UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt đề cương “Đề án thí điểm tổ chức một số tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”. Đáng chú ý nhất là ý tưởng biến các tuyến đường quanh hồ Gươm thành phố đi bộ nhằm tôn vinh giá trị của “không gian vàng” giữa thủ đô.
Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp quy hoạch Hà Nội đã coi cảnh quan của hồ Gươm như là không gian chuyển tiếp giữa “36 phố phường” cổ kính và khu phố mới. Ý tưởng phố đi bộ quang hồ Gươm bắt đầu hình thành từ đó. Năm 1996, Bộ Xây dựng ban bành Quyết định 448 về quy hoạch tôn tạo, bảo tồn khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận, xác định các tuyến đường quanh hồ Gươm cùng trục Tràng Tiền - Nhà hát Lớn hoàn toàn dành cho người đi bộ. Nhưng tiếc rằng 15 năm trôi qua, quy hoạch phố đi bộ quanh hồ Gươm mới chỉ là một... ước mơ.
Hà Nội ngày nay là thành phố lớn trên 6 triệu dân, rất nhiều người mong muốn Hà Nội có một tuyến phố đi bộ đúng nghĩa, xứng tầm với trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước. Việc chọn tuyến phố đi bộ quanh hồ Gươm là hoàn toàn hợp lý bởi “lẵng hoa” của Hà Nội có nhiều lợi thế với một không gian xanh, không gian lễ hội, văn hóa và lịch sử. Bản thân hồ Gươm đã là một câu chuyện truyền thuyết gắn liền tên tuổi người anh hùng Lê Lợi. Chung quanh hồ còn biết bao di tích lịch sử văn hóa tự hào của dân tộc. Quan trọng hơn các phố phụ cận có điều kiện thuận lợi tổ chức giải tỏa áp lực giao thông, phát triển giao thông công cộng tạo cho hồ Gươm vừa mới, vừa cổ xưa huyền thoại, thân thiện để du khách phương xa đến không chỉ “tham gia” mà còn “cảm thụ”.
Điều nhiều người còn phân vân, phố đi bộ quanh hồ Gươm xây dựng theo mô hình nào? Năm 2004, Hà Nội bắt đầu có tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân tồn tại đến nay đã tròn 7 năm. Không hiểu đã có cơ quan chức năng nào tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá xem tuyến phố đi bộ này là phố đi bộ hay phố chợ đêm? Tại nhiều cuộc họp tổ dân phố các phường có chợ đêm đi qua, bà con đều khẳng định tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân không hoàn toàn là phố đi bộ. Vỉa hè bị lấn chiếm vô tội vạ, hàng quán, bãi đỗ xe ôm, đặc biệt là bãi gửi xe máy dài chạy suốt dọc tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường.
Dưới lòng đường nhiều loại phương tiện giao thông “thả phanh” chạy, còi xe, khói xe, mùi xăng xe phả mịt mùng làm ô nhiễm không gian phố có tên “phố đi bộ”. Thực tế 7 năm qua, những phố cổ nổi tiếng buôn bán sầm uất này mới chỉ thành “phố chợ đêm”.
Vì thế, nếu mở phố đi bộ quanh hồ Gươm, không nên đi vào “vết xe đổ” của tuyến Hàng Đào- Đồng Xuân. Để có không gian của phố đi bộ, không đơn giản chỉ căng dây cấm các phương tiện giao thông qua lại và phân lại luồng giao thông. Cần đi trước một bước xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ cho phố đi bộ. Vỉa hè, đường phố lát loại gạch nào cho phù hợp? Hệ thống đèn chiếu sáng thế nào? Mọi thứ “rác trời” cần phải đi “ngầm” để không làm “tức” mắt du khách, bãi gửi xe thuận lợi không xa với phố đi bộ. Nhà vệ sinh công cộng, hàng quán buôn bán cũng phải thể hiện bộ mặt văn minh đô thị... Như thế mới có một không gian thực sự dành cho người đi bộ.
Lê Sĩ Tứ
- Thị trường bất động sản: Ai cần giải cứu?
- Hợp tác Nhà nước - Doanh nghiệp: Phải có lợi cho số đông
- Để sông hồ Hà Nội đừng mất thêm
- Tư duy mét vuông hay giá trị sống?
- Với biển, phải nhìn thật sâu vào bờ
- Luận chứng nào cho giao thông TP.HCM?
- Điều tiết quy hoạch xây dựng trên đất khu tập thể cũ ở Hà Nội
- Quy hoạch Hà Nội: Từ số phận những cây cầu vượt
- Huế - đô thị di sản, phát triển trong sự tiếp nối
- Hà Nội: phá cầu vượt hàng nghìn tỷ đồng, xây đường trên cao?