Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Tương tác Phản biện Xây dựng thương hiệu của địa phương

Xây dựng thương hiệu của địa phương

Viết email In

Ngày 27/10/2012, cuộc thảo luận ở tổ của Quốc hội về Luật Thủ đô cho thấy vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo. Báo chí cho biết, một số đại biểu băn khoăn về nội dung của luật, ngoài đặc trưng quan trọng nhất là trung tâm chính trị của cả nước, đặc trưng của Hà Nội có gì khác với Huế, TPHCM và có sự cần thiết nào, cơ chế luật pháp đặc thù gì cho thủ đô. 

Suy rộng ra, điều tạo nên sự đặc trưng và khác biệt của một địa phương hay thành phố là gì và “thương hiệu” đó được xây dựng như thế nào?  

  • Ảnh bên: Du khách nước ngoài tại Hội An, địa phương đã xây dựng thành công hình ảnh của một trung tâm du lịch thanh bình, an toàn, sạch đẹp. 

Singapore không chỉ được biết đến như một đảo quốc mà còn nổi tiếng về sự trật tự, sạch sẽ, ngăn nắp, trung tâm tài chính thế giới, một trong những cảng biển lớn và có hiệu quả nhất trên hành tinh. Hồng Kông cũng nổi tiếng là một trung tâm tài chính - ngân hàng quốc tế ở châu Á, cửa ngõ vào Trung Quốc với rất nhiều mối giao thương, trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia. Thành phố Salzburg chỉ với 150.000 dân của nước Áo không chỉ nổi tiếng là một trung tâm văn hóa, âm nhạc, là nơi sinh ra nhạc sĩ thần đồng tài danh W.A. Mozart, với liên hoan âm nhạc Salzburg. Đại học Harvard hay Đại học Princeton của Mỹ đã làm cho cả thành phố nổi tiếng là thành phố của trường đại học nổi tiếng thế giới và các thị trưởng thành phố luôn cam kết với việc xây đắp hình ảnh và danh tiếng đó. 

Một thành phố có thể tạo ra sức hút và nổi tiếng về nhiều mặt, song chắc chắn thương hiệu của thành phố đó phải gắn với một sản phẩm hay dịch vụ có chất lượng và sức hút vượt trội. Hãy thử xem Macao đã trở nên nổi tiếng là một trung tâm đánh bạc với những dịch vụ và tiện nghi độc đáo, doanh số đã vượt qua cả Las Vegas của Mỹ. Hay hãy xem thành phố cổ Hội An bên cạnh thành phố Đà Nẵng to lớn hơn rất nhiều đã xây dựng thành công hình ảnh của một trung tâm du lịch thanh bình, an toàn, sạch đẹp nổi bật trên bản đồ nước Việt Nam. Cũng như Hội An của Việt Nam, Salzburg của Áo hay Zurich của Thụy Sỹ không nhất thiết phải có quy mô quá lớn để có thương hiệu nổi tiếng thế giới. 

Về mặt kinh tế, danh tiếng đặc trưng của một thành phố hay địa phương thường gắn liền với tên tuổi của những tập đoàn lớn, có thương hiệu mạnh trong khu vực hay trên thế giới. Bang Bangalore của Ấn Độ đã kiên trì đầu tư, xây dựng qua nhiều thập kỷ để trở thành một trung tâm phần mềm quan trọng nhất thế giới. Các thương hiệu Samsung hay Hyundai của Hàn Quốc đã trở thành thương hiệu của cả đất nước này như thương hiệu ô tô Toyota của Nhật Bản.

Một thành phố có thể tạo ra sức hút và nổi tiếng về nhiều mặt, song chắc chắn thương hiệu của thành phố đó phải gắn với một sản phẩm hay dịch vụ có chất lượng và sức hút vượt trội. 

Trong thế giới ngày nay khi kinh tế đang chuyển mạnh sang kinh tế tri thức, tạo nên sự khác biệt bằng sáng tạo và trí tuệ thì việc duy trì những sản phẩm truyền thống cũng phải được đầu tư rất nhiều về trí tuệ, từ công nghệ đến kiểu dáng, được bảo vệ về sở hữu trí tuệ.

Chúng ta đã chứng kiến sự mất mát đau lòng của thương hiệu nước mắm Phú Quốc hay một công ty Trung Quốc đã đăng ký trước và cướp mất thương hiệu “cà phê Buôn Ma Thuột” của chúng ta. Dẫu mặt hàng truyền thống hay sản phẩm dịch vụ hiện đại, chất lượng, sự khác biệt của sản phẩm và dịch vụ phải là kết quả của sự đầu tư lâu dài, kiên trì chứ không thể là kết quả của một phong trào hay một chiến dịch ăn xổi ở thì.

Và theo quan niệm của Michael Porter về cluster (tạm dịch là “cụm ngành” hay “chùm ngành và dịch vụ”), chất lượng sản phẩm hay dịch vụ (như du lịch) ngày nay không thể chỉ là nỗ lực riêng lẻ của một cá nhân hay một doanh nghiệp mà phải là kết quả của nỗ lực của cả “cụm ngành” hay “chùm” hàng chục ngành như vận tải hàng không, đường bộ, giáo dục-đào tạo, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường đến dịch vụ ăn uống, khách sạn, ngân hàng.

Vai trò của chính quyền địa phương trong xây dựng môi trường kinh doanh, điều hòa phối hợp các ngành, lĩnh vực liên quan là rất to lớn. Chỉ cần nhìn vào bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố của nước ta năm 2011 cũng có thể thấy rằng, rất nhiều địa phương có lợi thế rất lớn về vị trí, kết cấu hạ tầng nhưng lại có vị trí xếp hạng rất khiêm tốn như thủ đô Hà Nội xếp thứ 36 và TPHCM xếp thứ 20 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, ta có thể thấy vai trò, sự năng động của chính quyền địa phương có ý nghĩa to lớn thế nào.

Điều đó cho thấy bên cạnh một đạo luật, rất cần có sự nỗ lực to lớn, kiên trì từ tư duy chiến lược đến hành động cụ thể của bộ máy chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng dân cư để xây dựng nên “thương hiệu” và sức hút của từng địa phương. 

Lê Đăng Doanh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...