệ quyền lợi, như: vừa phải đảm bảo lợi nhuận cho nhà kinh doanh, vừa đạt được sự đồng thuận của cộng đồng người tiêu dùng dịch vụ, đặc biệt là người nghèo đô thị; hoặc phải đối mặt với những khó khăn tài chính do thường dịch vụ công cộng là lĩnh vực đầu tư thời gian hoàn vốn dài; và do sự phức tạp của bản thân các mối quan hệ này rất dễ dẫn tới các khó khăn trong quản lý rủi ro.
Ở Việt Nam, Luật đầu tư nước ngoài ban hành năm 1987 bắt đầu nêu ra các dạng hợp đồng BOT, BTO, BT mà chưa phải với các nhà đầu tư trong nước. Đến văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X (2006) mới nêu “khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực kết cấu hạ tầng”. Và phải đến Quyết định số 71/2010 (tháng 11/2010) của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trong đó có các lĩnh vực cung ứng nước sạnh, xử lý chất thải... Tất nhiên, từ nhiều năm qua hình thức đầu tư này đã được thực hiện tại nhiều địa phương trên cả nước. Thí dụ, từ năm 2000-2003 đã có ít nhất 10 nhà máy nước và hệ thống cung cấp nước sạch đã được xây dựng, vận hành theo phương thức PPP tại 7 tỉnh địa phương; có 9 dự án PPP xử lý rác, vận chuyển rác, thoát nước, môi trường và cây xanh đô thị tại 9 tỉnh, thành phố… Thực tế này cho thấy yêu cầu xã hội hóa lĩnh vực hạ tầng đô thị theo hình thức đối tác công - tư là rất cao, đến mức chưa cần những hướng dẫn hay quy chế cụ thể mới hành động. Và rằng, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã lớn mạnh có thể đủ lực tham gia với chính quyền đô thị cung ứng các loại dịch vụ này. Khó khăn là do chưa có hệ thống lý luận đầy đủ về mô hình PPP và các tổ hợp của nó (như nhầm lẫn giữa khái niệm đối tác công - tư với tư nhân hóa, các yêu cầu dự báo rủi ro, chia sẻ rủi ro, hay chỉ chú trọng gọi mời đầu tư cơ sở hạ tầng mà bỏ qua mảng đầu tư quan trọng vào vận hành, quản trị các cơ sở hạ tầng đô thị, do quán tính của nền kinh tế bao cấp vẫn muốn duy trì vị trí độc tôn của doanh nghiêp nhà nước nên hạn chế sự tham gia của khu vưc tư nhân...) nên chắc chắn đã phát sinh những mâu thuẫn không tránh khỏi giữa các chính quyền cơ sở với các bên tham gia.
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và đầu tư, vốn đầu tư cho riêng cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị trong giai đoạn 2011-2020 chiếm khoảng 0,6% GDP. Nếu tính thêm các hạ tầng đô thị khác nữa thì vào khoảng 1% GDP. Như vậy tổng nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị trong 10 năm tới có thể đến khoảng 14-15 tỉ USD ( trong tống vốn đầu tư vào khoảng 170 tỉ USD cho toàn bộ hạ tầng cả nước).
Cho tới nay, khoảng 35% vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng nước ta dựa vào nguồn vay ODA, trong đó nguồn của WB và ADB chiếm tỉ lệ lớn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết từ 1993-2010, hai ngân hàng WB, ADB đã cho vay 13,4 tỉ USD để đầu tư vào 106 dự án/chương trình kết cấu hạ tầng. Trong thời gian tới, do Việt Nam được xếp vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp nên nguồn vốn cho vay ưu đãi (IDA) sẽ giảm dần, thay vào đó là nguồn cho vay thương mại (vay có lãi suất) có thời gian trả nợ ngắn hơn (35 năm so với 40 năm). Nếu đến 2015 Việt nam trở thành nước thu nhập trung bình thì sẽ phải dựa chủ yếu vào nguồn vay thương mại với lãi suất theo thị trường.
Trước tình hình này, vấn đề đặt ra cho các chính quyền đô thị là một mặt phải nâng cao năng lực hấp thu nguồn vốn vay nói trên. Mặt khác, phải tìm mọi cách huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng trưởng nhanh về dịch vụ công cộng đô thị, thực hiện chủ trương xã hội hóa việc cung ứng loại hình dịch vụ này.
Xã hội hóa dịch vụ công cộng đô thị theo nhiều hình thức phù hợp như cổ phần, hợp đồng hợp tác công - tư… là giải pháp tích cực, phù hợp với xu thế phát triển, theo quyết định của chính phủ. Nhà đầu tư của các thành phần khác rất quan tâm đến lĩnh vực dịch vụ công cộng đô thị, và sẵn sàng tham gia khi có được thể chế rõ ràng và minh bạch, trong đó dặc biệt quan tâm đến mối quan hệ bình đẳng về chia sẻ lợi ích, chia sẻ trách nhiệm và chia sẻ rủi ro trong quản lý vận hành kinh doanh. Muốn vậy, chính quyền đô thị tập trung thực hiện việc lập và điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị, trong đó có quy hoạch phát triển dịch vụ công cộng đô thị. Phải công khai các dự án phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ theo mục tiêu phát triển; cụ thể hóa các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng dịch vụ công cộng về vốn, về đất đai, phí dịch vụ… đối với các thành phần kinh tế khi tham gia đầu tư. Chính phủ, các chính quyền đô thị bỏ vốn đầu tư vào hạ tầng có quy mô vốn lớn, kỹ thuật phức tạp, có tác dụng phục vụ phạm vi vùng, địa phương.
Trần Trung Chính - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng
Ông Trần Quang Hưng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam: |
Ông Bùi Mạnh Xuân, Chánh văn phòng Hội Chiếu sáng Việt Nam: Mục đích của dự án là nhằm chuyển giao tất cả các công việc đầu tư chiếu sáng công cộng cho tư nhân kèm với dịch vụ quản lý, vận hành kèm theo. Đổi lại, khu vực tư nhân được thanh toán, vượt lên trên mức mà khu vực nhà nước có thể hoàn thành công việc. Gắn với hoạt động này là việc yêu cầu khu vực tư nhân phải đáp ứng các chuẩn mực cung cấp đã được xác định thống nhất. |
PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng: |
- Hà Nội: phá cầu vượt hàng nghìn tỷ đồng, xây đường trên cao?
- Thủ Thiêm dưới góc nhìn kinh tế đô thị
- “Giá trị mềm” của chung cư
- Sửa đổi Luật Nhà ở - Đề xuất vội vàng?
- Điểm nhấn - Điểm hút & những giá trị cơ bản
- Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản “sốc” với cấm phân lô bán nền
- Yêu cầu hoàn thiện nhà trước khi bàn giao: Hợp lý, nhưng khó khả thi?
- Hồ Gươm thành khu bảo tồn đất ngập nước?
- Quy hoạch, phát triển giao thông: Sai lầm nối tiếp sai lầm?
- Ngưỡng đô thị và “căn bệnh teo chân” ở các thành phố lớn