Sáng 5/11, tại phiên thảo luận về dự án Luật Thủ đô, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã nhất trí với những quy định về siết chặt các điều kiện nhập cư vào nội thành Hà Nội.
Siết chặt các điều kiện nhập cư
Đại diện cho Hà Nội, đại biểu Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an thành phố - bày tỏ muốn được truyền tải tâm tư nguyện vọng của rất nhiều cử tri tới QH với mong muốn Luật Thủ đô sẽ được thông qua tại kỳ họp này, bởi đây là cơ hội để thủ đô phát triển tốt đẹp và bền vững hơn.
Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Chung, đối với vấn đề quản lý dân cư thì cần phải có quy định để hạn chế việc tăng cơ học số dân nhập cư vào các quận nội thành, bởi trong Luật Thủ đô thì đây là một biện pháp hành chính áp dụng trước mắt để siết chặt điều kiện nhập cư trong giai đoạn hiện nay. Việc này không trái với các quy định của Luật Cư trú, không làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
- Ảnh bên: Hằng ngày, dòng người từ ngoại thành vẫn đổ vào nội thành mưu sinh (Ảnh: Kỳ Anh)
Việc áp dụng hạn chế các điều kiện nhập cư vào các quận nội thành là một điều kiện rất cần thiết để đảm bảo cho việc giữ gìn an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thủ đô. Bên cạnh đó, việc tăng dân số quá nhanh sẽ gây khó khăn cho chính quyền thành phố khi xây dựng cơ sở hạ tầng; đáp ứng khu vui chơi, giải trí cho người dân sẽ hạn chế hơn; đầu tư cho các dự án giao thông đô thị, quản lý vệ sinh môi trường sẽ chậm hơn, làm giảm chất lượng cuộc sống...
Theo ĐB Đào Trọng Thi (Hà Nội): Việc điều tiết vấn đề nhập cư bằng những giải pháp kinh tế xã hội là điều cần thiết, cần phải quy định chặt chẽ hơn điều kiện nhập cư vào khu vực nội thành.
Dễ phát sinh tiêu cực chạy “hộ khẩu”
Bên cạnh một số ý kiến tán thành thì vẫn còn một số đại biểu lo ngại về những hệ lụy xấu đi kèm khi Hà Nội siết chặt nhập cư. Theo ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), dự thảo luật có những vấn đề bất cập của thủ đô được đặt ra nhưng mang tính giải quyết tình huống, tạm thời, không mang tính ổn định lâu dài.
Về quản lý dân cư, bản chất, mục tiêu của điều này là nhằm hạn chế nhập cư chứ không phải là quản lý dân cư.
Nguyên nhân của việc tăng dân cư thời gian qua ở TP. Hà Nội và nhiều thành phố khác có gốc là mất cân đối trong phát triển giữa các vùng, miền trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, nếu chúng ta dùng biện pháp hành chính sẽ không có hiệu quả, có thể giảm số lượng người đăng ký tạm trú về mặt sổ sách, giấy tờ nhưng thực tế sẽ tăng nguy cơ lượng người nhập cư, dễ dẫn đến những hệ lụy là phát sinh tiêu cực như “chạy” các điều kiện để được đăng ký thường trú tại thủ đô.
Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, với quy định về hộ khẩu thì số người nhập cư do quan hệ huyết thống sẽ dễ dàng hơn những trường hợp có nhu cầu chính đáng, dân số nội đô sẽ tăng do quan hệ huyết thống hay hôn nhân có thể thật và giả. Đồng thời, sẽ có những hợp đồng lao động giả, hợp đồng thuê nhà giả để tìm cách nhập khẩu vào thủ đô, tiêu cực trong nhập khẩu sẽ tăng lên.
Còn ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, Luật Thủ đô hạn chế quyền cư trú của công dân, trong khi Luật Cư trú lại thể hiện quyền tự do cư trú, vì vậy cần phải xây dựng cơ chế đồng bộ.
Ngoài ra, để quản lý dân cư thì quan trọng nhất là di chuyển cơ sở giáo dục, xây dựng giao thông đồng bộ giữa nội thành và ngoại thành để kéo dãn dân thay vì hạn chế dân nội thành.
Một điểm đáng chú ý nữa là dự thảo luật vẫn chưa cho thấy được những chính sách đặc thù cho riêng thủ đô, các vấn đề đưa ra thì đều là những vấn đề chung của các đô thị lớn chứ không phải của riêng thủ đô.
Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thì dự thảo này vẫn còn mang nặng bóng dáng của nghị quyết hơn là một luật, bởi xuyên suốt nội dung của dự thảo luật có không dưới 15 từ “phải” mang tính mệnh lệnh với nội dung khá chung chung. Đơn cử như dự luật quy định việc di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường đại học... ra khỏi nội thành.
Vậy “một số” là bao nhiêu, bao giờ sẽ hoàn thành, xong quy hoạch chi tiết? Chính do chung chung như vậy nên dù luật có được thông qua, chắc chắn không đại biểu nào biết được hình hài và tầm vóc của thủ đô như thế nào.
Dân số Hà Nội có thể lên đến 14 triệu người vào năm 2020 Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung: Tính đến tháng 3/2012, toàn thành phố có 1.805.335 hộ với 7,1 triệu nhân khẩu, trong đó số tạm trú là gần 1 triệu người. Dự kiến đến năm 2030, dân số TP.Hà Nội từ 9 - 10 triệu người, tuy nhiên, với tốc độ như hiện nay thì đến năm 2020 dân số TP.Hà Nội đã là 13 - 14 triệu. Đa số các đại biểu đều tán thành chọn Khuê Văn Các là biểu tượng của Hà Nội, bởi đây là trường đại học đầu tiên của thủ đô, là một quần thể kiến trúc lâu đời thể hiện tầng văn hóa rất cao của người Hà Nội và Việt Nam nên xứng đáng là biểu tượng của thủ đô. |
Phi Long
- Chung cư Việt Nam: Kiến trúc xanh hay thiết kế phản bền vững?
- Tập thể cũ - “di sản” của một thời đáng nhớ
- Xây dựng thương hiệu của địa phương
- Đô thị hóa nông thôn - Muốn làm, phải hiểu
- Quy định rõ trình tự cưỡng chế thu hồi đất
- Chuyển dịch đất đai: Để mô hình Đà Nẵng thắng thế
- Ứng dụng kiến trúc nhà ở tối thiểu cho nhà ở xã hội tại Việt Nam
- Sửa đổi Luật Đất đai năm 2003: 4 vấn đề cần giải quyết
- Thuỷ điện Sông Tranh 2: Quốc hội yêu cầu làm rõ 5 vấn đề
- Siêu dự án Metro và thách thức "ven đô"