Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Hà Nội: phá cầu vượt hàng nghìn tỷ đồng, xây đường trên cao?

Hà Nội: phá cầu vượt hàng nghìn tỷ đồng, xây đường trên cao?

Viết email In

Thông tin cho rằng Hà Nội cần đập 3 cầu vượt khi xây tuyến đường trên cao thuộc vành đai 2 nối từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở gây sự chú ý của dư luận trong nhiều ngày qua. Để độc giả có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề đang còn tranh luận này, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của PGS.TS Nguyễn Quang Đạo (bộ môn Đường ô tô và Đường đô thị, khoa Cầu đường, Đại học Xây dựng Hà Nội): 

Nhiều thông tin vừa qua nói phải phá 3 cầu để xây dựng đường trên cao tuyến Vĩnh Tuy - Ngã tư Vọng là chưa chính xác. Nếu dùng phương án phá dỡ thì chỉ cần hai cầu vượt: Ngã Tư Vọng và Ngã Tư  Sở, còn cầu vượt Vĩnh Tuy hiện nay đang dốc xuống mặt đất nên chỉ cần phần vuốt đầu cầu để nối tiếp là ổn.



Đối với một thành phố quy mô lớn như Hà Nội hay TP.HCM (cả về diện tích và dân số), việc làm đường trên cao hay ngầm dưới mặt đất là sự cần thiết, nếu không muốn nói là bắt buộc. Vì thế, nếu làm theo dự kiến đã đưa ra, đường trên cao cần xử lý nối tiếp với 2 vị trí cầu vượt đã làm trên.

Cầu vượt Ngã Tư Sở có tổng đầu tư 1.139 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 224 tỷ đồng, chi phí  giải phóng mặt bằng là 748 tỷ đồng, chi phí  khác chiếm 167 tỷ đồng. Cầu vượt Ngã Tư Vọng có tổng đầu tư trên 200 tỷ đồng. 
Có thể có nhiều cách khác nhau nhằm khắc phục vấn đề này gồm: Tuyến đường trên cao đi cùng vuốt dốc đầu cầu đã  được xây dựng; Đi cao hơn tầng so với Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở, đi xuống đất để không phải cắt phần vuốt đường Vĩnh Tuy, đi tránh vị trí của các cầu...  Nhưng đi như thế nào cũng cần phải đạt được các yếu tố là không có giao cắt tại các tuyến chính, đảm bảo liên thông của các hướng giao thông, đảm bảo kiến trúc cảnh quan và sử dụng đất tối thiểu...
 
Vì thế, khi xem xét chung, chúng tôi cho rằng giải pháp phá đi làm lại là giải pháp đáp ứng được nhiều yêu cầu hơn cả.

Trước kia, chúng ta đã không có quy hoạch xa hoặc trong quy hoạch xa đã thiếu nhiều nội dung cần thiết. Bởi thực tế cho thấy, từ khi xây dựng các cầu vượt đã giải quyết được nhiều ách tắc cục bộ tại các vị trí này. Nhưng nếu dự án  lúc xây dựng được thay bằng các cầu thép sẽ đáp ứng được bài toán giải pháp tình thế về giao thông và quy hoạch chưa ổn định. Đồng thời, khi cần thay cầu thép bằng các cầu bê tông vĩnh cửu thì cầu thép vẫn được tháo lắp đi dùng lại ở nơi khác. Rõ ràng bài toán đáp ứng được nhiều tiêu chí hơn. Chính từ vấn đề này, chúng ta cần rút kinh nghiệm về sau nữa.

Từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ xây dựng 6 tuyến đường trên cao trên các tuyến đường vành đai 2; 3; 3,5 và một số  trục đô thị chính. Dự kiến, 5 năm tới Hà  Nội sẽ đầu tư khoản kinh phí khoảng hơn 50.000 tỷ đồng xây dựng 6 tuyến đường trên cao gồm: Đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng, kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng; Đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Cầu Giấy (cả đường bộ và trên cao), mức kinh phí đề xuất gần 14.000 tỷ đồng; Tuyến trên cao từ cầu Thăng Long - Mai Dịch với kinh phí gần 5.800 tỷ đồng; Tuyến trên cao từ Mai Dịch đến Linh Đàm với kinh phí hơn 8.200 tỷ đồng.

(Theo Kế hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang xây dựng) 
 
Thu Hiền (thực hiện)
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo